Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xây dựng Chính phủ điện tử phải nhanh hơn, không để chậm trễ

(Baonghean.vn) - Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử phải làm nhanh hơn, không để chậm trễ.

Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) là vấn đề lớn, vấn đề mới, thúc bách để đưa đất nước phát triển.

Thời gian qua, công việc này đạt được một số bước tiến nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, do đó, cần phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đưa ra các chủ trương, biện pháp mới để tháo gỡ, thúc đẩy Chính phủ điện tử ở Việt Nam. Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, có các ý kiến thẳng thắn, nêu cao trách nhiệm để đóng góp vào xây dựng CPĐT.

Chiều 26/8, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chủ trì.
Chiều 26/8, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chủ trì. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

VIỆT NAM XẾP HẠNG 86/193 

Theo Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử của 193 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu, Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, 24/47 Châu Á và 6/11 Đông Nam Á.  

Đến tháng 7/2020, mạng truyền số liệu chuyên dùng đã kết nối đến 100% các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 96% quận, huyện, thị xã.

Tính từ ngày 1/1/2019 đến hết ngày 31/7/2020, đã có tổng cộng khoảng 4,4 triệu giao dịch chính thức thực hiện thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP), trung bình 1 ngày có khoảng hơn 7,6 nghìn giao dịch. Tỷ lệ trao đổi văn bản dưới dạng điện tử trên toàn quốc đạt 88,53%.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh chủ trì. Tham dự có đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban chỉ đạo. Ảnh: Phạm Bằng
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh chủ trì. Tham dự có đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban chỉ đạo. Ảnh: Phạm Bằng

Ước tính chi phí, thời gian tiết kiệm được cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện 1 thủ tục hành chính thông qua NGSP là 30.500 đồng. Hàng năm chỉ riêng dịch vụ liên thông khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi thông qua NGSP có thể giúp tiết kiệm cho xã hội khoảng 48,8 tỷ đồng.

Mục tiêu Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra đến hết năm 2020 là 100% các bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP).

Đến tháng 7 năm 2020, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 trung bình cả nước đạt khoảng 15,91%. Có 9 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 11 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ DVCTT mức độ 4 trên 30%, trong đó có Bộ Y tế và Bộ TTTT có tỷ lệ DVCTT mức độ 4 đạt 100%.

XÂY DỰNG NỀN HÀNH CHÍNH HIỆU QUẢ, HIỆN ĐẠI

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng Chính quyền điện tử, trong thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã chú trọng đầu tư cho việc ứng dụng và phát triển CNTT trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt tập trung triển khai việc xây dựng Chính phủ điện tử.

Đến nay, 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện có cổng, trang thông tin điện tử đồng bộ về công nghệ, được vận hành tập trung trên 1 hệ thống, tích hợp các hệ thống thông tin về dịch vụ công của các sở, ban, ngành, 21 huyện thành thị và 460 xã trên địa bàn tỉnh. Hệ thống giao ban trực tuyến từ tỉnh đến 21 huyện, thành phố,  thị xã và một số sở ngành với 26 đầu mối đã đưa vào vận hành và khai thác hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Hệ thống Một cửa điện tử từ tỉnh, huyện, đến UBND 460 xã trên địa bàn thông qua hệ thống dịch vụ VNPT Igate. Đến nay, đã cung cấp trên hệ thống 1.887 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 1.168 dịch vụ công mức độ 2; 632 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 87 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Để CNTT thực sự góp phần xây dựng một nền hành chính hiệu quả, hiện đại, trong thời gian tới, Nghệ An sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 17; Tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh, có khả năng kết nối với Trung ương tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Cùng đó, tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp và người dân nhận thức, hiểu biết và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho cán bộ, công chức.

PHẢI LÀM NHANH HƠN, KHÔNG THỂ CHẬM TRỄ

Sau khi nghe các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá những kết quả tích cực trong xây dựng Chính phủ điện tử thời gian qua. Như, xây dựng các ứng dụng vào công tác phòng chống dịch Covid-19; Các nền tảng điện tử được phát triển nhanh, tăng đột biến với hơn 3 lần; các hệ thống an toàn thông tin tiếp tục được cải thiện mạnh; các dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được phát triển…

Nhắc đến các tồn tại về môi trường pháp lý; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 còn thấp; một số cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng cơ sở dữ liệu còn chậm; chưa đầu tư đúng mức cho an toàn an ninh mạng; triển khai chuyển đổi số quốc gia ở các địa phương chưa được mạnh mẽ…, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử phải làm nhanh hơn, không thể chậm trễ hơn nữa.

Nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành tham mưu hoàn thiện thể chế, chiến lược xây dựng Chính phủ điện tử, đảm bảo đáp ứng xu thế phát triển của thế giới, phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam.

"Các bộ, ngành, địa phương phải đặt mục tiêu đến hết năm 2020 đạt 30% về cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Bộ TT&TT tổng hợp kết quả từng tỉnh, bộ để đánh giá, triển khai. Khẩn trương hoàn thành việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Chúng ta phải làm đến nơi, đến chốn công tác này”

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành liên quan. Đồng thời, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai các Đề án thành phần để thúc đẩy Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

Bộ Công an tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm tiến độ đưa vào khai thác, vận hành trước tháng 7/2021, cung cấp dữ liệu cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa giấy tờ công dân.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương khuyến khích, hỗ trợ để các doanh nghiệp, bạn trẻ có điều kiện tham gia xây dựng sáng kiến, sáng chế, đề xuất, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử ngày càng hiệu quả.

Tin mới