Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xây dựng Chính phủ điện tử phải đi liền với sắp xếp tổ chức bộ máy

(Baonghean.vn) - Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc xây dựng Chính phủ điện tử phải đi liền với cải cách hành chính, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao năng lực hiệu quả của bộ máy Nhà nước.

Sáng 12/2, dưới sự chủ trì của các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ,  Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử; Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử tổ chức Hội nghị trực tuyến với các ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử bộ, ban, ngành, địa phương.

a
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng tham dự. Ảnh Thanh Lê
 Chính phủ điện tử gắn chặt với cải cách hành chính

Thông tin về triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP trong năm 2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng hơn gấp đôi (từ 4,5% lên hơn 10%); 100% bộ, ngành và địa phương đã kết nối với trục liên thông văn bản Quốc gia; 86,5% văn bản điện tử đã trao đổi qua mạng; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh tăng 9 lần…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, lần đầu tiên đã liên thông thủ tục cấp giấy khai sinh tại cấp xã và thẻ bảo hiểm y tế tại cấp huyện; khai trương bản đồ Vmap và Cổng dịch vụ công Quốc gia… 

Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế như: Chưa xây dựng được một số cơ sở dữ liệu Quốc gia quan trọng về dân cư và đất đai; hơn 70% bộ, ngành, địa phương chưa có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu, thanh toán điện tử cho dịch vụ công; tỷ lệ dịch vụ công mức độ 4 vẫn còn thấp…

Tại Nghệ An, Cổng dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử liên thông hoạt động từ ngày 10/1/2017. Hiện có 20 sở, ban, ngành và 21 huyện, thành, thị tham gia.

Đến nay, đã cung cấp trên hệ thống gần 1.800 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có trên 1.100 dịch vụ công mức độ 2; gần 600  dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 50 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4... Kết nối liên thông từ Văn phòng UBND tỉnh đến Văn phòng Chính phủ. Tổng số tài khoản người dùng được khai báo tính đến 31/12/2019 là 12.626.

Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương trao đổi kết quả ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới Chính phủ điện tử, Chính phủ số cũng như những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện.
Cán bộ Sở Tài chính ứng dụng phần mềm quản lý ngân sách. Ảnh: Thanh Lê
Cán bộ Sở Tài chính ứng dụng phần mềm quản lý ngân sách. Ảnh: Thanh Lê
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Chính phủ điện tử phải gắn chặt với công tác cải cách hành chính, công nghệ thông tin không thể tách rời cải cách hành chính. Như vậy, mới cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh Quốc gia.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng Chính phủ điện tử sẽ là bước tiến lớn trong cải cách hành chính, minh bạch bộ máy cơ quan Nhà nước.
"Để xây dựng Chính phủ điện tử trước hết cần phải hoàn thiện, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục pháp lý; đẩy mạnh thanh toán điện tử; liên thông dữ liệu; đảm bảo an ninh thông tin; triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, huy động mọi nguồn lực triển khai dịch vụ công trực tuyến" ... đồng chí Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Gắn liền với sắp xếp tổ chức bộ máy 
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Việc xây dựng Chính phủ điện tử là công việc lớn của Quốc gia. Vì vậy, cần tổng kết, đánh giá trong thời gian qua đã có những cách làm tốt để nhân rộng; nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ, huy động toàn bộ hệ thống chính quyền và người dân cùng vào cuộc.
Theo Thủ tướng Chính phủ, mặc dù có nhiều tiến bộ, song xếp thứ hạng về xây dựng Chính phủ điện tử của nước ta còn thấp so với thế giới và trong khu vực. Cụ thể, chúng ta đứng thứ 88/193 trên thế giới, 6/11 các nước ASEAN. Chúng ta phải nhìn thẳng sự thật để có giải pháp khắc phục.
Xã miền núi Thanh Đức (Thanh Chương) ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành. Ảnh: Thanh Lê
Xã miền núi Thanh Đức (Thanh Chương) ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành. Ảnh: Thanh Lê

Định hướng nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 17/NQ-CP đặt ra, nhất là hoàn thành 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Tiếp tục xây dựng chiến lược về xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Hoàn thiện thể chế bởi đây là khâu quan trọng, luôn phải đi trước để tạo hành lang pháp lý. Cùng với đó phải hoàn thiện các nền tảng của Chính phủ điện tử; đảm bảo nguồn tài chính, nhân lực của việc xây dựng Chính phủ điện tử. 
Thủ tướng đề nghị người đứng đầu bộ, ngành và địa phương cần phải nêu cao vai trò, trách nhiệm trong thực hiện Nghị quyết số 17 của Chính phủ và xây dựng Chính phủ điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động.
Để làm được điều đó người đứng đầu phải am hiểu, tích cực ứng dụng CNTT ở cơ quan,  đơn vị mình. 
"Xây dựng Chính phủ điện tử phải đi liền với cải cách hành chính, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao năng lực hiệu quả của bộ máy các cơ quan hành chính Nhà nước" -  Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Với tầm nhìn, năm 2020 là năm đầu tiên chuyển sang Chính phủ số, chính quyền số. Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã đặt ra các mục tiêu: Hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra vào năm 2020 tại Nghị quyết số 17, đặc biệt là chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Tỷ lệ cơ quan Nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến tăng từ 50% lên 100%. 100% các bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu...

Tin mới