Thủ tướng Singapore thăm Mỹ: Mục đích và ý nghĩa

(Baonghean) - Bắt đầu từ ngày 31/7, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long có chuyến thăm chính thức Mỹ kéo dài 1 tuần. Đây là chuyến thăm chính thức Mỹ đầu tiên của một vị Thủ tướng Singapore kể từ năm 1985. 

Dù đã từng đến thăm Mỹ, nhưng đây là lần đầu tiên Thủ tướng Lý Hiển Long thăm chính thức cấp nhà nước tới Mỹ. Trong ảnh: Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (trái) gặp gỡ Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) tại Phòng Bầu dục năm 2013.  (Nguồn: StraitTimes)
Dù đã từng đến thăm Mỹ, nhưng đây là lần đầu tiên Thủ tướng Lý Hiển Long thăm chính thức cấp nhà nước tới Mỹ. Trong ảnh: Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (trái) gặp gỡ Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) tại Phòng Bầu dục năm 2013. (Nguồn: StraitTimes)

Thăm lại bạn cũ

Kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước là cái cớ để Thủ tướng Singapore đến thăm Mỹ lần này. Nhìn lại, quan hệ Mỹ - Singapore đã được thiết lập ngay sau khi Singapore tuyên bố độc lập khỏi Liên bang Malaysia năm 1965 cho thấy, cả Singapore và Mỹ ngay từ đầu đã đặt mối quan hệ giữa hai bên lên hàng đầu.

Mặc dù không thực hiện bất kỳ chuyến thăm chính thức cấp cao nhất trong vòng hơn 30 năm qua, nhưng không phải vậy mà quan hệ Mỹ - Singapore không tiến triển tốt đẹp. Thể hiện là trong những năm gần đây, hai nước luôn duy trì mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp. Mỹ coi Singapore là đối tác chiến lược thân cận và là người bạn đáng tin cậy ở Đông Nam Á.

Về hợp tác kinh tế, Mỹ hiện là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Singapore, với tổng cộng 3.700 công ty Mỹ đang đặt trụ sở tại Singapore.

Singrapore là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp Mỹ.
Singrapore là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp Mỹ. Ảnh internet

Trong khi đó, Singapore là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ tại Đông Nam Á. Và chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Lý Hiển Long lần này được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội để làm mới và mở rộng hợp tác giữa hai nước.

Tuy nhiên, chắc chắn dư luận sẽ thắc mắc rằng, tại sao dù có mối quan hệ đối tác chặt chẽ nhưng phải đến 31 năm sau khi cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đến thăm Mỹ, nhà lãnh đạo Singapore Lý Hiển Long mới thực hiện chuyến thăm tiếp theo.

Theo các nhà quan sát, cách mà quốc đảo nhỏ bé Singapore lựa chọn đơn giản đó là không muốn lệ thuộc và dựa dẫm vào đối tác quá mạnh như Mỹ. Singapore do nhà lập quốc Lý Quang Diệu gây dựng nên luôn muốn giữ vững bản sắc và đi lên từ chính sức mình.

Bởi vậy sau hơn 30 năm, khi Singapore đã trở thành một nền kinh tế hàng đầu châu Á khiến bất cứ quốc gia nào cũng phải nể phục, Thủ tướng Lý Hiển Long hoàn toàn tự tin thực hiện chuyến công du Mỹ với tư cách là một đối tác bình đẳng của xứ cờ hoa.

Bàn chuyện kinh tế

Trong chuyến thăm Mỹ đặc biệt vào thời điểm ý nghĩa này, điểm nổi bật của chuyến thăm là quốc yến mà Tổng thống Barack Obama cùng phu nhân dành cho Thủ tướng Lý Hiển Long và phu nhân tại Nhà Trắng ngày 2/8 tới.

Dự kiến, Tổng thống Obama cũng sẽ tổ chức lễ đón chính thức Thủ tướng Lý Hiển Long tại Nhà Trắng, sau đó có cuộc hội đàm tại phòng Bầu Dục.

Ngoài ra, Thủ tướng Lý Hiển Long cũng có các cuộc gặp với Phó Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cùng nhiều các quan chức cấp cao khác. Theo kế hoạch, Thủ tướng Lý Hiển Long cũng sẽ có bài phát biểu trước Hội đồng thương mại Mỹ - ASEAN.

Theo giới quan sát, các vấn đề hợp tác kinh tế - thương mại sẽ là những nội dung nổi bật trong chuyến thăm lần này. Trong đó, nền tảng là Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ - Singapore năm 2004 và đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP mà Mỹ và Singapore đều là thành viên.

Chắc chắn rằng, hợp tác trực tiếp hay thông qua các cơ chế như TPP hay ASEAN - Mỹ đều mang lại những lợi ích kinh tế vô cùng lớn cho Singapore.

Ngược lại, hợp tác chặt chẽ với Singapore - nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á sẽ là cầu nối tuyệt vời cho Mỹ để triển khai các chiến lược kinh tế dài hơi tại khu vực năng động này.

"Nóng" chuyện Biển Đông

Chuyến thăm lần này còn nhằm triển khai kết quả Đối thoại chiến lược Mỹ - Singapore cũng như Hiệp định Hợp tác Quốc phòng (DCA) ký kết năm 2005 và bản cập nhật tháng 12/2015, cũng là một phần của Thỏa thuận khung chiến lược song phương, việc gia hạn chương trình huấn luyện qua nước thứ ba Singapore - Mỹ hồi tháng 4/2015. 

Có thể thấy, quan hệ quốc phòng giữa Singapore và Mỹ đã có những bước phát triển mạnh mẽ thời gian qua. Nhìn lại hồi cuối năm ngoái, Singapore đã chấp thuận cho Mỹ sử dụng căn cứ để đưa máy bay P-8 Poseidon tuần tra Biển Đông. Đây được đánh giá là bước tiến vượt bậc trong quan hệ quốc phòng hai bên.

Trong các cuộc gặp song phương, mới đây nhất tháng 6 vừa qua giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice và Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan tại Mỹ, hai bên cũng đều thể hiện quan tâm về các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có các thách thức an ninh hàng hải ở biển Đông. 

Mỹ và Singapore tập trận hải quân chung năm 2015.
Mỹ và Singapore tập trận hải quân chung năm 2015.

Xét về phía Mỹ, lộ trình xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương không thể thiếu hợp tác kinh tế cũng như tăng cường sự hiện diện về quốc phòng. Đặc biệt trong bối cảnh đối trọng hàng đầu là Trung Quốc đang nổi lên và có những hành động trái luật pháp quốc tế tại Biển Đông.

Còn về phía Singapore, dù luôn khẳng định không phải là một bên tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, nhưng nước này khẳng định có quyền đảm bảo tự do hàng hải và hàng không tại tuyến đường huyết mạch hàng đầu thế giới này.

Bởi vậy, những động thái gia tăng căng thẳng trên biển Đông của Trung Quốc ảnh hưởng tới an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, chắc chắn đã khiến Singapore không thể ngồi yên.

Do vậy, cái bắt tay chặt hơn giữa Mỹ và Singapore về cả hợp tác kinh tế và quốc phòng sẽ là điều mà dư luận sẽ nhìn thấy trong chuyến công du Mỹ lần này của Thủ tướng Lý Hiển Long.

Phương Hoa

TIN LIÊN QUAN

Tin mới