Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm tạo đột phá trong công tác cải cách hành chính

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp cụ thể, thiết thực triển khai thực hiện tốt kế hoạch hoạt động của năm 2023 và thời gian tới để tạo đột phá trong cải cách hành chính.

Chiều 3/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì Phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo, tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Cùng dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Phiên họp được tổ chức trực tuyến tại 63 điểm cầu cả nước.

Chủ trì điểm cầu tại Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Quang cảnh điểm cầu tại Hà Nội. Ảnh: VGP

Quang cảnh điểm cầu tại Hà Nội. Ảnh: VGP

Những điểm sáng về cải cách hành chính

Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày cho thấy, năm 2022, công tác cải cách hành chính đã đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong xây dựng thể chế, chính sách pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế; cải cách chế độ công vụ, chuyển đổi số...

Năm 2022, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, ban hành 2.358 quyết định công bố thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thuộc phạm vi quản lý; đã cắt giảm 1.041 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Đến nay, đã có 53/63 địa phương thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh. Có trên 99% hồ sơ thủ tục hành chính được các bộ, ngành, địa phương giải quyết đúng hạn.

Năm 2022, tỷ lệ dịch vụ công đủ điều kiện được đưa lên cung cấp trực tuyến mức độ 4 đạt 100%, tăng 4% so với năm 2021. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính đạt 52,8%, tăng 17,5% so với năm 2021…

Các đồng chí: Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Các đồng chí: Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Việc triển khai thực hiện Đề án 06 được đẩy mạnh. Đến nay đã cấp hơn 76 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử cho công dân và hoàn thành tích hợp, cung cấp 21/25 dịch vụ công thiết yếu được giao tại Đề án.

Công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt. Kết quả sau sắp xếp: Giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục chưa đáp ứng đủ tiêu chí thành lập; giảm 8 cục (thuộc tổng cục và thuộc bộ); giảm 145 vụ và tương đương (thuộc tổng cục và thuộc bộ); giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập.

Tại địa phương, năm 2022, tiếp tục giảm 711 tổ chức cấp phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh và cấp huyện.

Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ báo cáo kết quả công tác cải cách hành chính. Ảnh: TTXVN

Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ báo cáo kết quả công tác cải cách hành chính. Ảnh: TTXVN

Việc giải quyết nhân sự dôi dư sau khi sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính từ năm 2019 đến nay đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Tính đến nay, cấp huyện dôi dư sau sắp xếp 706 người, đã giải quyết được 361 người, đạt 51,10%. Cấp xã dôi dư sau sắp xếp 9.705 người, đã giải quyết được 6.657 người, đạt 68,60%. Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sau sắp xếp 8.448 người, đã giải quyết được 7.956 người, đạt 94,20%.

Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tham dự tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tham dự tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đã được khai trương, đi vào hoạt động. Theo đó, Hệ thống cơ sở dữ liệu dự kiến quản lý gần 2,5 triệu bộ hồ sơ điện tử về cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước.

Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đạt kết quả tích cực. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia tiếp tục được hoàn thiện, từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương. Các nền tảng, hệ thống thông tin hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp tiếp tục được vận hành, phát triển.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương tham luận trao đổi kinh nghiệm cách làm hay; đồng thời kiến nghị đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đề xuất các giải pháp để triển khai thực hiện tốt kế hoạch hoạt động của năm 2023 và thời gian tới.

Tạo đột phá trong cải cách hành chính

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân, đặc biệt là các thành viên Ban Chỉ đạo đã tích cực thúc đẩy triển khai công tác cải cách hành chính với nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Thủ tướng cũng nêu rõ, Đảng ta đã xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính là một trong ba đột phá chiến lược, bởi đây là lĩnh vực còn nhiều băn khoăn, trăn trở, tâm tư. Do đó, thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các đột phá chiến lược theo chủ trương, đường lối của Đảng, trong đó có công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp cụ thể, thiết thực triển khai thực hiện tốt kế hoạch hoạt động của năm 2023 và thời gian tới để tạo đột phá trong cải cách hành chính, tạo chuyển biến về nhận thức, hành động, có sản phẩm với hiệu quả cụ thể, đo lường được; góp phần cùng Chính phủ hoàn thành thắng lợi phương châm hành động "Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả".

Lưu ý năm 2023 được xác định là năm xây dựng dữ liệu quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải tập trung xây dựng dữ liệu của bộ, ngành, địa phương mình để trên cơ sở đó phục vụ tốt cho việc chuyển đổi số, góp phần cải cách hành chính - một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Đại diện lãnh đạo các sở, ngành tham dự tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Đại diện lãnh đạo các sở, ngành tham dự tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Theo Thủ tướng, để công tác cải cách hành chính có hiệu quả cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính; nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức. Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, địa phương phải tiên phong trong thực hiện cải cách hành chính, đặt lợi ích của Quốc gia, dân tộc, nhân dân lên trên hết.

Các địa phương kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách hành chính. Tập trung ưu tiên nguồn lực để đẩy mạnh triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, tăng cường rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, quy định thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, bảo đảm thực chất, hiệu quả trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của cải cách.

Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính. Hoàn thành việc ban hành hướng dẫn vị trí việc làm của công chức, viên chức. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật để đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm đồng bộ quy định của Đảng và thiết thực, hiệu quả.

Đi cùng với đó, tiếp tục xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, trọng dụng nhân tài và chính sách liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh, góp phần nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Quang cảnh điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Quang cảnh điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, hướng dẫn, chuẩn hóa quy trình, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tập trung ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy thích ứng linh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội.

Tin mới