Giải quyết vấn đề 3 đọng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cương quyết thay đổi cán bộ không biết làm việc, lợi ích nhóm trong thực hiện chương trình, dự án ODA

(Baonghean.vn) - Sáng 29/10, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan, địa phương về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng ta cương quyết thay đổi cán bộ không biết làm việc, thiếu trách nhiệm, thiếu tích cực, cán bộ tiêu cực, không vì nhiệm vụ mà vì lợi ích nhóm trong đầu tư, trong thực hiện dự án ODA".

Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Hòa Bình - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Phạm Bình Minh - Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.

Chủ trì tại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Xuân Sơn – Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. 

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả mưa bão, cứu hộ, cứu nạn, không để người dân trong vùng mưa lũ phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất”, nhất là đối với 5 tỉnh đã bị ngâm trong nước lũ nửa tháng qua.
Nhấn mạnh cơn bão số 9 đã tàn phá các tỉnh miền Trung rất nặng nề, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương tìm kiếm ngư dân mất tích trên biển, tìm kiếm nạn nhân bị đất đá vùi lấp ở tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Các địa phương miền Trung không được để người dân đói rét; các bộ, ngành tiếp tục vận động, hỗ trợ, cứu trợ người dân bị ảnh hưởng trong những ngày qua. Chính phủ chỉ đạo xuyên suốt công tác phòng, chống mưa bão, sẽ xem xét các vấn đề về tài chính, ngân sách, nhất là kế hoạch sắp tới để xử lý vấn đề thiên tai, lũ lụt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan, địa phương về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan, địa phương về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA. Ảnh: VGP

Nhiều bộ, ngành Trung ương giải ngân mức thấp

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài đến ngày 31 tháng 10 năm 2020 ước đạt 18.089 tỷ đồng, bằng 30,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, số vốn giải ngân của các bộ, cơ quan Trung ương là 5.824 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 27,07% so với dự toán được giao; số vốn giải ngân của các địa phương là 12.265 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 31,87% so với dự toán được giao.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, ước đến ngày 31/10/2020, phần lớn các bộ, ngành Trung ương có mức giải ngân thấp. Bộ Giao thông Vận tải có mức giải ngân cao nhất, với tỷ lệ 44,8%. Các tỉnh có mức giải ngân khá, gồm: Tây Ninh (91,74%), Bình Định (73,26%), Cao Bằng (62,58%), Hà Nam (61,64%), Bắc Kạn (60,66%), Lai Châu (60,61%), Khánh Hòa (53,89%), Kiên Giang (52,82%), Hải Phòng (52,71%), Sóc Trăng (52,37%), Điện Biên (51,55%).

Cầu Cửa Hội trong ngày hợp long. Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy
Cầu Cửa Hội trong ngày hợp long. Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy

Trong 10 tháng đầu năm 2020, đặc biệt, trong 2 tháng 9 và 10 các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bao gồm vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, nhờ đó, tình hình thực hiện và giải ngân nguồn vốn nước ngoài đã có những chuyển biến tích cực.

Tại Hội nghị trực tuyến, các bộ, ngành, địa phương đã đánh giá và báo cáo tình hình thực hiện giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài và thảo luận các biện pháp tháo gỡ vướng mắc, để làm sao giải quyết các vấn đề giải ngân mà Thủ tướng đã chỉ ra: Vốn đọng (có tiền đó mà không tiêu được), nợ đọng (tức là hạn mục thi công xong, đã hoàn thành nhưng không quyết toán, “cứ ngâm đó mãi”) và thủ tục đọng.

Đề xuất cắt giảm vốn, trả về đối với các dự án không có khả năng giải ngân 

Chủ trì điểm cầu Nghệ An có các đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: Đào Tuấn
Chủ trì điểm cầu Nghệ An có các đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: Đào Tuấn

Ở Nghệ An, tính đến cuối tháng 10/2020, trung bình tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài các nguồn đạt tỷ lệ 40,88% kế hoạch và đạt 57,62% so với kế hoạch đề nghị điều chỉnh, trong đó, tính đến ngày 28/10/2020, tổng số vốn nước ngoài theo kế hoạch năm 2020 đã giải ngân là: 204,175 tỷ đồng/397,682 tỷ đồng, đạt 51,34%; Giải ngân vốn nước ngoài được giao bổ sung kế hoạch năm 2019 là: 126,998 tỷ đồng/265,683 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 47,8%.

Số vốn đã đề nghị trả về ngân sách Trung ương là: 56.019 triệu đồng.

Về giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài năm 2019 kéo dài sang năm 2020, có 5 dự án được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân từ năm 2019 sang năm 2020 với tổng số vốn hơn 147,999 tỷ đồng, trong đó, 2 dự án giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước với số vốn kéo dài hơn 66,585 tỷ đồng.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Đào Tuấn
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Đào Tuấn

Để phấn đấu giải ngân đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch vốn năm 2020, căn cứ tình hình giải ngân thực tế của các dự án, UBND tỉnh Nghệ An đề xuất cắt giảm vốn đối với các dự án không có nhu cầu và khả năng giải ngân. Đối với kế hoạch vốn được giao bổ sung năm 2019, đề nghị cắt giảm trả về ngân sách Trung ương số vốn 56,019 tỷ đồng, trong đó, có 2,153 tỷ đồng của dự án Khôi phục vùng ngập lũ thừa do đã giải ngân hết khối lượng hoàn thành nghiệm thu; 6,242 tỷ đồng của dự án Phát triển giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất giai đoạn 2 và 47,624 tỷ đồng của dự án LRAM thừa do đã được bố trí vốn và giải ngân trong kế hoạch năm 2020.

