Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị tổng kết ngành giao thông vận tải

(Baonghean.vn) - Chiều 4/1/2016, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 4 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, công tác đầu tư xây dựng nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2016.

Các đồng chí Nguyễn Tấn Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Đinh La Thăng - Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT đồng chủ trì Hội nghị.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Huỳnh Thanh Điền – Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Các đồng chí chủ trì tại điểm cầu Hà Nội
Các đồng chí lãnh đạo TƯ, Bộ GTVT tại điểm cầu Hà Nội.

Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”, ngành GTVT đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Đặc biệt, tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước sớm hơn 1,5 năm so với kế hoạch; hoàn thành nâng cấp, mở rộng QL1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ sớm hơn 1 năm so với kế hoạch. Riêng tại Nghệ An, dự án nâng cấp Quốc lộ 1A có chiều dài 73,8km đã hoàn thành đưa vào sử dụng vào ngày 31/1/2015.

Như vậy đến cuối năm 2015, đã cơ bản hoàn thành việc cải tạo nâng cấp 1.394km quốc lộ 1 và 419 km đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên với tổng mức vốn đầu tư hơn 116.000 tỷ đồng. Đây là 02 trục giao thông quan trọng nhất chạy dọc theo chiều dài đất nước, có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế đất nước, kết nối các khu vực tăng trưởng trên phạm vi quốc gia, phục vụ hợp tác phát triển quốc tế.

Các đại biểu tại điểm cầu Nghệ An
Các đại biểu tại điểm cầu Nghệ An

Theo tổng hợp của Bộ GTVT, giai đoạn 2011 - 2015 đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo khoảng 4.400 km đường bộ và hơn 94.000m dài cầu đường bộ. Trong giai đoạn này, ngành GTVT cũng đã tiến hành xây dựng mới, nâng cấp được 47.436 km đường giao thông nông thôn (GTNT); xây mới 15.474 cầu; cứng hóa được 220.246 km/492.982 km đường GTNT. Ngành cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án xây dựng cầu dân sinh đảm bảo ATGT cho vùng dân tộc thiểu số với mục tiêu xây dựng 4.145 cầu dân sinh tại 50 tỉnh, thành phố.

Cầu vượt QL 46 đường sắt Bắc Nam
Cầu vượt QL 46 với đường sắt Bắc Nam

Việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, kết nối hài hoà các phương thức vận tải, phát huy thế mạnh của từng phương thức (theo hướng tăng thị phần vận tải đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và giảm thị phần vận tải đường bộ), làm giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Các báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho thấy, mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2015 đứng ở vị trí 67, tăng 36 bậc trong 5 năm qua (năm 2010 ở vị trí thứ 103).

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao kết quả 4 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Trung ương Đảng về đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Bên cạnh đó, các công trình liên quan như đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng hải quốc tế, hàng không,  giao thông đô thị, giao thông nông thôn được tập trung đầu tư xây dựng một cách đồng bộ. Và việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông liên hoàn như thời gian vừa qua đã tạo được nền tảng - động lực rất lớn, giúp các địa phương có điều kiện thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bền vững.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị: năm 2016 ngành GTVT thực hiện tốt hơn năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tiếp tục cải cách cơ chế, thể chế, đưa ra chính sách có tính chiến lược, từ đó tập trung huy động nguồn lực xã hội, sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA... để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hoàn chỉnh, có chất lượng và an toàn.

Thu Huyền

TIN LIÊN QUAN

Tin mới