Thủ tướng Chính phủ: Phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới

(Baonghean.vn) - Phát biểu kết luận tại Hội nghị toàn quốc về Logistics, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Phi lộ phi phú”, các bộ, ngành, địa phương cần nâng nhận thức và cách làm mới, quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống để chuyển biến hệ thống Logistics từ trung ương đến địa phương.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng các địa phương cũng phải coi đây là cuộc tập huấn về Logistics, phải giảm chi phí Logistics hơn nữa, giảm sự không đồng bộ giữa các hệ thống giao thông.

Bộ GTVT phải đi đầu trong giải quyết các vấn đề chi phí, nhất là các chi phí không chính thức, giá cước vận tải, hệ số chạy rỗng còn cao (45% xe không chạy rỗng khi về). Từ trung ương đến địa phương phải loại bỏ tình trạng vô cảm, vô trách nhiệm, vô thời hạn đối với doanh nghiệp.

Tàu trên 1 vạn tấn cập cảng Cửa Lò. Ảnh: Tư liệu
Tàu trên 1 vạn tấn cập cảng Cửa Lò. Ảnh: Tư liệu

Nhà nước sẽ có những chủ trương về phát triển sản xuất, hàng hóa; phát triển công nghiệp phụ trợ, phát triển các trung tâm Logistics để kết nối các địa phương với quốc tế. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

“Ngay cả các tỉnh vùng cao như Lạng Sơn, Lào Cai... giáp biên giới và xuất khẩu hàng hóa lớn thì càng phải đặt nhiệm vụ cao hơn đối với dịch vụ Logistics chứ chưa nói đến các địa phương có vùng biển” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Mặc dù có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực logistics, tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, chi phí logistics ở Việt Nam còn quá cao, khó cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ.

Phải giảm chi phí logistics xuống hơn nữa, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 60%, cộng cả lưu kho, bốc dỡ là khoảng 91%, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là khâu quan trọng nên chúng ta cần phải có biện pháp mạnh mẽ hơn.

Thủ tướng khẳng định: Hiệp hội, ngành hàng có vai trò rất quan trọng, nhất là trong vấn đề nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với hội viên, không được làm dối, làm ẩu đối với dịch vụ, đối với doanh nghiệp.

Với các doanh nghiệp làm dịch vụ Logistics cần ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá thành và nâng cao sức cạnh tranh. Chính phủ sẽ tổng hợp và tiếp thu tối đa các ý kiến của các doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương để ban hành Chỉ thị của Thủ tướng về phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.

Tại hội nghị, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ: GTVT, Công thương, Nông nghiệp, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Lao động TBXH... đối với việc phát triển hệ thống Logistics.

Ở Nghệ An, để phát triển Logistics, tỉnh đã tổ chức các hội nghị có sự tham gia của các chuyên gia về Logistics, các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng, các cảng biển để bàn giải pháp phát triển dịch vụ Logistics, đồng thời kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành trung ương xây dựng một trung tâm Logistics hạng II phạm vi hoạt động chủ yếu gồm các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình; kết nối với các cảng cạn, cảng biển Nghi Sơn, Hòn La, Vũng Áng, cảng hàng không, nhà ga, bến xe, khu công nghiệp thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Tin mới