Thủ môn Bùi Tiến Dũng: Hãy như Trần Nguyên Mạnh!

(Baonghean.vn) - “Người gác đền” sinh năm 1997 được xem là nguyên nhân chính của màn lội ngược dòng của U23 Triều Tiên tại lượt trận cuối cùng của bảng D, VCK U23 châu Á 2020.

Tình huống phản lưới nhà của Bùi Tiến Dũng đã góp phần giúp U23 Triều Tiên có được màn lội ngược dòng thành công, với chiến thắng chung cuộc 2 – 1. Đây là sai lầm sơ đẳng thứ 2 của chàng “thủ môn quốc dân” chỉ trong vòng 1 tháng rưỡi. Sai lầm gần nhất của Bùi Tiến Dũng là ở trận đấu giữa U22 Việt Nam và U22 Indonesia (2 – 1) tại vòng bảng SEA Games 30, diễn ra hồi cuối năm 2019 (ngày 1/12).

Vẫn biết, sai lầm là điều khó tránh khỏi trong bóng đá, nhất là với các thủ môn. Tuy nhiên, sai lầm xảy ra thường xuyên trong một thời gian ngắn (hơn 1 năm), trong những màu áo khác nhau (CLB Thanh Hóa, CLB Hà Nội, U22 Việt Nam, U23 Việt Nam) và ở những đấu trường khác nhau (Cúp QG 2018, AFC Cup 2019, SEA Games 30, VCK U23 châu Á 2020) là vấn đề hết sức nghiêm trọng.

Pha xử lý sai lầm của Bùi Tiến Dũng. Ảnh: baogiaothong.vn
Pha xử lý sai lầm của Bùi Tiến Dũng. Ảnh: baogiaothong.vn

Mọi chỉ trích vào lúc này không còn nhiều ý nghĩa với thủ thành 23 tuổi, bởi tất cả đã là quá khứ. Điều cốt yếu là Bùi Tiến Dũng phải biết đứng dậy sau khi vấp ngã, quyết tâm sửa chữa sai lầm khi đã mắc phải. Chỉ như vậy, thủ môn người Thanh Hóa mới có thể cứu vãn, duy trì và phát triển sự nghiệp của mình, để tiếp tục xứng danh là chàng “thủ môn quốc dân”.

Nếu cần một tấm gương để Bùi Tiến Dũng noi theo thì không ai khác, đó là Trần Nguyên Mạnh. Cựu thủ môn SLNA cũng từng rơi vào tình cảnh như Bùi Tiến Dũng hiện tại, thậm chí là còn tồi tệ hơn nhiều. Tất cả bắt nguồn từ tấm thẻ đỏ mà Trần Nguyên Mạnh phải nhận trong trận bán kết lượt về AFF Cup 2016, giữa Đội tuyển Việt Nam và Đội tuyển Indonesia, diễn ra trên sân Mỹ Đình.

Trong thời điểm đội nhà đang ở thế bất lợi (bị dẫn 0 – 1), thủ thành sinh năm 1991 đã có pha đánh nguội một cầu thủ bên phía đội bạn. Hậu quả, Trần Nguyên Mạnh bị trọng tài chính truất quyền thi đấu (phút 76). Mặc dù thi đấu rất cố gắng, nhưng các học trò của HLV Nguyễn Đức Thắng vẫn phải chấp nhận với tỷ số hòa 2 – 2 và ngậm ngùi dừng bước ở vòng bán kết (tổng tỷ số sau 2 lượt trận đi và về là 3 – 4).

Kể từ giờ phút ấy, Trần Nguyên Mạnh bị một phần không nhỏ cổ động viên Việt Nam xem là “tội đồ”. Dẫu vậy, những lời lăng mạ, những lời chỉ trích đó không làm thủ môn người Nghệ An nhụt chí, tự ti và đánh mất bản thân. Thay vì thanh minh, phân bua về sai lầm của mình, Trần Nguyên Mạnh đã lao vào tập luyện không ngừng nghỉ.

Trần Nguyên Mạnh trong một buổi tập của Đội tuyển Việt Nam. Ảnh tư liệu
Trần Nguyên Mạnh trong một buổi tập của Đội tuyển Việt Nam. Ảnh tư liệu

Những nỗ lực của Trần Nguyên Mạnh cũng đã được đền đáp một cách xứng đáng. Tại mùa giải 2017, Trần Nguyên Mạnh thi đấu vô cùng xuất sắc, góp công lớn vào chức vô địch Cúp QG của đội bóng xứ Nghệ. “Niềm vui ngắn chẳng tày gang”, với chấn thương gặp phải trong trận đấu giữa SLNA và Tampines Rovers (Singapore) tại AFC Cup 2018, Trần Nguyên Mạnh đã phải rời xa sân cỏ suốt 1 năm trời.

Trở lại ở đầu mùa giải 2019, thủ môn 29 tuổi tiếp tục được HLV Nguyễn Đức Thắng trọng dụng. Không phụ lại niềm tin và sự kỳ vọng của Ban huấn luyện, Trần Nguyên Mạnh đã tỏa sáng rực rỡ với hàng loạt pha cứu thua xuất thần cho SLNA (thủ môn xuất sắc nhất V.League 2019). Nhờ thế mà thủ thành sinh năm 1991 đã được HLV Park Hang-seo điền tên vào thành phần Đội tuyển Việt Nam tham dự King’s Cup 2019, diễn ra tại Thái Lan. Một sự trở lại đầy ngọt ngào.

Trần Nguyên Mạnh làm được, còn Bùi Tiến Dũng thì sao?

Tin mới