Thu nhập 'khủng' nhờ nghề biển

(Baonghean) - Ở Quỳnh Lưu, người làm nghề biển thu nhập bình quân 80 triệu/năm, cao gần gấp ba lần các nghề khác. Thậm chí có người thu nhập vài trăm triệu đồng/tháng.

» Ngư dân Nghệ An: 'Một ngày không ra khơi là thấy nóng ruột'

Một góc xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu). Ảnh: Việt Hùng
Một góc xã biển Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) hôm nay. Ảnh: Việt Hùng

Thu nhập khủng từ nghề biển

Sản lượng khai thác đạt cao, giá cả ổn định, nghề đánh bắt hải sản đang là hướng làm giàu của bà con vùng biển. Ngư dân Nguyễn Văn Minh ở thôn Đại Bắc xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu), có thâm niên đi biển hơn chục năm cùng với sự mạnh dạn trong đầu tư đóng tàu to, máy lớn, hiện đang sở hữu 3 chiếc tàu vỏ gỗ có công suất từ 500 - 700 CV, thu nhập 200 - 300 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, trên địa bàn xã Quỳnh Long còn có nhiều ngư dân làm giàu từ nghề đi biển với mức thu nhập từ 20 - 30 triệu đồng/tháng như các ông Nguyễn Sáng ở thôn Đại Hải, Nguyễn Bá Thảo ở thôn Phú Liên và Nguyễn Văn Chắt...

Với ngư dân Trương Thành ở xã Quỳnh Nghĩa, từ bám biển khai thác hải sản, mỗi năm ông cũng thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng. Ông Thành đã đăng ký vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67, qua hơn 1 năm sử dụng con tàu này để đánh bắt đã luôn thu được sản lượng cao; bình quân mỗi chuyến đánh bắt thu về từ 300 - 400 triệu đồng, mỗi thuyền viên trên tàu có thu nhập từ 8 -10 triệu đồng/chuyến.

Nghề đánh bắt phát triển, kéo theo nhiều dịch vụ hậu cần nghề cá trên bờ như chế biến, thương mại... phát triển mạnh. Dù không nằm sát biển, nhưng xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Lưu) lâu nay có nghề đánh cá tương đối phát triển, trong đó có 2 xóm 12 và 13 (làng Song Ngọc) người dân chủ yếu sống dựa vào tài nguyên biển.

Giữa năm 2016 trở về trước, làng Song Ngọc có tới 36 tàu thuyền tạo việc làm cho khoảng 300 lao động nam trực tiếp tham gia đánh bắt, và ít nhất cũng chừng đó phụ nữ tham gia buôn bán cá và các sản phẩm từ biển, phục vụ nghề biển. 

Tấp nập tàu cá về tại cửa Lạch Quèn. Ảnh: Việt Hùng
Tấp nập tàu cá về tại cửa Lạch Quèn. Ảnh: Việt Hùng

Ở làng Song Ngọc nghề làm nước mắm cũng rất phát triển, đem lại thu nhập khá cho người dân. Hôm chúng tôi đến, gia đình chị Nguyễn Thị Hiên - hộ chế biến nước mắm ở Song Ngọc, đang đổ nền bê tông trước sân nhà để mở rộng diện tích sân phơi nước mắm. Chị Hiên chia sẻ: Hiện nay, gia đình có hơn 300 thùng ủ, mỗi năm sản xuất được khoảng trên dưới 24.000 lít nước mắm nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Với giá bán từ 60.000 - 70.000 đồng/lít, mỗi năm gia đình thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng. Gia đình còn tạo việc làm cho lao động thường xuyên với thu nhập ổn định 5 triệu đồng/người/tháng và một số lao động thời vụ. 

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhờ chế biến nước mắm nên đời sống của bà con ở giáo xứ Song Ngọc được cải thiện, tỷ lệ hộ khá chiếm hơn 50% tổng số hộ dân của 2 xóm 12 và 13; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6% năm 2017 (năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo trên 30%). Nghề nước mắm cũng đang tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 100 lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Biểu đồ kết quả sản lượng khai thác tại các huyện thị ven biển Quý I/2017. Đồ họa: Nam Phong
Biểu đồ kết quả sản lượng khai thác tại các huyện thị ven biển Quý I/2017.
Đồ họa: Nam Phong

Thu nhập hơn hẳn các nghề khác

Tại xã An Hòa (Quỳnh Lưu), mặc dù chỉ có 2 thôn có nghề biển, 84 chiếc tàu với 336 lao động đánh bắt, nhưng giá trị đánh bắt hải sản chiếm 20% giá trị kinh tế của toàn xã. 

Ông Lê Xuân Quyết - Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa cho biết: “Năm 2016, tổng giá trị sản xuất của xã đạt 335 tỷ đồng, riêng đánh bắt hải sản đạt gần 70 tỷ đồng, trong khi đó diêm nghiệp với khoảng 2.000 lao động theo nghề nhưng giá trị chỉ đạt 10%; hiện nay, thu nhập bình quân của xã là 26 triệu đồng/người/năm, nhưng riêng thôn Tân An - nơi người dân sống chủ yếu bằng nghề biển, thu nhập đạt trên 30 triệu đồng/người/năm”.

Còn tại xã Quỳnh Long, năm 2016, tổng giá trị sản xuất của xã đạt 627,7 tỷ đồng; trong đó, riêng đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản đã chiếm trên một nửa (đạt hơn 370 tỷ đồng), nghề biển tạo ra việc làm ổn định cho 1.800 lao động nam đi biển; hơn 2.500 lao động nữ làm nghề vá lưới và kinh doanh dịch vụ thủy sản, với mức thu nhập bình quân toàn xã là 37 triệu đồng/người/năm...

Các xã Quỳnh Long, Sơn Hải, Tiến Thủy, Quỳnh Nghĩa nhờ phát triển mạnh nghề đánh bắt hải sản, nên cuộc sống người dân ở đây sung túc hơn hẳn một số địa phương khác trong huyện. 

Ông Đặng Ngọc Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: Đánh bắt hải sản, phát triển kinh tế biển tạo nguồn thu nhập chính đang có hiệu quả cao hơn so với các ngành nghề khác ở các địa phương ven biển. Ở huyện Quỳnh Lưu, lao động đánh bắt hải sản có khoảng trên 10.000 người, thu nhập bình quân đạt 80 triệu đồng/người/năm (trong đó nghề lưới vây 120 triệu đồng/người/năm; nghề chụp, câu khoảng 60 triệu đồng/người/năm); trong khi đó, các ngành nghề khác chỉ đạt bình quân 29 triệu đồng/người/năm. 

Nhìn chung ở Nghệ An hiện nay, hoạt động khai thác, chế biến, cung cấp hải sản rất sôi động, người dân từ buôn bán cá biển, vá lưới đến đánh bắt đều phấn khởi vì từ khai thác hiệu quả nguồn lợi biển, đời sống không ngừng được cải thiện với nhiều hộ vươn lên làm giàu. Bà con cho biết, mong muốn tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ đầu tư đóng tàu công suất lớn để vươn khơi bám biển tích cực hơn nữa.

Theo tổng hợp từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 3 tháng đầu năm 2017, sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh Nghệ An đạt 27.399 tấn các loại, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2016; tổng giá trị ước đạt gần 623 tỷ đồng, tăng gần 33%. 


 Nhóm PV

TIN LIÊN QUAN

Tin mới