Số vốn vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ không có nhu cầu sử dụng đề nghị cắt giảm là 45,206 tỷ đồng để tương ứng tỷ lệ với giải ngân nguồn cấp phát từ ngân sách Trung ương.

Không để tồn tại nghịch lý có vốn, có tiền mà không tiêu được

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương cả nước tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Vì sau 9 tháng cả nước mới đạt 66% tổng số vốn ngân sách Nhà nước. Số vốn còn lại rất lớn chưa giải ngân được. Yêu cầu các địa phương phải thúc đẩy từng dự án, giải ngân nguồn vốn Nhà nước đầu tư để đạt chỉ tiêu từ 90-100% trong năm nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Bên cạnh đánh giá, thống nhất với báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính về thực hiện công tác giải ngân nguồn vốn ODA, ghi nhận nỗ lực của một số địa phương như trong công tác này, người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc nhở các địa phương trong việc để tình trạng dự án kéo dài, chậm tiến độ thực hiện. Theo Thủ tướng không thể đổ lỗi cho khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, đơn giá đất đai để biện minh cho sự thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo giải ngân vốn dự án ODA.

Chia sẻ về những vướng mắc, khó khăn về triển khai dự án, nhưng Thủ tướng cho rằng không thể để “dồn cục” các dự án, để cho nhà đầu tư, nhà thầu phải đi lại nhiều lần vất vả. Tiêu cực này tồn tại trước và trong khi dự án triển khai và ngay trong công tác giải ngân... 

Thủ tướng yêu cầu cần làm rõ hơn các nguyên nhân, trong đó có vai trò của chủ đầu tư, trách nhiệm của chủ dự án. Đó còn là vấn đề phối hợp  giữa các bộ, ngành Trung ương, Văn phòng Chính phủ vẫn còn “ông chằng bà chuộc”.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội . Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội . Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ODA là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước trong điều kiện trần nợ công thấp. Đất nước đang thiếu nguồn vốn phát triển nghiêm trọng và nguồn lực ODA thuộc trách nhiệm các bộ, ngành trong việc tìm kiếm nguồn để phát triển. “Cơ sở hạ tầng, văn hóa, xã hội, hạ tầng giao thông… nhiều thứ bức xúc lắm nhưng ngân sách Nhà nước không đủ để thực hiện. Để thực hiện nhiệm vụ này từng bộ, ngành, địa phương phải chủ động triển khai, coi đây là nguồn lực quan trọng" - Thủ tướng khẳng định.

Cùng với đó, các bộ, ngành phải tiếp tục hoàn chỉnh khung pháp lý, 2 Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính phải làm rõ hơn lộ trình, cách làm ODA, cần thuận lợi, bài bản và thống nhất hơn.

Để triển khai 2 tháng còn lại của năm 2020 và chuẩn bị cho kế hoạch năm 2021, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, địa phương thực hiện quyết liệt đồng bộ, liên tục để giải ngân nguồn vốn ODA, phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2020 để nâng cao tinh thần, thái độ, năng lực làm việc cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ ở vị trí thực hiện ngân sách. Phải chấm dứt ngay tình trạng trì trệ, sợ trách nhiệm, tâm lý nhiệm kỳ, quan liêu, nhũng nhiễu. Phân công người theo dõi, đôn đốc, chịu trách nhiệm từng dự án; lãnh đạo các cấp tập trung giải quyết các tồn đọng, tháo gỡ khó khăn, nhất là đối với các dự án đầu tư lớn.

Thủ tướng nhấn mạnh, cương quyết thay đổi cán bộ không biết làm việc, thiếu trách nhiệm, thiếu tích cực, cán bộ tiêu cực, không vì nhiệm vụ mà vì lợi ích nhóm trong đầu tư, trong dự án ODA.

Các ngành, bộ, địa phương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong việc bố trí đủ nguồn vốn đối ứng của các chương trình, dự án ODA trong năm nay. Tìm các nguồn hợp pháp để cân đối, kể cả nguồn thu từ đất đai để đảm bảo giải ngân vốn ODA.  

Thủ tướng giao, sau hội nghị này, từng bộ, từng ngành, từng tỉnh và thành phố phải họp để rà soát lại, làm rõ trách nhiệm, tháo gỡ khó khăn từng dự án. Không để tình trạng “ông họp xong gấp sổ tay đút túi, rồi ông đi lung tung, họp chỗ này chỗ khác mà không triển khai nhiệm vụ” - Thủ tướng nói và yêu cầu lãnh đạo các cấp quan tâm hơn nữa trong chỉ đạo, không thể chấp nhận tình trạng có vốn, có tiền mà không tiêu được, vẫn nghèo. Đó là nghịch lý thể hiện yếu kém trong công tác quản lý, phải kiên quyết thay đổi.

Tin mới