Thu nhập của người dân ven biển Nghệ An gấp 1,28 lần bình quân toàn tỉnh

(Baonghean.vn) – Đó là thông tin của UBND tỉnh Nghệ An khi đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết TW4 (Khóa X) “về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020”.

Sáng 22/5, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp thường kỳ tháng 5 đánh giá tình hình kinh tế, xã hội trên địa bàn và bàn các giải pháp thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới. Phiên họp do đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh điều hành. Tham dự có các đồng chí Phó Chủ tịch, thành viên UBND tỉnh, đại diện HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành.

Ngay sau khi Trung ương ban hành nghị quyết TW4 (khóa X), tỉnh Nghệ An ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU đề ra mục tiêu cụ thể về Chiến lược biển của tỉnh Nghệ An đến  năm 2020 là: Phấn đấu vùng biển và ven biển tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 15%; GDP gấp 1,5 lần của cả tỉnh; tỷ lệ phát triển dân số 0,96%; giải quyết việc làm hàng năm 15.000 người; hình thành một số sản phẩm mũi nhọn có giá trị xuất khẩu cao và ổn định; năm 2020 chế biến 15.000 tấn hải sản xuất khẩu.

 Ngư dân ven biển Nghệ An nhiều năm liền
Ngư dân ven biển Nghệ An nhiều năm liền "trúng" các mùa cá giá trị cao. Trong ảnh, ngư dân Quỳnh Lưu trúng đậm cá hố xuất khẩu. Ảnh: Ngọc Bích

Sau 10 năm, kinh tế vùng biển và ven biển phát triển khá toàn diện với đầy đủ các ngành nghề, trong đó có nhiều ngành có ý nghĩa động lực đối với sự phát triển của Nghệ An như du lịch biển, khai thác  đánh bắt và chế biến thủy, hải sản, dịch vụ cảng; có nhiều đóng góp lớn vào GDP và ngân sách toàn tỉnh.

Công nghiệp các huyện vùng biển và ven biển phát triển khá, tập trung chủ yếu các ngành công nghiệp khai thác và chế biến hải sản; công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thuyền; dịch vụ cảng biển và hàng hải.

Giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng bình quân giai đoạn 2006-2016 là 6,77%; Doanh thu ngành du lịch vùng biển năm 2016 đạt 3.630 tỷ đồng, chiếm 90% toàn tỉnh, tăng bình quân 15,49% hàng năm. Cùng đó, hệ thống cảng biển, cảng cá được quy hoạch, thu hút đầu tư, góp phần đẩy mạnh dịch vụ hậu cần nghề biển, xuất nhập khẩu.

GDP bình quân giai đoạn 2006-2016 tăng 8,29%  cao hơn mức bình quân toàn  tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người của nhân dân các vùng biển Nghệ An năm 2006 chỉ đạt 9,27 triệu đồng/ người, đã tăng lên 36,21 triệu đồng (năm 2016) bằng 1,28 lần bình quân chung toàn tỉnh.

Con tàu đánh cá bằng vỏ sắt được đóng mới theo chính sách hỗ trợ của Nghị định 67/CP của ngư dân huyện Quỳnh Lưu
Nghệ An có 8 tàu đánh cá bằng vỏ sắt được đóng mới theo chính sách hỗ trợ của Nghị định 67/CP (của ngư dân huyện Quỳnh Lưu). Ảnh tư liệu

Trong định hướng phát triển kinh tế, xã hội 6 huyện vùng ven biển của tỉnh đến năm 2020 và những năm tiếp theo được chú trọng các lĩnh vực: Du lịch biển đảo và vùng ven biển; Phát triển công nghiệp sạch ở Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp Hoàng Mai, Nam Cấm với Thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò; Nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản và sản xuất muối biển; phát triển vận tải biển; Dịch vụ Cảng Cửa lò và các cảng khác; Dịch vụ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế biển và ven biển và các dịch vụ khác.

Quá trình đó, chú trọng phát triển vùng Vinh – Cửa Lò, KKT Đông Nam Nghệ An và vùng Hoàng Mai – Đông Hồi gắn với vùng kinh tế Nam Thanh – Bắc Nghệ, tạo vùng động lực phát triển. Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng và tạo cơ chế thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển các KCN theo quy hoạch.

 Hệ thống cảng biển ở Nghệ An được đầu tư, nâng cấp phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Ảnh: Bốc dỡ hàng tại Cảng Cửa Lò (ảnh Thu Huyền)
Hệ thống cảng biển ở Nghệ An được đầu tư, nâng cấp phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Ảnh: Bốc dỡ hàng tại Cảng Cửa Lò (ảnh Thu Huyền)

Phát triển mạnh các ngành công nghiệp sạch gắn với kinh tế biển như công nghiệp điện tử, công nghiệp chế biến hải sản, công nghiệp cơ khí đóng mới và sửa chữa tàu biển, công nghiệp cảng, dịch vụ cảng và kho bãi phục vụ kinh tế biển. Trong đó ưu tiên công nghệ cao, đảm bảo môi trường sinh thái, khai thác tốt du lịch biển.

Nguyên Sơn – Thục Anh

TIN LIÊN QUAN

Tin mới