Thủ tướng: 'Phải hành động bằng ý chí và sức mạnh của cả dân tộc'

“Việt Nam phải tận dụng triệt để những thời cơ lớn, phải nỗ lực bằng tất cả trái tim và khối óc, phải hành động bằng ý chí và sức mạnh của cả dân tộc”.

Phát biểu tại phiên chất vấn chiều nay (8/11), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong năm 2020, Việt Nam đồng thời thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch liên Nghị viện ASEAN (AIPA) và đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020- 2021. Để hoàn thành các trọng trách quốc tế lớn này, rất cần sự tham gia, hợp tác, cùng hành động của cả hệ thống chính trị và người dân, đặc biệt là của các vị đại biểu Quốc hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: “Nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước ta không phải là “rừng vàng, biển bạc”. Nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước ta chính là con người, là gần 100 triệu người dân Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta cùng cả hệ thống chính trị cam kết luôn nỗ lực chăm lo cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, được học hành, được có việc làm, không ai bị bỏ lại phía sau”.

“Phải làm sao để mỗi người dân Việt Nam có cơ hội thực hiện khát vọng làm giàu hợp pháp, phát triển khả năng trên chính mảnh đất quê hương. Chúng ta bày tỏ lòng tiếc thương tới những công dân Việt Nam thiệt mạng trong thảm kịch vừa xảy ra tại Anh và xin chia buồn với gia quyến các nạn nhân. Chúng ta không được để thảm kịch đó tái diễn!”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tận dụng triệt để thời cơ

“Chưa bao giờ đất nước đứng trước nhiều thời cơ và thuận lợi lớn như hiện nay. Chúng ta phải tận dụng triệt để những thời cơ lớn đó, phải nỗ lực bằng tất cả trái tim và khối óc, phải hành động bằng ý chí và sức mạnh của cả dân tộc chúng ta; bằng sự đoàn kết chung sức, đồng lòng của toàn dân và trong toàn hệ thống chính trị cũng như trong từng cơ quan/đơn vị như Bác Hồ kính yêu từng dạy:

Dân ta nhớ một chữ đồng:

Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng: 'Phải hành động bằng ý chí và sức mạnh của cả dân tộc' ảnh 1
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, mấy ngày qua, Chính phủ, từng thành viên Chính phủ đã nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và sẽ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương giải quyết, đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của đồng bào, cử tri cả nước; nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

“Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp dự báo chúng ta đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Nhưng kết quả này sẽ cao hơn nữa nếu mỗi chúng ta cùng nêu gương, hành động quyết liệt hơn để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của nền kinh tế”, Thủ tướng nêu rõ.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải bám sát kế hoạch và tiến độ giải ngân của từng dự án thuộc thẩm quyền quản lý; khẩn trương đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả thực hiện giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của ngành mình, địa phương mình; Không để tiếp diễn tình trạng bê trễ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Không được để tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công làm phát sinh thêm chi phí, giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực và hạn chế tiềm năng phát triển đất nước. Không được để thất thoát, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong đầu tư công; phải đảm bảo hiệu quả cao nhất, chất lượng tốt nhất.

Quyết tâm hoàn thành các tuyến đường kết nối ĐBSCL

Về dự án trọng điểm quốc gia Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đây là những dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, ưu tiên bố trí vốn. Chính phủ đã và đang tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện;

“Tỉnh Đồng Nai đã cam kết bàn giao mặt bằng vào đầu năm 2020 để khởi công vào đầu năm 2021 và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025 với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đối với 11 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong số 3 dự án đầu tư công thì đã khởi công 1 dự án, 2 dự án còn lại sẽ triển khai trong quý IV năm nay. 8 dự án theo hình thức PPP chuyển sang đấu thầu trong nước, sẽ triển khai xây dựng vào giữa năm 2020”, Thủ tướng cho biết.

Nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến về việc triển khai Nghị quyết về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu còn nhiều khó khăn về nguồn vốn, trong khi hệ thống hạ tầng giao thông kết nối còn nhiều bất cập và tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng gần đây...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo, quyết tâm sớm hoàn thành các tuyến đường bộ quan trọng kết nối các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đặc biệt cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được ưu tiên bố trí đủ vốn và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2021; Dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ triển khai quý 1/2020 và đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ sớm triển khai thực hiện.

“Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước và tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để giải quyết các vấn đề cấp bách như đối phó tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, suy giảm nguồn nước, thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, phát triển nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó có việc tập trung đầu tư cảng biển, cảng sông”, Thủ tướng nêu rõ.

Cùng với đó, Chính phủ quyết tâm thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình đã được duyệt, không ngừng cải thiện đời sống của hơn 20 triệu người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phát huy hơn nữa các tiềm năng, thế mạnh và sự đóng góp của vùng cho đất nước.

Về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới năng lực quản trị của DNNN, tăng nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong kế hoạch đã được duyệt. Tiếp tục tạo cơ hội cho khu vực tư nhân, các loại hình hợp tác xã tham gia quá trình tái cơ cấu DNNN.

