Thống nhất chủ trương về mức thu học phí trong các cơ sở giáo dục công lập

(Baonghean.vn)- Sáng 1/12, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục nghe và cho ý kiến vào dự thảo Quy định mức thu học phí trong các cơ sở giáo dục, đào tạo công lập từ năm học 2016- 2017 đến 2020-2021.

Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy: Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh, Nguyễn Văn Thông, Lê Quang Huy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại diện các ban, ngành liên quan.

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh- ủy viên BCH Trung ƯơngĐảng
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng cần xác định các tiêu chí cụ thể làm cơ sở  phân vùng thu học phí phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư và khả năng đóng góp của người dân.

Theo báo cáo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông: Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định tại điều 4, khung học phí chia làm 3 vùng gồm: Thành thị, nông thôn và miền núi.

Tuy nhiên để mức thu  học phí phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư và khả năng đóng góp của người dân, UBND tỉnh Nghệ An đề nghị khung học phí phân thành 4 vùng như sau: Vùng 1 gồm các phường thuộc thành phố Vinh; vùng 2 gồm các xã thuộc Thành phố Vinh, phường thuộc thị xã, thị trấn thuộc huyện đồng bằng; vùng 3 gồm các xã thuộc thị xã, xã thuộc huyện đồng bằng; thị trấn thuộc huyện vùng núi thấp; vùng 4 gồm các huyện miền núi cao, xã thuộc huyện miền núi thấp và vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.

Đồng chí Lê Minh Thông- Phó chủ tịch UBND tỉnh
Đồng chí Lê Minh Thông - Phó chủ tịch UBND tỉnh trình bày báo cáo giải trình một số nội dung về mức thu học phí trong các cơ sở giáo dục-đào tạo công lập.

So sánh nguồn thu học phí giữa mức thu cũ (theo Nghị Quyết số 349/2010/NQ-HĐND) và dự kiến mức thu mới của năm học 2016-2017 (dự kiến tăng từ 1/1/2017, tính tăng 5 tháng), số tiền học phí tăng thêm 11,18 tỷ đồng, trong đó trích 40% để thực hiện cải cách tiền lương: 4,47 tỷ đồng.

Một lớp học ở vùng cao, ảnh tư liệu
Một lớp học ở vùng cao. Ảnh tư liệu

Tại cuộc họp nhiều ý kiến cho rằng việc tăng là cần thiết bởi mức thu học phí cũ được xác định căn cứ tình hình xã hội năm 2010, đến nay tình hình kinh tế xã hội của tỉnh đã phát triển khá ổn định (thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt 25 triệu đồng; năm 2015 ước đạt 29 triệu đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2010); hệ số trượt giá các năm từ 2010-2015 khoảng 48%.

Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn- Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu cấp ủy, chính quyền huyện Quỳnh Lưu
Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn- Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh  cho rằng  tăng học phí là cần thiết nhưng cần làm tốt công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân. 

Tuy nhiên cần lưu ý việc thực hiện cơ chế quản lý thu, miễn - giảm học phí, đảm bảo theo quy định hiện hành của Nhà nước. Sau khi thảo luận, các đại biểu đã thống nhất nội dung dự thảo trình. Theo đó, mức thu học phí sẽ theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ. Đối với cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập, học phí điều chỉnh theo lộ trình: Từ học kỳ 2, năm học 2016 - 2017, các trường mầm non (trừ các phường thuộc Thành phố Vinh), trung học phổ thông và bổ túc THPT thì không tăng học phí. Các trường mầm non tại các trường thuộc thành phố Vinh tăng 30.000đồng/học sinh/tháng. Các Trường Trung học cơ sở ở các phường thuộc Thành phố Vinh tăng 40.000 đồng/học sinh/tháng, các trường THCS vùng nông thôn tăng 10.000 đồng/học sinh/tháng, các trường THCS vùng miền núi tăng 5.000 đồng/học sinh/tháng. Các năm học tiếp theo tăng theo lộ trình.

Học sinh trường THPT chuyên Phan Bội Châu, ảnh tư liệu
Học sinh trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Ảnh tư liệu

Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh thống nhất cao với lộ trình và mức thu học phí như trong  dự thảo. Tuy nhiên, đồng chí lưu ý cần xác định các tiêu chí cụ thể làm cơ sở  phân vùng thu học phí phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư và khả năng đóng góp của người dân. Trong quá trình thực hiện lộ trình tăng học phí ( 5 năm từ năm học 2016- 2017 đến 2020-2021) nếu có đột biến hay vấn đề phát sinh sẽ tiếp tục điều chỉnh./.

Khánh Ly

TIN LIÊN QUAN

Tin mới