Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu sắp xếp lại các trường sư phạm, bố trí giáo viên hợp lý

(Baonghean.vn) - Thủ tướng cũng chỉ rõ: Việc vi phạm đạo đức lối sống của học sinh và của một bộ phận nhà giáo đã làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của người Việt.

Sáng 6/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Về phía đầu cầu Nghệ An có các đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và các phòng giáo dục và đào tạo của 21 huyện, thành thị, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và đại diện các Trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đức Anh

Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Về phía đầu cầu Nghệ An có các đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và các phòng giáo dục và đào tạo của 21 huyện, thành thị, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và đại diện các Trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đức Anh

Giáo viên là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục

Năm học 2018 - 2019, đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29 - NQ/TW  về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và là năm cả nước bứt phá để thực hiện các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Trong năm học này, toàn ngành cũng đã kiên trì thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và giành được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tại hội nghị lần này, các đại biểu tham dự cũng đã tập trung vào phân tích các vấn đề tồn tại của ngành giáo dục trong năm vừa qua. Trong đó, khá nhiều ý kiến đề cập đến công tác bố trí đội ngũ giáo viên ở các nhà trường như thừa thiếu cục bộ, đào tạo giáo viên chưa sát với thực tế, việc dạy ngoại ngữ ở các nhà trường chưa hiệu quả...

Cho ý kiến về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội Nguyễn Văn Minh cho rằng: Đội ngũ giáo viên là yếu tố quyết định thành công của đổi mới giáo dục. Vì thế, quản lý nếu lỗi thời sẽ là “vòng kim cô” hạn chế sự sáng tạo của thầy cô.

Giáo viên là yếu tố để quyết định chất lượng giáo dục ở các nhà trường. Ảnh: Mỹ Hà
Giáo viên là yếu tố để quyết định chất lượng giáo dục ở các nhà trường. Ảnh: Mỹ Hà

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo thống kê toàn bộ tình trạng giáo viên thừa, thiếu trên toàn quốc. Để qua đó có kế hoạch đào tạo mới hiệu quả, sát với nhu cầu thực tế và để thu hút được học sinh giỏi vào ngành sư phạm: Nếu có các điều kiện về nhân lực, vật lực mà chất lượng đầu vào chưa đảm bảo thì khó đào tạo được một giáo viên trong tương lai.

Để tránh tình trạng “cá đối bằng đầu”, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm mong muốn chính phủ cần phải cấu trúc lại trường sư phạm vì “một nhà đông con thì không hiệu quả”. 

Nhiều cuộc thi đầu cấp đang căng thẳng

Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới giáo dục căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Mọi sự đổi mới của giáo dục đều phải có lộ trình, thời gian và cần phải có sự kiên trì, kiên định. Tuy nhiên, quá trình đổi mới vừa phát huy giá trị tốt đẹp của dân tộc nhưng phải tuân thủ sự phát triển của thế giới.

Cụ thể, đã là giáo dục phổ thông phải đảm bảo đủ trường, đủ lớp, đủ thầy cô giáo để học sinh học ngày 2 buổi và không phân biệt đầu vào. Phó Thủ tướng cũng cho rằng: Hiện thi đầu cấp đang căng thẳng, nghĩa là chưa tuân thủ nguyên tắc.

Kỳ thi THPT Quốc gia là một đổi mới của toàn ngành giáo dục, dù rằng còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Mỹ Hà
Kỳ thi THPT Quốc gia là một đổi mới của toàn ngành giáo dục, dù rằng còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Mỹ Hà

Ở bậc đại học, đã là đại học thì phải nghiên cứu khoa học, không chỉ truyền kiến thức mà phải sáng tạo ra khoa học.

Trong năm học tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu các nhà trường cần tăng cường đạo đức, lối sống nhân cách cho học sinh. Việc thực hiện phải thực chất, bám sát 3 khẩu hiểu: Thi đua dạy tốt học tốt, tất cả vì học sinh thân yêu và 5 điều Bác Hồ dạy.  

Không nên xem việc dạy đạo đức là trách nhiệm của một giáo viên đạo đức mà đây là trách nhiệm của toàn thể giáo viên và việc dạy không phải bằng thứ cao siêu mà bằng những thứ gần gũi hàng ngày. 

Giáo dục phải là quốc sách hàng đầu

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của toàn ngành giáo dục trong năm học vừa rồi. Thủ tướng cũng khẳng định:  Không có một kỳ tích kinh tế xã hội nào mà không gắn với giáo dục và đào tạo, giáo dục phải là quốc sách hàng đầu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ ra những tồn tại của ngành giáo dục hiện nay như công tác sắp xếp các trường sư phạm còn chậm làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo giáo viên; thiếu nhiều ngành đào tạo mũi nhọn.

 Ở bậc phổ thông, hiện nhiều địa phương chưa quan tâm bố trí đất cho các trường phổ thông, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Việc thừa thiếu giáo viên cục bộ, nhất là giáo viên mầm non chưa được giải quyết gây trở ngại đến sự phát triển bền vững hoặc quá tải ở các trường, lớp học. "Không nên áo dụng máy móc, ở đâu có học sinh thì phải có giáo viên", Thủ tướng nhấn mạnh.

Việc giáo dục đạo đức lối sống, giáo dục kỹ năng thực hành đang còn nhiều hạn chế, bất cập và chưa có nhiều thời gian, giáo trình phù hợp. Việc vi phạm đạo đức lối sống của học sinh và của một bộ phận nhà giáo đã làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của người Việt.

Trong năm học tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương cần rà soát lại hệ thống mạng lưới trường học và bố trí đủ quỹ đất để xây dựng các trường học, đặc biệt là ở bậc học mầm non, giải quyết dứt điểm việc thiếu trường mầm non ở các khu công nghiệp và có thiết chế văn hóa cho học sinh, sinh viên.

Bên cạnh đó, cần bố trí đủ giáo viên cho các bậc học. Đặc biệt, các trường có trách nhiệm về việc giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, tăng cường dạy kỹ năng sống.

Năm học 2019 - 2029, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường dạy đạo đức, lối sống trong các nhà trường thông qua những bài học thực tế. Ảnh: Mỹ Hà
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường dạy đạo đức, lối sống trong các nhà trường thông qua những bài học thực tế. Ảnh: Mỹ Hà

Ngoài ra, cần đẩy mạnh sắp xếp lại các trường sư phạm, chú trọng các trường sư phạm trọng điểm. Các trường sư phạm phải đào tạo sinh viên ra trường là các nhà giáo dục chứ không phải là thầy dạy, trường sư phạm phải mô phạm. Tiến tới các địa phương phải đặt hàng các trường sư phạm. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục đại học phải rà soát lại mạnh mẽ hơn để đảm bảo sự phát triển. Kiểm tra và dừng lại các trường có ngành đào tạo kém, không hiệu quả.

Ngành cũng cần quan tâm đến giáo dục miền núi, sớm có hội nghị chuyên đề để bàn về vấn đề này để làm sao các trường ở vùng cao phải được kiên cố hóa, có cơ chế phù hợp cho giáo viên, học sinh, không tạo khoảng cách quá xa giữa trường miền núi và vùng xuôi. Đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài trong hệ thống giáo dục quốc gia.

Tin mới