Thứ trưởng Bộ KHCN làm việc với Công ty CP Nafoods Group

(Baonghean.vn) - Sáng ngày 24/10, đoàn công tác của Bộ Khoa học Công nghệ do Thứ trưởng Trần Văn Tùng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc, kiểm tra việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất ở Công ty CP Nafoods Group.

Cùng đi có ông Trần Quốc Thành - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở KHCN tỉnh Nghệ An; về phía huyện Quế Phong có ông Lữ Đình Thi - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy; Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện.

Trước khi bước vào buổi làm việc, đoàn đã đi tham quan mô hình vườn ươm giống chanh leo của công ty. Tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2015, công ty đã tạo được 300 ngàn cây giống, ngoài cung cấp cho thị trường trong nước còn xuất khẩu đi các nước như Trung Quốc, Lào…

Kể từ tháng 7/2015, Công ty CP Nafoods Group đã mở rộng thêm một số phân khu chức năng trong vườn ươm để nâng công suất nhân giống từ 30 ngàn cây/tháng lên 60 ngàn cây/tháng. Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục mở rộng khu vườn ươm để nâng công suất lên 2 triệu cây giống/năm, đảm bảo nhu cầu phát triển chanh leo cho cả nước.

Đoàn công tác tham quan mô hình vườn ươm giống chanh leo.
Đoàn công tác tham quan mô hình vườn ươm giống chanh leo.

Tại buổi làm việc, đồng chí Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện đã báo cáo tóm tắt tình hình KT-XH, QP-AN của huyện Quế Phong. Theo đó, 9 tháng đầu năm 2015, kinh tế huyện có nhiều chuyển biến tích cực trong tất cả các lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng - dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế so với cùng kỳ ước đạt 7,6%; ngành nông - lâm - thủy sản đạt 19,15%, ngành công nghiệp – xây dựng đạt 5,97%, dịch vụ 5,94%; năng suất bình quân lúa nước bình quân vụ xuân đạt 49,44 tạ/ha, sản lượng đạt gần 11.000 tấn.

Báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết 08 của Ban Thường vụ Huyện ủy Quế Phong về phát triển cây chanh leo, giai đoạn 2013 - 2020, huyện Quế Phong đã tập trung vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc chuyển đổi cơ cấu sang trồng chanh leo. Bện cạnh đó, huyện cũng tập trung vào thực hiện các giải pháp để từng bước mở rộng diện tích cây chanh leo. Trong 3 năm (2013 - 2015), toàn huyện đã trồng được 123,5 ha, trong đó 114,5 ha đã cho thu hoạch với tổng sản lượng ước đạt 1.368 tấn.

Ông Phạm Duy Thái - Giám đốc Công ty CP chanh leo Nafood báo cáo với đoàn công tác về tình hình áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhân giống chanh leo.
Ông Phạm Duy Thái - Giám đốc Công ty CP chanh leo Nafood báo cáo với đoàn công tác về tình hình áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhân giống chanh leo.

Về việc áp dụng khoa học công nghệ cao vào lãnh đạo Công ty Cổ phần Nafoods Group cho biết, từ năm 2013 cho đến nay, công ty đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật và ứng dụng công nghệ vào sản xuất như: chủ động và cung cấp giống chanh leo Đài Nông 1 sạch bệnh, năng suất cao đã được Viện BVTV giám định; ứng dụng công nghệ và thiết bị của các nước Đức và Ý vào sản xuất nước ép chanh leo cô đặc đông lạnh; hoàn thiện từ khâu tiếp nhận nguyên liệu đến quá trình chế biến với công suất dây chuyền đạt 200 tấn nguyên liệu/ngày ...

Ngoài ra, công ty còn nghiên cứu thành công đề tài khoa học “Nghiên cứu hoàn thiện các quy trình về sản xuất cây giống gấc và quy trình thâm canh gấc quả thương phẩm tại Nghệ An”  được UBND tỉnh phê duyệt;  cải tiến công nghệ và thiết bị trong sản xuất như đưa nguồn phụ phẩm vào thay thế than đá, hàng năm tiết kiệm được 800 triệu đồng; chế tạo máy cắt 2 đầu - gọt vỏ - đục lõi quả dứa ...

Đồng chí Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ KHCN ghi nhận và biểu dương những thành quả mà Công ty CP chanh leo Nafood đạt được, nhất là việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Đồng chí Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ KH&CN ghi nhận và biểu dương những thành quả mà Công ty CP chanh leo Nafood đạt được, nhất là việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh: ngoài việc áp dụng công nghệ cao vào việc nhân giống chanh leo, công ty cần áp dụng cả vào việc phân loại, bảo quản và chế biến sản phẩm sau thu hoạch; tăng cường hợp tác với các đối tác để đầu tư dây chuyền sản xuất các thực phẩm, nước uống bổ dưỡng từ gấc, chanh leo và các cây dược liệu; hợp tác với các trường nông nghiệp nổi tiếng để tiếp nhận chuyển giao công nghệ; đầu tư dây chuyền đóng hộp sản phẩm tiêu dùng nội địa.

Về phía huyện Quế Phong, cần tiếp tục có sự quan tâm, hỗ trợ, nhất là giải quyết vấn đề quỹ đất để doanh nghiệp có điều kiện mở rộng diện tích chanh leo trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó là đầu tư, phát triển các loại cây có giá trị kinh tế cao như chè hoa vàng, cây bon bo ... ; từng bước phát triển kinh tế, sớm thoát khỏi huyện nghèo./.

Thúy Hằng

(Đài Quế Phong)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới