Thủ tướng Chính phủ: Ngành Y tế phải đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết

(Baonghean.vn) - Thủ tướng Chính phủ đặc biệt yêu cầu ngành Y và các địa phương “thần tốc, thần tốc hơn nữa” trong việc tiêm chủng vắc - xin COVID-19; không được lơ là, chủ quan và có biện pháp ngăn chặn từ xa các biến chủng virus mới.

Sáng 20/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2022 do Bộ Y tế tổ chức. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; các tổ chức quốc tế và hơn 700 điểm cầu ở 63 tỉnh, thành phố.

Đồng chí Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An. Cùng dự có đại diện các sở, ban, ngành và đơn vị y tế trong tỉnh. 

Ảnh: Quang Tuyên
Điểm cầu Nghệ An tham dự hội nghị. Ảnh: Quang Tuyên

Tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19

Năm 2021, ngành Y tế cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021. Ngành tập trung phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác, không để tình trạng "dịch chồng dịch". Số ca mắc, tử vong của hầu hết các dịch bệnh truyền nhiễm phổ biến, HIV/AIDS, ngộ độc thực phẩm giảm so với năm 2020.

Thực hiện nhiệm vụ kép, bảo đảm an toàn cho bệnh viện, phòng chống dịch trong giai đoạn bình thường mới, ngành Y tế đã tăng cường năng lực ngay tại cơ sở, thiết lập hệ thống hồi sức, chăm sóc, điều trị giảm tử vong, hình thành trạm y tế lưu động để người dân được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng thuận lợi, kịp thời; thực hiện áp dụng tờ khai y tế điện tử; xây dựng và triển khai sổ sức khỏe điện tử, đẩy mạnh tư vấn khám, chữa bệnh từ xa... một cách hiệu quả.

Trong năm 2022, ngành Y tế đề ra mục tiêu phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, có khả năng thích ứng và sức chống chịu, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, góp phần nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Một số mục tiêu cụ thể là: Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 92%; Số bác sỹ đạt 9,43/ vạn dân; Số giường bệnh đạt trên 29,5/ vạn dân…

Để đạt được các mục tiêu này, ngành Y tế tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện thành công Chương trình phòng, chống dich COVID-19 (2022-2023) góp phần quan trọng để thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ngành Y tế đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhân viên y tế các tuyến; nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của y tế dự phòng và y tế cơ sở, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho người dân; đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe.

Ngành tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng và trình các dự án Luật và tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; triển khai kết luận của Bộ Chính trị tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở; đẩy mạnh công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác y tế; tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược, trang thiết bị..

Đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết để hành động

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Năm 2021, với đại dịch COVID-19, Việt Nam gặp những khó khăn chưa từng có, đặc biệt là với ngành Y tế. Tuy nhiên, Việt Nam đã biến “Nguy” thành “Cơ”. Chính trị, an toàn xã hội ổn định; Độc lập, chủ quyền được giữ vững; quan hệ đối ngoại có bước tiến quan trọng, với sự hội nhập sâu rộng; kinh tế tiếp tục phát triển, đảm bảo cân đối thu chi; không để đứt gãy thị trường lao động.

Ảnh: Quang Tuyên
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Ngành Y tế không được lơ là, chủ quan, luôn cảnh giác trước các biến chủng COVID-19 mới. Ảnh: Quang Tuyên

Trong phòng, chống dịch COVID-19, chúng ta đã tuân thủ tuyệt đối sự lãnh đạo của Đảng; bình tĩnh, chắc chắn, bản lĩnh trong lúc khó khăn; có cách tiếp cận đúng “toàn dân, từ cơ sở, lấy người dân làm trung tâm” trong chống dịch; tổ chức thực hiện quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả các giải pháp chống dịch; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị; tạo sự đoàn kết toàn dân tộc, tranh thủ sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế; phát huy dân chủ, tranh thủ trí tuệ tập thể để đưa ra các quyết sách chống dịch phù hợp… Dịch COVID-19 đã được kiểm soát hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương ngành Y tế trong năm 2021 đã quyết liệt, đồng bộ triển khai các biện pháp y tế chống dịch; kịp thời chuyển trạng thái từ “Không COVID-19” sang “Tiếp cận toàn dân”, “thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; thực hiện tốt 3 trụ cột trong chống dịch “cách ly – xét nghiệm – điều trị”; tăng cường, nâng cao năng lực y tế cơ sở, không để hệ thống y tế đổ vỡ; thực hiện chiến lược, chiến dịch tiêm vắc-xin lớn nhất từ trước tới nay hiệu quả, kịp thời, đạt tỷ lệ rất cao; kịp thời bổ sung các giải pháp chống dịch… bảo vệ tốt sức khỏe, tính mạng người dân… Nhiều tấm gương cán bộ, nhân viên y tế đã khẳng định, minh chứng Lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”.

Bước vào năm 2022, dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu: Ngành Y tế cần kiên quyết đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết để hành động; không được lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch; nắm chắc, dự báo tình hình, cảnh giác và có biện pháp ngăn chặn từ xa các biến chủng virus.

Ngành Y tế cần cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về y tế để thực hiện tốt các nhiệm vụ trước mắt và lâu dài; tiếp tục tham mưu tốt để hoàn thiện thể chế; khắc phục ngay những hạn chế ở mảng y tế dự phòng, y tế cơ sở; tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ, năng lực cán bộ y tế; có chính sách đãi ngộ, thu hút bác sĩ về cơ sở; đầu tư phát triển công nghệ, chuyển đổi số nhiều hơn; có giải pháp huy động nguồn lực. Hợp tác công - tư để đầu tư phát triển y tế; đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, nâng cao ý thức cho người dân… Đặc biệt, cần không ngừng xây dựng, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng; phòng, chống tiêu cực tham nhũng; rèn luyện đội ngũ, đề cao đạo đức nghề nghiệp, trong sạch đội ngũ cán bộ ngành Y.

Thủ tướng Chính phủ đặc biệt yêu cầu ngành Y và các địa phương “thần tốc, thần tốc hơn nữa” trong việc tiêm chủng vắc-xin COVID-19 để có cơ sở mở cửa an toàn, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. “Chính phủ và Bộ Y tế đã chỉ đạo rất quyết liệt để đẩy mạnh việc bao phủ vắc-xin. Các công điện đã nói rõ, nếu thiếu vắc-xin thì Bộ trưởng Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm, còn nếu có vắc-xin mà không tiêm được thì Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ.

Tin mới