Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch

(Baonghean.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, khi làm công tác quy hoạch phải cố gắng tìm ra, chỉ rõ được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát huy tối đa; chỉ rõ được hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức để có giải pháp hóa giải.

Sáng 2/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và tham vấn về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì điểm cầu Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì điểm cầu Chính phủ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
TIẾN ĐỘ CHẬM, CHẤT LƯỢNG CHƯA CAO

Báo cáo công tác xây dựng các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ sẽ phấn đấu trình Chính phủ xem xét, thông qua các Quy hoạch cấp quốc gia trong tháng 7/2022 và trình Quốc hội khóa XV xem xét, phê duyệt tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022. 

Đối với quy hoạch vùng, đến nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện nhiệm vụ lập quy hoạch 5 vùng: Trung du và miền núi phía Bắc; Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Dự kiến hoàn thiện và trình tổ chức thẩm định trong tháng 9-10/2022; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 12/2022.

Đối với quy hoạch tỉnh, đến nay đã có 61/63 nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh của 61 địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó, các địa phương đang khẩn trương tổ chức lập quy hoạch tỉnh theo nhiệm vụ được giao. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quan điểm là phát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt, không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính; Thúc đẩy liên kết giữ các vùng, địa phương để mở rộng không gian phát triển, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của quốc gia. 

Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực để hình thành một số vùng động lực, có hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng tại các khu vực có tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, bền vững. Phát triển theo hướng bền vững, hướng tới phát triển cân bằng, hài hòa giữa các vùng. Bảo đảm sử dụng đất, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả...

Mục tiêu tổng quát là kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội hài hòa, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Ảnh: Phạm Bằng
Các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Theo đó, về không gian phát triển đất nước thì sẽ tập trung hình thành và phát triển 2 hành lang kinh tế Bắc - Nam và các hành lang kinh tế Đông - Tây. Đồng thời, hình thành 4 vùng động lực chính của Quốc gia: vùng động lực chính khu vực phía Bắc; vùng động lực chính khu vực phía Nam; vùng động lực miền Trung và vùng động lực Đồng bằng sông Cửu Long. 

Tại hội nghị, lãnh đạo các Ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương đã báo cáo tóm tắt kết quả lập quy hoạch, nêu lên nhiều vướng mắc, khó khăn và đóng góp nhiều ý kiến nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, Nghệ An xác định công tác lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và đã được đưa vào Chương trình hành động và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, xác định là nhiệm vụ ưu tiên số 1.

Về tiến độ, đến nay Nghệ An đã phối hợp với đơn vị tư vấn và chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung hoàn thiện báo cáo tổng hợp quy hoạch, đồng thời tích hợp 49 quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa phương vào quy hoạch tỉnh. Dự kiến trong tháng 3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ nghe và cho ý kiến; trình các bộ thẩm định vào cuối quý II năm 2022 và hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào quý III năm 2022, đảm bảo đúng tiến độ theo tinh thần Nghị quyết 119/NQ-CP 2021 của Chính phủ. 
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập quy hoạch tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nêu lên 2 kiến nghị. Cụ thể, trong khi các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng chưa được ban hành thì đề nghị các bộ, ngành trung ương tiếp tục quan tâm, hướng dẫn và phối hợp với các địa phương trong quá trình lập quy hoạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm xây dựng và đưa vào hoạt động, quản lý khai thác hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác quy hoạch.

Về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia, Nghệ An đề nghị quan tâm khu vực Bắc Trung bộ với 6 tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế. Khu vực này chiếm 15,6% diện tích cả nước, chiếm 12% dân số cả nước. Trong đó, 3 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có diện tích chiếm hơn 10% cả nước và dân số chiếm 10% cả nước. Vì thế, có thể xem xét, bổ sung 3 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh thành vùng động lực phát triển ở khu vực Bắc Trung bộ. 

