Thủ phạm gây ho, đau đầu, cảm lạnh tồn tại trong nhà

Nhiều người ngày càng có ý thức bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách đeo khẩu trang khi đi ra đường để tránh hít phải khói thuốc, bụi, khí thải độc hại... Tuy nhiên, bạn có thực sự an toàn khi đã bước chân vào trong nhà?

Câu trả lời là: "Không", bởi không khí trong nhà bị ô nhiễm cũng tiềm ẩn nguy cơ gây hại không kém ngoài đường.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 3,8 triệu người chết mỗi năm vì tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong nhà. Nguồn ô nhiễm này khá đa dạng, bao gồm nhiều loại khí, hóa chất và các chất khác. Bên cạnh khói thuốc lá, xì gà, khói từ việc nấu nướng, khí thải từ thiết bị chiếu sáng còn có một số đồ dùng, sản phẩm trong nhà gây ô nhiễm không khí. Cùng với hệ thống thông gió không đầy đủ, cửa nhà thường xuyên đóng kín, những chất ô nhiễm này đôi khi có thể gây tử vong. Việc loại bỏ nguồn ô nhiễm giúp bạn cải thiện chất lượng không khí và cuộc sống.

Thủ phạm gây ho, đau đầu, cảm lạnh tồn tại trong nhà ảnh 1

Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, giữ luồng không khí lưu thông, sạch sẽ là cách để bảo vệ sức khỏe.

Những nguyên nhân phổ biến gây ô nhiễm không khí trong nhà

- Khói thuốc lá: WHO liệt kê khói là một trong những loại ô nhiễm nguy hiểm và quen thuộc nhất. Không chỉ dừng lại ở khói thuốc lá, nó còn bao gồm các chất ô nhiễm từ quá trình đốt cháy dầu hỏa để nấu ăn, thắp sáng, gây viêm phế quản, khí thủng phổi (emphysema) và bệnh tim.

- Độ ẩm quá mức: Độ ẩm cao là một trong những chất gây ô nhiễm trong nhà quan trọng nhất nhưng ít được công nhận nhất, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và tuổi thọ ngôi nhà. Khi hơi ẩm tích tụ, nấm mốc và mạt bụi có thể gây hen suyễn hoặc dị ứng, phá hủy các sản phẩm gỗ và đẩy nhanh quá trình rỉ sét của các thành phần xây dựng bằng kim loại.

- Thiết bị hoạt động bằng gas: Chúng tạo ra carbon dioxide, carbon monoxide và hơi nước. Nếu không có hệ thống thông gió thích hợp, các chất ô nhiễm sẽ lan ra khắp nhà. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới lưu ý việc tiếp xúc với lượng carbon monoxide cao có thể gây ra những rủi ro về sức khỏe như giảm khả năng vận động, tăng tỷ lệ hen suyễn ở trẻ em, bệnh tim mạch và gây tử vong.

- Các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC): Chúng bao gồm formaldehyd và các chất bay hơi khác phát ra từ những sản phẩm chúng ta thường sử dụng như sơn, sáp, thuốc xịt aerosol và sản phẩm tẩy rửa khác.

Cách cải thiện chất lượng không khí trong nhà

- Đặt những loại cây có tác dụng thanh lọc không khí trong nhà: Một nghiên cứu được thực hiện bởi NASA đã xác định các loại cây có thể làm sạch không khí trong nhà. Bạn có thể đặt một hoặc hai chậu cây ở những khu vực khác nhau trong nhà, bao gồm cả phòng ngủ để giữ cho không khí sạch sẽ.

- Xây dựng môi trường không khói thuốc: Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, từ năm 1964, khoảng 2.500.000 người không hút thuốc đã tử vong vì các vấn đề sức khỏe do tiếp xúc với khói thuốc lá. Hãy giữ an toàn cho gia đình bằng việc tuyên bố cấm hút thuốc trong nhà. Bên cạnh việc giảm ô nhiễm không khí, từ bỏ thói quen hút thuốc lá cũng giúp bạn tránh các vấn đề về sức khỏe.

- Chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường: Hãy là một người mua sắm thông minh. Trước khi bạn đặt một sản phẩm vào giỏ hàng, hãy xem xét danh sách thành phần một cách cẩn thận. Để đảm bảo an toàn, bạn nên lựa chọn sản phẩm hữu cơ và thân thiện với môi trường. 

Tin mới