Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 50 tỷ đồng

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị cáo buộc thiếu trách nhiệm trong việc xét duyệt thuốc giả mang nhãn Health 2000, gây thiệt hại hơn 50,6 tỷ đồng.

Ngày 11/11, ông Cường cùng Lê Đình Thanh (cựu cán bộ Hải quan TP HCM) và Nguyễn Việt Hùng (nguyên Cục phó Quản lý Dược) bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 điều 360 Bộ luật Hình sự.

Ông Cường bị xác định có sai phạm khi làm Cục trưởng Quản lý Dược (Bộ Y tế) từ năm 2007 đến 2016. 7 ngày trước, ông bị khởi tố.

9 người khác bị đề nghị truy tố về tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, trong đó có Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma) và Võ Mạnh Cường (cựu Giám đốc Công ty H&C).

Bị can Nguyễn Thị Thu Thủy (cựu Phó phòng của Cục Quản lý Dược), Phạm Hồng Châu (cựu Trưởng phòng đăng ký thuốc Cục Quản lý Dược) bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ông Trương Quốc Cường. Ảnh: Hữu Khoa
Ông Trương Quốc Cường. Ảnh: Hữu Khoa

Theo kết luận điều tra bổ sung lần 2, giai đoạn 2008-2014, Cục Quản lý Dược Bộ Y tế đã để xảy ra một số sai phạm trong quá trình thẩm định, xét duyệt, cấp số đăng ký thuốc chữa ung thư mang nhãn mác Heath 2000 và chưa có các biện pháp kịp thời để đình chỉ lưu hành, thu hồi vào thời điểm năm 2014.

Ông Cường có chỉ đạo xác minh, cung cấp thông tin cho Bộ Công an phối hợp xác minh và chỉ đạo tạm dừng nhập khẩu với Health 2000. Tuy nhiên, ông không kịp thời đình chỉ lưu hành, thu hồi thuốc cũng có dấu hiệu chưa làm hết trách nhiệm với vai trò là Cục trưởng Cục Quản lý Dược, để 4/7 loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 tiếp tục được sử dụng điều trị, tổng giá trị trên 3,7 tỷ đồng.

Là Cục trưởng Quản lý Dược, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng xét duyệt thuốc, ông Cường bị xác định phải chịu trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm trong thẩm định, xét duyệt hai hồ sơ của lô thuốc, gây thiệt hại 50,6 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, ông Cường được ghi nhận có thái độ hợp tác, thành khẩn khai báo, thừa nhận trách nhiệm là người đứng đầu khi để xảy ra các sai phạm tại Cục. Ông có nhiều thành tích trong công tác tại Bộ Y tế và được Nhà nước, Chính phủ tặng nhiều huân, huy chương, bằng khen nên cơ quan điều tra đề nghị áp dụng các biện pháp giảm nhẹ.

Theo cơ quan điều tra, quy định của pháp luật về dược và của Bộ Y tế về các trường hợp cần phải thu hồi thời điểm năm 2014 còn nhiều bất cập. Kết quả xác minh tại Sở Y tế 63 tỉnh, thành đều cho thấy không có thông tin về việc thuốc mang nhãn mác Health 2000 là thuốc giả, thuốc kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Kết quả kiểm nghiệm 3/7 thuốc mang nhãn mác Health 2000 tại Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và Viện Kiểm nghiệm thuốc TP HCM đều xác định đạt chất lượng theo tiêu chuẩn.

Với chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực dược, Cục đã chủ động xác minh về các Công ty Dược Canada trong đó có Health 2000. Đến năm 2019, sau khi có kết quả tương trợ tư pháp của Canada xác định Heath không có nhà máy sản xuất tại nước này, cơ quan điều tra mới khởi tố vụ án hình sự buôn hàng giả là thuốc chữa bệnh.

Trước đó, giai đoạn 1 của vụ án buôn bán thuốc giả xảy ra tại VN Pharma đã được xét xử tại TAND TP HCM. Võ Mạnh Cường bị phạt 20 năm tù, Nguyễn Minh Hùng 17 năm; các bị cáo khác nhận mức án từ 3 năm tù treo đến 12 năm tù với cáo buộc buôn bán thuốc giả là H-Capita 500 mg.

Tin mới