Thử thách phía trước của Tân Thủ tướng Tây Ban Nha

(Baonghean) - Người Tây Ban Nha đã phải mất tới 2 cuộc bầu cử và 10 tháng ở trong tình trạng bế tắc chính trị mới có thể tìm ra được một chính phủ với đầy đủ chức năng. Bất đồng đã qua, nhưng chặng đường phía trước là một dấu hỏi không nhỏ cho Chính phủ mới ở Madrid. 

Những nút thắt được gỡ

Sau 10 tháng chờ đợi, cuối cùng Tây Ban Nha cũng có một vị Thủ tướng. Ngày 29/10, nhà lãnh đạo theo đường lối bảo thủ, ông Mariano Rajoy đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội Tây Ban Nha để trở thành Thủ tướng.

Thế bế tắc chính trị tại Tây Ban Nha đã bắt đầu từ sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 12/2015 do không đảng nào giành được đa số ghế trong Quốc hội. Các cuộc đàm phán thành lập chính phủ mới đều thất bại buộc Tây Ban Nha phải tiến hành bầu cử lần hai vào ngày 26/6, song kết quả vẫn không khác nhiều. Đảng Nhân dân (PP) của ông Rajoy giành được nhiều ghế nhất tại Quốc hội nhưng vẫn không chiếm đủ đa số để tự đứng ra thành lập chính phủ mới. 

Những người phản đối ông Rajoy lên nhậm chức nhiệm kỳ thứ haiở Madrid (New York Times).
Những người phản đối ông Rajoy lên nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai ở Madrid (New York Times).

Thế bấp bênh về chính trị tại Tây Ban Nha kéo dài tới tận ngày 27/10. Trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm hôm thứ Năm tuần trước, ông Rajoy cần đa số ủng hộ trong Quốc hội 350 ghế để có thể được thông qua. Nhưng kịch bản này đã không diễn ra. Tuy nhiên, trong cuộc bỏ phiếu lần hai vào ngày 29/10, nhà lãnh đạo này chỉ cần nhiều phiếu ủng hộ hơn phiếu chống để quay trở lại quyền lực.

Theo công bố của truyền thông Tây Ban Nha, đảng Nhân dân dự kiến sẽ thành lập một chính phủ thiểu số, sau khi giành được sự ủng hộ từ Đảng Ciudadanos nhỏ hơn và sự hậu thuẫn ngầm từ nhiều nghị sĩ Đảng Xã hội (PSOE)- những người đã bỏ phiếu trắng. Trong cuộc bỏ phiếu trên, ông Rajoy giành được 170 phiếu ủng hộ, 111 phiếu chống và 68 phiếu trắng từ các nghị sĩ quốc hội. 

Thực ra, nút thắt của cuộc khủng hoảng chính trị tại Tây Ban Nha không hẳn được gỡ tại Quốc hội nước này. Nó được giải quyết trong nội bộ của Đảng Xã hội. Sau hai lần bầu cử trong 10 tháng qua, đội ngũ thành viên của Đảng Xã hội mâu thuẫn về việc có liên minh với Đảng Nhân dân để thành lập chính phủ mới hay không. Thậm chí, bất hòa trong nội bộ Đảng Xã hội còn ồn ào hơn cả những cuộc đàm phán trên diễn đàn Quốc hội.

Đỉnh điểm là Chủ tịch Đảng Pedri Sanchez đã phải từ chức vì nhất quyết bảo vệ quan điểm không ủng hộ chính phủ do Chủ tịch Đảng Nhân dân - Thủ tướng tạm quyền Rajoy chính thức lên cầm quyền. Để có được kết quả này, hơn một nửa (17/35) thành viên trong ban lãnh đạo Đảng Xã hội đã từ chức tập thể để buộc ông Sanchez phải ra đi. Và trong một bước đi cuối cùng, các thành viên cấp cao trong nội bộ đảng này đã nhất trí bãi bỏ cản trở để quyền Thủ tướng Mariano Rajoy lên nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai. Như vậy, các thành viên của Đảng Xã hội đã hy sinh sự đoàn kết trong đảng để giúp tạo lập chính phủ mới, tránh cho Tây Ban Nha khỏi một cuộc bầu cử thứ 3 chỉ trong vòng 2 năm. 

Hợp lý, hợp thời

Việc ủng hộ lãnh đạo đảng Nhân dân - Mariano Rajoy lên làm Thủ tướng là việc cần thiết vào thời điểm này với các thành viên của Đảng Xã hội. Trước hết, đó là vì đại cục của quốc gia trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng nặng nề đến thị trường việc làm khi tỷ lệ thất nghiệp đã có lúc vọt lên 27%. Nền kinh tế lớn thứ 4 trong khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) còn được dự báo sẽ không đạt được mục tiêu thâm hụt ngân sách năm 2017. Thiết lập lại sự ổn định ở thượng tầng chính trị là điều kiện trước tiên nếu Madrid muốn tìm kiếm một giải pháp cải cách toàn diện.

Cũng cần phải biết rằng khủng hoảng chính trị cũng ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của Đảng Xã hội. Nó tạo điều kiện cho sự nổi lên của hai thành viên mới trên chính trường là Đảng cánh tả Podemos và Đảng tự do Ciudadanos. Sự phản đối phương pháp mạnh mẽ của cựu Chủ tịch Sanchez thực ra lại là “lợi bất cập hại”. Nó làm phức tạp thêm vấn đề, khiến nhiều người lo ngại Đảng Xã hội sẽ đánh rơi sự ủng hộ của cử tri vào tay Podemos.

Bằng chứng là tại các cuộc bầu cử địa phương mới đây, Đảng Xã hội nhận những thất bại ở cả 2 khu vực quan trọng là Galicia và xứ Basque. Trong khi, Đảng Nhân dân của Thủ tướng Rajoy tiếp tục duy trì được đa số ghế tuyệt đối tại Hội đồng địa phương khu vực và hạn chế được thất bại tại xứ Basque. Nếu cứ đơn phương tẩy chay các giải pháp chính trị cho đất nước, trong khi các đảng vẫn âm thầm tích lũy sự tín nhiệm của cử tri, một viễn cảnh cao là Đảng Xã hội sẽ tự loại mình ra khỏi đời sống xã hội của đất nước.  

Thách thức đang chờ đợi

Tin vui đến với xứ sở đấu bò tót vào thời điểm thế bế tắc chính trị được gỡ bỏ. Trong bối cảnh không có một chính phủ thực sự trong 10 tháng qua, kinh tế Tây Ban Nha vẫn có những chuyển biến tích cực. Đó là tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 18,9% trong quý 3, so với mức 20% trong 3 tháng trước đó. Đây lại là tỷ lệ thấp nhất tại Tây Ban Nha trong vòng 6 tháng qua.

Theo Viện Thống kê Quốc gia Tây Ban Nha, đã có khoảng 253,900 người đã thoát khỏi cảnh thất nghiệp trong thời gian này. Còn Ngân hàng Trung ương nước này lạc quan dự báo: tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ vào khoảng 3,2%, một con số được coi là khá ở châu Âu vào thời điểm này. Nhiều người còn nói vui rằng, Tây Ban Nha chắc không cần phải có một chính phủ để giúp đất nước vượt qua giai đoạn khủng hoảng. 

Cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của vùng Catalonia năm tớisẽ là vấn đề hóc búa của Thủ tướng Rajoy (DW).
Cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của vùng Catalonia năm tới sẽ là vấn đề hóc búa của Thủ tướng Rajoy (DW).

Nhưng thực tế, tân Thủ tướng Rajoy chắc còn nhiều việc để đau đầu trong thời gian tới. Đảng Nhân dân của ông thực ra vẫn đang ở vào một thế bấp bênh. Đảng này nắm ít số ghế nhất tại Quốc hội so với bất kỳ đảng cầm quyền nào tại Tây Ban Nha kể từ những năm 1970. Đây chính là điểm trừ nếu như ông Rajoy muốn thông qua các quyết sách quan trọng tại Quốc hội.

Bài kiểm tra đầu tiên sẽ là kế hoạch ngân sách 2017. Còn nếu không, một cuộc bầu cử nữa sẽ lại xảy ra trong tương lai gần. Khi đó phe đối lập chắc chắn sẽ không để ông lên nắm quyền một lần nữa. Bên cạnh mặt trận kinh tế, áp lực lớn nhất với chính phủ mới đến từ vùng Catalonia. Chính quyền vùng này đang lên kế hoạch cho cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập vào tháng 9 năm tới.

Thủ tướng Rajoy vốn từ chối bất cứ cuộc thảo luận nào về chủ đề này chắc chắn sẽ rất không vui nếu một kết quả ngoài dự định xảy ra ở Cantalonia. Vấn đề là cơ hội để đảo ngược tình hình vẫn còn. Người Catalan sẽ vẫn có thể bị thuyết phục nếu họ được trao nhiều quyền tự trị hơn, như Đảng Xã hội từng đề xuất. Vấn đề là Thủ tướng Rajoy sẽ thương thảo như thế nào mà thôi.

Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới