Thủ tướng: Đại học Quốc gia phải có ước mơ như Harvard, Massachusetts

Thủ tướng nhấn mạnh, Đại học Quốc gia Hà Nội phải xem khởi nghiệp là tầm nhìn trong phát triển, trong tôn chỉ giáo dục và đào tạo.

Sáng 16/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Báo cáo với Thủ tướng về tình hình hoạt động thời gian qua, PGS-TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, đơn vị đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, định hướng nghiên cứu, tập trung đào tạo chất lượng cao, nghiên cứu và chuyển giao tri thức.

thu tuong dai hoc quoc gia phai co uoc mo nhu harvard, massachusetts hinh 1
Thủ tướng bắt tay, thăm hỏi các lãnh đạo của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đại học Quốc gia Hà Nội tập trung vào các lĩnh vực khoa học tự nhiên và y dược, khoa học xã hội nhân văn, khoa học kinh tế và giáo dục...

Hiện Đại học Quốc gia Hà Nội có 7 trường đại học thành viên, 6 viện nghiên cứu, 4.200 cán bộ, 2.000 nhà khoa học, trong đó có 20% có chức danh giáo sư, phó giáo sư, trên 50% có trình độ tiến sỹ. Tổng số học viên là của Đại học Quốc gia Hà Nội là 45.000. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá cao Đại học Quốc gia Hà Nội thời gian qua đã thể hiện được vị trí và danh tiếng, thuộc tốp trường đại học đứng đầu trong hơn 400 trường đại học cao đẳng cả nước.

Trường cũng đã đi tiên phong trong nhiều vấn đề giáo dục có thể nhân rộng ra cả nước như tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ công tác tuyển sinh đại học hay việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có các nghiên cứu khoa học, một số đề tài bước đầu thành công cả lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội; số lượng đề tài tăng lên, có giải thưởng quốc gia, quốc tế.

Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng, để trở thành trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học có vị thế hàng đầu thì nhiệm vụ đặt ra đối với cán bộ, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội là rất nặng nề.

Mặc dù sau 30 năm đổi mới, nước ta có nhiều thành tưu, nhưng Thủ tướng nêu rõ Việt Nam vẫn còn khoảng cách so với thế giới. Do vậy giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ phải đi trước một bước để giảm khoảng cách đó. Trong đó vai trò của giáo dục đại học là rất quan trọng, vì gần với đầu ra, gần với thị trường lao động, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ, giáo dục đào tạo nói chung và Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng cần đổi mới mạnh mẽ nhất, cùng các giải pháp quyết liệt nhất.

Thủ tướng lưu ý Đảng ủy, lãnh đạo, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội phải quán triệt sâu sắc hơn Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương về về đổi mới giáo dục, nhất là giáo dục đại học.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng lưu ý, một trường đại học lớn như Đại học quốc gia Hà Nội phải là một phần của hệ sinh thái quốc gia khởi nghiệp, phải là nơi khuyến khích, ươm trồng những tài năng khởi nghiệp, góp phần vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp.

Thủ tướng cho rằng, Đại học Quốc gia Hà Nội phải đi tiên phong xây dựng Quốc gia khởi nghiệp tương xứng với di sản và lịch sử của đơn vị.

Thời điểm hiện nay, một trong những lực lượng chiến đấu của Việt Nam  ngày nay chính là nhà khởi nghiệp. Đại học quốc gia Hà Nội có vai trò sứ mệnh trong việc xây dựng và phát triển khởi nghiệp cho quốc gia hiện tại và tương lai. “Đây là vấn đề rất lớn mà hôm nay Thủ tướng thay mặt Chính phủ Việt Nam giao cho Đại học Quốc gia Hà Nội”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Thủ tướng yêu cầu Đại học Quốc gia Hà Nội phải xem khởi nghiệp là một tầm nhìn trong quá trình phát triển, trong tôn chỉ giáo dục và đào tạo.

Khởi nghiệp phải trở thành văn hóa, những tấm gương người tốt việc tốt trong đội ngũ giảng viên, sinh viên của trường. 

thu tuong dai hoc quoc gia phai co uoc mo nhu harvard, massachusetts hinh 2
Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc

Về mục tiêu xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội trở thành đại học định hướng nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực có tính hội nhập cao, Thủ tướng chỉ đạo phải gắn nghiên cứu với ứng dụng thực tế, coi khởi nghiệp là một thước đo chất lượng đào tạo.

Để có thể hội nhập cao, Đại học Quốc gia Hà Nội phải hiểu nền kinh tế cần gì và phải hiểu rõ yêu cầu của doanh nghiệp để tham gia thành công vào chuỗi giá trị mạng sản xuất toàn cầu để có định hướng đào tạo và các sản phẩm nghiên cứu phù hợp.

Và để các lĩnh vực khoa học cơ bản, công nghệ cao, kinh tế xã hội mũi nhọn đạt trình độ tiên tiến Châu Á, thì Đại học Quốc gia Hà Nội phải có những ý tưởng đề án đi trước xu hướng tiến bộ chung về công nghệ, kinh tế-xã hội của Châu  Á và thế giới.

Thủ tướng cho rằng, thực hiện được những nhiệm vụ đó cũng chính là thực hiện khẩu hiệu mà Đại học Quốc gia Hà Nội nêu ra, đó là “đạt đỉnh cao, giàu trí thức”.

Tuy vậy, để gắn với tinh thần khởi nghiệp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, Thủ tướng cho rằng, Đại học Quốc gia Hà Nội cần thêm một vế nữa cho khẩu hiệu, đó là “đạt đỉnh cao, giàu tri thức, trí thức đó phải đi vào thực tiễn”.

Thủ tướng lưu ý, giáo dục đại học Việt Nam nói chung và chất lượng đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Thực tế, nền kinh tế tăng trưởng chỉ 6% năm nhưng tỷ lệ thất nghiệp cử nhân, thạc sỹ, kỹ sư vẫn lên đến 225.000 người. Thủ tướng cho rằng đây là sự lãng phí lớn nguồn lực xã hội. Do vậy chất lượng đào tạo cần hướng tới mục tiêu khởi nghiệp.

“Một trong những thước đo đào tạo của một trường Đại học Quốc gia là bao nhiêu sinh viên khởi nghiệp thành danh. Chính điều này góp phần tạo lên danh tiếng cho những trường đại học nổi tiếng. Phải có nguyện vọng ước mơ như Harvard, Massachusetts. Trường Đại học Tokyo có khoảng 240 công ty khởi nghiệp, liên kết, trong đó 16 công ty đã lên sàn với mức vốn hóa thị trường khoảng 8 tỷ USD”.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng ghi nhận kiến nghị của Đại học Quốc gia Hà Nội về việc xây dựng cơ sở hạ tầng Đại học Quốc gia Hà Nội tại khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Ngoài nguồn lực ngân sách, Thủ tướng lưu ý trường tìm nguồn xã hội hóa, xây dựng một số đề án nghiên cứu, phát triển để xã hội hóa./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Tin mới