Về quy hoạch hành lang kinh tế, đề nghị xác định tuyến cao tốc Hà Nội - Thanh Thủy (Việt Nam) đi Pạc Xan - Viêng Chăn (Lào) là một trong những hành lang kinh tế để đưa vào định hướng quy hoạch quốc gia. Trong đó, kết nối đông tây có đường Viêng Chăn đến TP. Vinh về cảng Cửa Lò để bổ sung vào hành lang khu vực phía Tây. 

NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ TRỌNG TÂM TRONG NĂM 2022

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch trong thời gian qua đã đạt kết quả tích cực và có những tiến bộ nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn 2 điểm quan trọng là tiến độ chưa đạt theo chương trình và chất lượng chưa được như mong muốn. 

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như do ảnh hưởng dịch Covid-19 và hệ thống cơ sở dữ liệu chưa đồng bộ, Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân chủ quan vẫn là chính. Đó là nhận thức về công tác quy hoạch chưa đúng tầm; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa quan tâm đúng mức của người đứng đầu; đầu tư cho công tác này ở các cấp còn hạn chế; bố trí nguồn lực con người chưa tốt; tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt chưa có tính chủ động; các quy định hiện hành còn vướng mắc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Với mục tiêu vừa đảm bảo tiến độ, vừa nâng cao chất lượng quy hoạch trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu nâng cao nhận thức ở các cấp, ngành, đặc biệt là người đứng đầu về tầm quan trọng, vai trò, vị trí của công tác quy hoạch.

Các cấp, ngành phải xác định, công tác quy hoạch là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022. Bám sát Cương lĩnh, Hiến pháp, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, của các cấp, ngành, địa phương để cụ thể hóa vào quy hoạch. Tăng cường giám sát, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan dân cử trong thẩm định, phê duyệt quy hoạch.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, khi làm công tác quy hoạch thì phải cố gắng tìm ra, chỉ rõ được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát huy tối đa; chỉ rõ được hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức để có giải pháp hóa giải tại từng ngành, địa phương. Quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, bám sát thực tiễn. Quy hoạch đúng tiến độ nhưng phải quan tâm chất lượng, có thích ứng linh hoạt, vừa có tính chất lâu dài nhưng vẫn có tính thực tiễn, nó không phải là bất biến nhưng vẫn phải có tính ổn định.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu, quy hoạch phải dựa trên phát triển của nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương và cao hơn là bình diện quốc gia. Quy hoạch phải lấy nguồn lực bên trong là chiến lược, lâu dài, quyết định. Nguồn lực bên trong ở đây là con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử - văn hóa. Song cũng phải có tính hội nhập cao, phải kết hợp hài hòa giữa nội lực và ngoại lực, trong đó nội lực là cơ bản. 

Toàn cảnh điểm cầu tại tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng
Toàn cảnh điểm cầu tại tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Về tổ chức thực hiện quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu phải lựa chọn nhà thầu tư vấn tốt, lắng nghe nhiều chiều, thành lập tổ giúp việc chuyên nghiệp, chuyên trách. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải đứng đầu công tác này và bám sát sự chỉ đạo kịp thời, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền. 

Thông qua công tác quy hoạch, góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia để thuận lợi cho việc khai thác và tổ chức đúng quy định về công bố và quản lý quy hoạch, chống bệnh hình thức. Dứt khoát không để ách tắc hành chính cản trở tiến độ và chất lượng quy hoạch.

Về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia, Thủ tướng Chính phủ lưu ý, cần nghiên cứu phân vùng động lực hợp lý, phải tìm được động lực mới cho sự phát triển của mỗi vùng. Quy hoạch cũng phải cân đối hài hòa giữa kinh tế và văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, không hy sinh an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

Ngoài chọn vùng động lực thì phải có chính sách đột phá để những vùng khác thoát nghèo, để mọi người dân cùng được hưởng lợi từ chính sách của nhà nước. Quy hoạch tổng thể quốc gia phải gắn với phát triển khu vực của khu vực Châu Á, quốc tế./.

Tin mới