Thủ tướng: Những sai phạm ngành ngân hàng gánh chịu hết sức đớn đau

Trước hàng loạt sai phạm của các cá nhân, Thủ tướng yêu cầu ngành nâng cao chất lượng đạo đức cán bộ để tăng niềm tin của người dân.

Nhiệm vụ củng cố chất lượng, đạo đức đội ngũ cán bộ để không xảy ra những sai phạm như vừa qua được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh với toàn ngành ngân hàng trong Hội nghị tổng kết hôm 9/1.

Người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận, những sai phạm vừa qua là "hết sức đớn đau" nên yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nâng cao năng lực thanh tra giám sát để kịp thời phát hiện, hạn chế tối đa những sai phạm. Những việc này, theo ông, là để nâng cao niềm tin của nhân dân với hệ thống.

Thủ tướng: Những sai phạm ngành ngân hàng gánh chịu hết sức đớn đau ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn ngành ngân hàng không để xảy ra sai phạm trong năm 2018. Ảnh: VGP.

Sau khi được Thanh tra Chính phủ chỉ ra một số hạn chế, khuyết điểm trong công tác thanh tra giám sát hồi tháng 6, theo Thủ tướng, hoạt động này tại Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cho rằng "vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu" khi khả năng phát hiện và cảnh báo sớm, phòng ngừa và ngăn chặn rủi ro trong hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng còn hạn chế.

"Cả hệ thống cần quan tâm hơn đến chất lượng cán bộ, tâm lý, đạo đức đội ngũ để hạn chế tối đa những sai phạm. Tôi tin rằng với sự giám sát tốt, sẽ không để sai phạm xảy ra trong năm 2018”, Thủ tướng nói.

Thực tế, năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều đổi mới trong công tác thanh tra giám sát khi liên tục đưa ra những cảnh báo, kiến nghị về lãi suất huy động, chất lượng tín dụng các dự án BT, BOT, tình hình sở hữu chéo... Trong năm 2017 có 52 văn bản cảnh báo đến các tổ chức tín dụng để chấn chỉnh, khắc phục.

Trong đó, nhiều sai phạm, rủi ro tiềm ẩn, theo Ngân hàng Nhà nước, đã được phát hiện, như cảnh báo kịp thời một số ngân hàng có tình trạng dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn lên đến 40-50%; một số nhà băng có tỷ lệ cho vay bất động sản cao...

Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng nhắc lại một số “kỷ lục” đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có đóng góp của ngành ngân hàng như việc dự trữ ngoại hối đạt 53 tỷ USD. Ông cho rằng, ngành ngành ngân hàng đã giúp hoàn thành sớm "giấc mơ" dự trữ ngoại tệ đạt 50 tỷ USD vào năm 2020 (bằng khoảng 14 – 15 tuần nhập khẩu) và đánh giá cao chính sách tỷ giá, tiền tệ hợp lý duy trì sự ổn định của thị trường tiền tệ; tiếp tục kiểm soát được lạm phát ở mức 3,53%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra.

Ghi nhận nỗ lực giảm lãi suất cho vay của ngành ngân hàng trong năm 2017 nhưng Thủ tướng đề nghị ngân hàng cần phải tính toán để tiếp tục giảm lãi suất thêm 0,5% một năm vì lợi ích chung, lợi ích quốc gia.

"Các ngân hàng cần tính toán giảm lãi suất cho phù hợp, giảm đồng loạt chứ không chỉ ở một số ngân hàng. Đồng thời, ngành ngân hàng cần mở rộng tín dụng đi đôi nâng cao chất lượng, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt khu vực sản xuất kinh doanh chế biến chế tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu...", ông Nguyễn Xuân Phúc nói.

Bên cạnh đó, để theo kịp xu hướng mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hội nhập hiệu quả với hệ thống ngân hàng quốc tế, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phát triển ứng dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại. Ông cũng mong muốn ngành chú trọng bảo đảm an ninh an toàn, tránh rủi ro, tiêu cực từ mặt trái của công nghệ số. Đồng thời, đại diện Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ động triển khai đề án hoàn thiện khung pháp lý quản lý chặt chẽ các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.

Tin mới