Thủ tướng Chính phủ dự khánh thành kết nối 1.000 bệnh viện khám, chữa bệnh từ xa

(Baonghean.vn) - Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Hệ thống khám, chữa bệnh từ xa đã mở ra một chương mới trong hoạt động khám, chữa bệnh ở Việt Nam, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế một cách nhanh chóng, an toàn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành kết nối 1000 cơ sở khám, chữa bệnh từ xa. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành kết nối 1.000 cơ sở khám, chữa bệnh từ xa. Ảnh: TTXVN

Chiều 25/9, Bộ Y tế tổ chức Lễ khánh thành kết nối 1.000 bệnh viện khám, chữa bệnh từ xa. Buổi lễ được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của hơn 1.000 điểm cầu từ Trung ương đến 63 tỉnh, thành và các bệnh viện trên toàn quốc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại buổi lễ. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương; đại diện các tổ chức quốc tế.

Tỉnh Nghệ An có sự tham gia của các điểm cầu: Sở Y tế, Bệnh viện HNĐK tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tây Bắc, Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh, Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông, Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi, Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn, Tân Kỳ và Hoàng Mai.

Điểm cầu Sở Y tế Nghệ An tham gia buổi lễ trực tuyến. Ảnh: Thành Chung
Điểm cầu Sở Y tế Nghệ An tham gia buổi lễ trực tuyến. Ảnh: Thành Chung
Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa
Ngày 22/6/2020, Bộ Y tế đã có quyết định số 26/28/QĐ-BYT phê duyệt Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025. Đề án được xây dựng trên quan điểm “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”, với mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới.
Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.
Một buổi tư vấn khám chữa bệnh từ xa của BV TW Huế. Ảnh: Báo Sức khỏe Đời sống
Một buổi tư vấn khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: Báo Sức khỏe Đời sống
Nguyên tắc hoạt động hỗ trợ là: Bệnh viện tuyến Trung ương hỗ trợ bệnh viện tuyến tỉnh; bệnh viện tuyến Trung ương phối hợp với bệnh viện tuyến tỉnh hỗ trợ bệnh viện tuyến huyện; bệnh viện tuyến tỉnh hỗ trợ bệnh viện tuyến huyện; một thầy thuốc tuyến trên hỗ trợ, hướng dẫn cho nhiều thầy thuốc tuyến dưới; nhiều thầy thuốc tuyến trên hỗ trợ cho một thầy thuốc tuyến dưới.
Các hoạt động chính của Đề án bao gồm: Tư vấn y tế từ xa; hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa; hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa; hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật.
Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu khai mạc buổi lễ. Ảnh: Cổng thông tin Chính phủ.
Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu khai mạc buổi lễ. Ảnh: Cổng thông tin Chính phủ.
Khai mạc buổi lễ, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Sau hơn 2 tháng triển khai đề án, với sự phối hợp của Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin Truyền thông, Tập đoàn Viettel, Bộ Y tế đã hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, chính thức đưa vào hoạt động kết nối Tele-health tới hơn 1.000 cơ sở y tế và thực hiện tư vấn, khám chữa bệnh cho người dân mọi miền trong tổ quốc. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tập trung phối hợp các ban, bộ, ngành hoàn thiện hành lang pháp lý của Đề án; hướng dẫn thực hiện các kỹ thuật và tăng cường chỉ đạo để Đề án hoạt động có hiệu quả.
Khám, chữa bệnh từ xa - Nhân văn sâu sắc
Bấm nút chính thức đưa hệ thống khám, chữa bệnh từ xa vào hoạt động và phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương, đánh giá cao Bộ Y tế và các đơn vị liên quan đã nhanh chóng triển khai đề án, thực hiện tốt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng tới năm 2030 với tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số.
hủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khai trương nền tảng Khám chữa bệnh từ xa. Ảnh: Báo Thanh Niên
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khai trương nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa. Ảnh: Báo Thanh Niên
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Hệ thống khám, chữa bệnh từ xa đã mở ra một chương mới trong hoạt động khám, chữa bệnh ở Việt Nam, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế một cách nhanh chóng, an toàn. Đây chính là một hoạt động có tính nhân văn sâu sắc, giúp người dân được khám chữa bệnh với chất lượng cao ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới, đặc biệt có ý nghĩa với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo. Thậm chí người dân ở nhà cũng có thể được khám, tư vấn, điều trị qua các thiết bị y tế thông minh. Cơ sở y tế tuyến dưới có điều kiện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; hạn chế tối đa việc chuyển tuyến, quá tải ở tuyến trên.
Thủ tướng đề nghị: Các bộ, ngành, địa phương và đơn vị liên quan nhanh chóng mở rộng hệ thống khám, chữa bệnh từ xa tới tất cả 14.000 cơ sở y tế trong toàn quốc và kết nối với quốc tế, đặc biệt là các nước có trình độ y học tiên tiến. Có như vậy, mọi người dân mới có thể được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao; người dân Việt Nam không cần ra nước ngoài khám chữa bệnh mà có thể điều trị trong nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị tích cực, chủ động triển khai tốt chương trình khám, chữa bệnh từ xa; ứng dụng công nghệ số một cách toàn diện tại các cơ sở khám chữa bệnh, xây dựng bệnh viện thông minh; thực hiện tốt công tác kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm để đề án được thực hiện tốt hơn.
Khám, chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện 119 Bộ Công an. Ảnh: BV 119
Khám, chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện 119 Bộ Công an. Ảnh: BV 119
Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin Truyền thông chỉ đạo các đơn vị viễn thông thực hiện tốt chương trình khám, chữa bệnh từ xa; đầu tư nâng cấp các phần mềm liên tục. UBND các tỉnh, thành phố quyết liệt chỉ đạo các đơn vị y tế ở địa phương phối hợp tốt với các đơn vị y tế tuyến trên để triển khai tốt chương trình; tăng cường truyền thông về khám, chữa bệnh từ xa; quan tâm đầu tư công nghệ thông tin cho các cơ sở y tế.
Đặc biệt, đội ngũ thầy thuốc cần phát huy trí tuệ, tinh thần giúp đỡ, hướng dẫn, học hỏi để thực hiện tốt chương trình khám, chữa bệnh từ xa, từng bước nâng cao chất lượng y tế cơ sở phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Tại buổi lễ, đại diện Tập đoàn Viettel phát biểu, trao tặng tượng trưng 178 trung tâm hội chẩn từ xa cho các bệnh viện./.

Tin mới