Thủ tướng Chính phủ: Xử lý, giải quyết kịp thời, dứt điểm vướng mắc của doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, có kế hoạch xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả, dứt điểm. Đối với doanh nghiệp, cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất, tái cấu trúc gắn với chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo để tìm ra cơ hội trong thách thức. 

Sáng 11/8, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp có chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững".

Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Cùng dự và điều hành Hội nghị có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.


Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành và lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; đại diện 20 doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp với chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững". Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp với chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững". Ảnh: VGP/Nhật Bắc

DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ

Khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ chia sẻ với khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp gặp phải thời gian qua; cảm ơn sự đóng góp tích cực, quan trọng của các doanh nghiệp với công tác phòng, chống dịch Covid-19, thể hiện trách nhiệm xã hội rất cao trong những lúc đất nước gặp khó khăn, thách thức; chúc mừng các doanh nghiệp đã vượt khó vươn lên, đạt nhiều kết quả đáng trân trọng.

Trên cơ sở nhận diện thời cơ, thách thức, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn lắng nghe các chia sẻ, đề xuất, sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội để cùng tháo gỡ khó khăn, khắc phục những điểm nghẽn trong triển khai chính sách; đồng thời, hiến kế bổ sung các giải pháp trên tinh thần "lợi ích thì hài hoà, rủi ro thì chia sẻ"; góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát triển doanh nghiệp đúng hướng, lành mạnh, bền vững.

Tỉnh Nghệ An tham gia hội nghị qua hình thức trực tuyến. Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Ảnh: Phạm Bằng

Tỉnh Nghệ An tham gia hội nghị qua hình thức trực tuyến. Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Ảnh: Phạm Bằng

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều chính sách, giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Nhờ việc kiểm soát dịch bệnh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô cùng với sự nỗ lực vượt qua khó khăn, tinh thần đổi mới, chủ động thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp thời gian qua có nhiều tín hiệu phục hồi khởi sắc.

Đến hết tháng 7/2022, cả nước có khoảng 871.000 doanh nghiệp đang hoạt động có phát sinh thuế, tăng gần 13% so với năm 2019. Trong đó, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,4%; trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm 31,2% và trong lĩnh vực dịch vụ chiếm 67,4%.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kiến nghị thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn và 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong dài hạn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kiến nghị thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn và 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong dài hạn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường và nguồn vốn đăng ký bổ sung tăng mạnh với 13.000 doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; Về quy mô, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt trên 3,3 triệu tỷ đồng.

Theo báo cáo của các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, hiện nay thị trường của doanh nghiệp, đặc biệt là thị trường nội địa trong một số ngành phục hồi trên 75-85% so với thời điểm trước dịch bệnh Covid-19. Doanh thu trong 2 quý đầu năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, một số ngành còn cao hơn so với cùng kỳ trước dịch.

Thị trường du lịch và vận tải hàng không nội địa phục hồi tương ứng là gần 100% và 85%, đặc biệt là sự bùng nổ trong quý II năm nay. Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, 7 tháng ước đạt 216,35 tỷ USD, tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Niềm tin đầu tư kinh doanh tiếp tục được củng cố và có xu hướng tích cực.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam phát biểu tại hội nghị: Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam phát biểu tại hội nghị: Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Phạm Văn Tài - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Phạm Văn Tài - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Song đồng chí Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số quan điểm và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, có 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai ngay, 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp có tính dài hạn.

Tại hội nghị, lãnh đạo các hiệp hội, hội doanh nghiệp, doanh nghiệp đã cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch; đồng thời, nêu lên các khó khăn, vướng mắc và mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có giải pháp tháo gỡ, giải quyết các điểm nghẽn và tiếp tục đề ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó trong thời gian tới.

Đối với Nghệ An, tính đến ngày 10/8, thu ngân sách của tỉnh đạt 12.504 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt 11.508 tỷ đồng. Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng ước tăng 6,79%; tổng mức bán lẻ đạt 60.214 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 1.483 triệu USD; dự ước cả năm 2022 đạt 2,2 triệu USD.Trong 7 tháng, toàn tỉnh có 1.333 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, 800 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên 14.307. Trong đó, có khoảng 74% doanh nghiệp hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh, sử dụng hơn 201.000 lao động.

Trong hơn 2 năm qua, Nghệ An đã tích cực thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường; cắt giảm các loại thuế, phí, lệ phí với hơn 638 tỷ đồng; hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu; hỗ trợ về lao động với 767 lao động, số tiền 1,14 tỷ đồng.

CHÍNH PHỦ SẼ TIẾP TỤC ĐỒNG HÀNH VỚI DOANH NGHIỆP PHÁT TRIỂN

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, 7 tháng đầu năm 2022, chúng ta thu được các thành quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, có sự đóng góp tích cực của doanh nghiệp. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao, cảm ơn các doanh nghiệp, đồng thời chia sẻ với những khó khăn, mất mát của doanh nghiệp trong hơn 2 năm qua và trong thời điểm hiện nay khó khăn cũng đang bủa vây doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Thủ tướng cũng mong muốn, tin tưởng các doanh nghiệp sẽ đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm vượt qua khó khăn để tiếp tục phát triển; cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đồng cam cộng khổ, chia sẻ với nhân dân, đất nước để vượt qua khó khăn hiện nay. Góp phần cùng Đảng, Nhà nước và Nhân dân xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động tích cực hội nhập sâu rộng quốc tế thực chất và hiệu quả, góp phần đưa đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra.

Chỉ ra những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, trên các mục tiêu trung tâm như ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại thị trường an toàn, lành mạnh, bền vững, công khai minh bạch như thị trường vốn, lao động.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung chủ trì điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung chủ trì điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh mạnh mẽ, chuyển đổi số, cải cách hành chính. Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an toàn, trật tự xã hội, đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, đảm bảo việc làm cho người dân.

Các bộ, ngành, địa phương phải tổng rà soát các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, đồng thời có kế hoạch xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả, dứt điểm. Thúc đẩy giải ngân các loại nguồn vốn đầu tư công, từ đó kích hoạt các nguồn lực của xã hội, trong đó có nguồn lực của doanh nghiệp. Các bộ, ngành làm tốt công tác dự báo tình hình, thông báo kịp thời, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, đổi mới công nghệ sản xuất.

Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành phải khẩn trương nghiên cứu rà soát, tháo gỡ các vướng mắc pháp lý trong sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục nghiên cứu chính sách có liên quan đến doanh nghiệp như giảm giá xăng, dầu, mở rộng vùng nguyên liệu, cố gắng thúc đẩy sản xuất trong nước, giảm nhập khẩu. Triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết 38 của Chính phủ, trước mắt tập trung mạnh cho công tác tiêm vắc-xin.

Đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thị trường. Đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất, chống sách nhiễu, tham nhũng vặt trong giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp phát huy vai trò hỗ trợ thành viên, đẩy mạnh hoạt động kết nối, giúp các doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn. Chủ động đổi mới mô hình sản xuất, tái cấu trúc lại doanh nghiệp, gắn với chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo để tìm ra cơ hội trong thách thức, xoay chuyển và thích ứng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp; đầu tư hơn nữa cho công nghệ, nhất lực chất lượng cao, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động.

Thủ tướng Chính phủ: Xử lý, giải quyết kịp thời, dứt điểm vướng mắc của doanh nghiệp ảnh 9

Đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Nhấn mạnh yếu tố quan trọng nhất của doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, bền vững là con người, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các doanh nghiệp quán triệt tinh thần này. Doanh nghiệp phải làm tốt hỗ trợ người lao động, công nhân, nâng cao tay nghề, nâng cao năng suất lao động, nâng cao đời sống. Trong điều kiện hiện nay, doanh nghiệp cần tiếp cận các thành tựu công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; phát triển doanh nghiệp tạo ra công nghệ mới, tiếp tục nêu cao tinh thần dân tộc, đoàn kết, thống nhất, phát huy chủ động, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đi cùng nhau, tất cả cùng chiến thắng./.

Tin mới