Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Vaccine cho người dân là vấn đề cấp bách, không do dự

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các giải pháp phải được đẩy cao hơn một bước, trong đó có việc đẩy nhanh việc nhập khẩu vaccine để phục vụ người dân.

Chiều nay (15/2, tức mùng 4 tết Tân Sửu), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với 26 địa phương về phòng, chống Covid-19. Trước bối cảnh dịch diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, dù Chính phủ và các bộ, ngành địa phương đã có nhiều biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các giải pháp phải được đẩy cao hơn một bước, trong đó có việc đẩy nhanh việc nhập khẩu vaccine để có vaccine phục vụ người dân.

Thủ tướng chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: VGP
Thủ tướng chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống Covid-19 và các địa phương đã bình tĩnh, khẩn trương, quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch, nên nhiều địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh, gồm cả biện pháp mạnh là giãn cách xã hội. Hàng nghìn cán bộ y tế được tăng cường cho các địa phương có ổ dịch lớn. Ngay trong dịp Tết, nhiều địa phương đã khuyến cáo người dân không xa nhà, không bắn pháo hoa, không tổ chức lễ hội hay tụ tập đông người.

Đánh giá cao tinh thần quyết tâm của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19, các địa phương, bộ, ngành, đặc biệt là ngành Y tế, Thủ tướng cho biết ngay giáp Tết đã thăm và động viên các cán bộ, nhân viên ngành y tế, những chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch. 

Trước bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, Thủ tướng cho rằng, các bộ, ngành cần đề xuất các giải pháp mạnh hơn, trong đó có vấn đề vaccine: "Một số vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ và Nhân dân rất quan tâm, ví dụ vấn đề vaccine cho người dân trong lúc này trở thành vấn đề cấp bách, không thể chần chừ, do dự.

Sau cuộc họp này, Thường trực Chính phủ sẽ có cuộc họp riêng để bàn phương thức cụ thể hơn để nhanh chóng có vaccine cho người dân, là một yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với ngành y tế. Vấn đề giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở một số địa phương chưa thực sự quyết liệt. Vấn đề dừng các lễ hội sau Tết, tôi hoan nghênh Hà Nội dừng lễ hội. Các địa phương khác cũng phải bàn điều này và có quyết tâm về vấn đề này để xử lý rốt ráo, không thể mất cảnh giác".

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương xử phạt mạnh hơn các vi phạm về 5K, nhất là không đeo khẩu trang ở những nơi công cộng. Các biện pháp cần phải được đẩy cao hơn một bước để phòng, chống dịch.

Về ca bệnh người Nhật Bản, 54 tuổi, đã qua đời, xét nghiệm cho kết quả dương tính với Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, nồng độ virus của trường hợp này khá cao, nên đưa ra hai giả thiết. Giả thiết thứ nhất là mới lây nhiễm và có thể lây nhiễm ngay trong khu vực Hà Nội và không phải là F0. Bên cạnh trường hợp này, Hà Nội cũng phát hiện thêm hai trường hợp nữa cùng công ty với ca người Nhật Bản cũng cho kết quả xét nghiệm có nồng độ virus cao. Do đó nhiều khả năng mới bị lây nhiễm từ 5-7 ngày trước đó. Bộ đang cho giải trình tự gen và sẽ cho kết quả sau 48 giờ, khi đó mới xác định được chủng virus của bệnh nhân này.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Giả thiết thứ hai là ca bệnh này lây nhiễm từ khu cách ly (khi nhập cảnh vào Việt Nam). Dù có khả năng nhưng theo ông Nguyễn Thanh Long, giả thiết này có mức độ xảy ra thấp, vì 34 người khác cùng đi với bệnh nhân người Nhật và cùng cách ly tại khách sạn đó đều có kết quả âm tính.  

Với ca bệnh này, Bộ Y tế cho rằng, Thành phố Hà Nội cần coi đây là ca lây nhiễm trong cộng đồng, phải triển khai biện pháp khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, truy vết những điểm bệnh nhân đến và làm việc. Từ trường hợp này cho thấy các địa phương cần tiếp tục đề cao cảnh giác và tăng cường biện pháp phòng chống Covid-19, tiếp tục theo dõi giám sát chặt chẽ những trường hợp, nhất là người nước nhập cảnh từ nước ngoài từ 15/1 đến nay.

Tin mới