Thứ trưởng Công an: Không có chuyện khép kín khi xem xét đặc xá

Trước băn khoăn về tính công khai, minh bạch trong xem xét đặc xá, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn khẳng định: "Không có chuyện khép kín hay không minh bạch”.

Sáng 8/8, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Đặc xá (sửa đổi).

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải bày tỏ quan tâm về tính minh bạch, công khai, công bằng của việc lựa chọn, xét duyệt đối tượng đặc xá.

"Quá trình bình bầu, lựa chọn đối tượng trong dự thảo và quy trình tương đối khép kín trong nội bộ ngành Công an. Hiện nay có quy định trong chức năng trách nhiệm của VKSND Tối cao, tuy nhiên tôi nhận thấy chưa được rõ ràng”, bà Hải nói.

Bà đề nghị quy định rõ ràng hơn về trình tự thủ tục tham gia của VKS trong giám sát, thanh tra quá trình thực hiện đặc xá, cân nhắc bổ sung đại diện cơ quan dân cử như ĐBQH hay cơ quan QH khi thành lập hội đồng tư vấn đặc xá.

Thứ trưởng Công an: Không có chuyện khép kín khi xem xét đặc xá ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn.

“Không có chuyện khép kín hay không minh bạch”, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn khẳng định và cho biết, đối tượng được hưởng đặc xá được hướng dẫn, giải thích về luật và họ nhận thức đầy đủ quyền đến đâu, trường hợp nào được đặc xá.

Cùng với đó, Viện Kiểm sát thực hiện giám sát thường xuyên, chặt chẽ và là thành viên của hội đồng. Ngoài ra còn có cơ quan tổ chức khác cũng giám sát chặt chẽ quá trình xem xét đặc xá.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng bày tỏ băn khoăn về quy định liên quan đặc xá trong trường hợp đặc biệt khi mở rộng với đối tượng bị kết án treo, người đã được tha tù có điều kiện trước thời hạn.

“Đối tượng được hưởng chính sách trên về bản chất là hưởng chính là khoan hồng. Giờ cho hưởng đặc xá thì có chồng chéo về chính sách hay không?”, ông nêu.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, do tính chất “đặc biệt” nên việc mở rộng với đối tượng không ảnh hưởng gì đến chính sách khoan hồng và vẫn đảm bảo được yêu cầu đặt ra.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, người hưởng án treo là đối tượng phạm tội ít nghiêm trọng, đang thi hành án tại cộng đồng, gia đình. Còn đối tượng được tha tù trước thời hạn về bản chất cũng là chấp hành án tại cộng đồng. Do đó, quan điểm của ban soạn thảo là đủ điều kiện được xem xét đặc xá trong trường hợp đặc biệt.

Người nghèo không có tiền nộp, chẳng lẽ không bao giờ được đặc xá?

Liên quan đến điều kiện về thực hiện nghĩa vụ bồi thường và các nghĩa vụ dân sự để được đề nghị đặc xá, bà Lê Thị Nga cho biết, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này để tạo điều kiện cho người chấp hành án là người nghèo, chưa có điều kiện thực hiện nghĩa vụ dân sự thì vẫn được xét đặc xá..

Theo bà, dự thảo luật lần này mở rộng hơn so với luật hiện hành. Việc này dẫn đến có những người mặc dù quá trình cải tạo rất tốt, đáp ứng nhiều điều kiện luật định... nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có khả năng thi hành nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự (mà không phải do họ cố tình chây ỳ, không tự nguyện chấp hành án) thì sẽ không bao giờ được đặc xá.

Thứ trưởng Công an: Không có chuyện khép kín khi xem xét đặc xá ảnh 2
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga.

Như vậy sẽ ảnh hưởng đến công bằng xã hội và giảm đi ý nghĩa của chính sách đặc xá, đồng thời làm mất đi động lực của những người bị kết án là người nghèo phấn đấu cải tạo tốt.

Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị sửa theo hướng người bị kết án phải thực hiện xong nghĩa vụ nhưng trừ trường hợp có quyết định của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền về việc chưa có điều kiện thi hành án hoặc có văn bản của người được thi hành án đồng ý hoãn thi hành án, không yêu cầu thi hành án đối với tài sản không thuộc sở hữu của Nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đồng tình: “Có người nghèo không có tiền nộp thì chẳng lẽ họ không bao giờ được đặc xá”. Tuy vậy, ông cũng nhấn mạnh, mục đích đặc xá là tha tù chứ không phải xóa phần trách nhiệm dân sự. Do đó, anh được ra ngoài làm ăn thì khi có điều kiện phải thực hiện trả nợ.

Tin mới