Thủ tướng cũng chỉ rõ: “Vấn đề cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém và xử lý nợ xấu cần phải được triển khai, xử lý quyết liệt hơn, nhanh hơn và thực chất hơn. Sử dụng hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, phấn đấu 2020, giảm ít nhất 0,5 điểm phần trăm lãi suất cho vay, nhất là đối với những lĩnh vực ưu tiên. Điều hành tỷ giá linh hoạt, hiệu quả theo tín hiệu thị trường, hỗ trợ xuất khẩu và nâng đỡ sản xuất trong nước”.

Về môi trường đầu tư kinh doanh, Chính phủ tiếp tục triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 02 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cải cách mạnh mẽ nền hành chính công vụ, khuyến khích đổi mới và sáng tạo trong mọi hoạt động của nền kinh tế. Tiếp tục nỗ lực nâng hạng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia thuộc nhóm ASEAN-4 trong 5 năm tới. Đặc biệt, cần phối hợp với ngành tòa án cải thiện mạnh mẽ chỉ số giải quyết phá sản (Xếp hạng của WB về chỉ số này của Việt Nam là 133/190 nền kinh tế).

“Các thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường còn phức tạp, đôi khi không rõ ràng, chồng chéo, mâu thuẫn,… gây tốn kém nhiều thời gian, tiền bạc và rủi ro cao cho các nhà đầu tư. Đây là những rào cản trực tiếp gây khó khăn cho việc mở rộng đầu tư, kinh doanh”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

“Ngay sau kỳ họp này, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tập trung rà soát toàn diện để bãi bỏ các quy định bất hợp lý, sửa đổi các thủ tục hành chính trùng lặp, chồng chéo, không rõ ràng trong các quy định pháp luật thuộc phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng một Luật sửa nhiều luật trình Quốc hội nhằm khắc phục những bất cập của pháp luật hiện hành trước yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Kiên quyết không nhân nhượng hành vi xâm phạm trên Biển Đông

Về quốc phòng, an ninh, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm, lo lắng trước các hành vi vi phạm nghiêm trọng các vùng Biển của nước ta được xác định theo luật pháp quốc tế trên biển Đông và hiến kế cho Chính phủ nhiều giải pháp cụ thể.

Thủ tướng khẳng định, đây cũng là mối quan tâm, nỗi lo lắng chung của đồng bào ta.

“Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai các hoạt động thực thi pháp luật bằng các giải pháp phù hợp, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” bảo đảm môi trường phát triển hòa bình, nhưng kiên quyết không nhân nhượng với các hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trên biển Đông. Đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của bạn bè quốc tế, của những quốc gia và lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về công tác bảo vệ môi trường, Thủ tướng khẳng định: “Quan điểm phát triển hài hòa trên ba trụ cột kinh tế - xã hội – môi trường được thể hiện trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ phải được tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, rác thải nhập khẩu; khuyến khích đầu tư sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường, hạn chế sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần, chú trọng phát triển năng lượng tái tạo. Xây dựng các kịch bản phòng ngừa, xử lý sự cố môi trường như ô nhiễm không khí, bụi mịn, an ninh nguồn nước, thắt chặt quản lý khai thác nước ngầm...”.

Về các vấn đề xã hội bức xúc mà đại biểu Quốc hội nêu như tình trạng xuống cấp về văn hóa, đạo đức, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em; hành xử côn đồ; tai nạn giao thông, đuối nước, cháy nổ nghiêm trọng…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chúng ta đều biết, trình độ phát triển và tiến bộ của một dân tộc không chỉ đo bằng thành tích kinh tế (mặc dù điều này rất quan trọng), mà còn đo bằng môi trường sống và các giá trị văn hóa, văn minh”.

“Kinh tế thị trường đem lại cho chúng ta điều kiện vật chất đầy đủ hơn, tiện nghi hơn nhưng cũng có mặt trái là dễ làm cho con người thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, dễ bỏ qua hoặc lãng quên các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống. Vì vậy, cần phải có chiến lược, biện pháp cụ thể để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt trái của cơ chế thị trường, của hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo tồn các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống và trách nhiệm xã hội của mỗi công dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về đấu tranh chống tham nhũng, năm 2019, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, cùng với các cơ quan kiểm tra cấp ủy đảng các cấp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phối hợp các cơ quan bảo vệ pháp luật tiến hành thanh tra, điều tra, truy tố trước pháp luật nhiều vụ án tham nhũng và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thừa nhận, cuộc chiến chống tham nhũng là cuộc chiến đầy khó khăn thách thức.

“Chúng ta phải tiếp tục đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Phải bằng công cụ pháp luật và sử dụng mạnh mẽ các chế tài pháp luật để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đi đôi với đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế pháp luật để loại trừ những kẽ hở dễ bị lợi dụng, sửa đổi những quy định không rõ ràng, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn”, Thủ tướng nhấn mạnh./.  

Tin mới