Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững ở Thanh Chương

Sản xuất nông nghiệp đối với huyện Thanh Chương được xác định là trụ cột trong phát triển kinh tế. Và phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra sản phẩm an toàn, nâng cao giá trị hàng hóa, ổn định đầu ra là hướng đi mà Thanh Chương đang tập trung thực hiện.

Trên diện tích 5 ha đất trồng keo và sắn, năm 2017, anh Trần Điển Vi (ở xóm Sướn, xã Thanh Đức) chuyển sang trồng cam V2, Xã Đoài. Xác định mình là người “đi sau” nên anh áp dụng quy trình VietGAP ngay từ đầu và năm 2020 chuyển sang làm cam hữu cơ. Nghĩa là cây cam hoàn toàn không dùng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ dùng phân chuồng ủ chế phẩm vi sinh bón cho gốc và phun phòng trừ sâu bệnh bằng chế phẩm sinh học của Viện Nông nghiệp Việt Nam, đồng thời phủ màn, bọc quả tránh côn trùng.

Vườn cam hữu cơ của gia đình anh Trần Điển Vi, xóm Sướn, xã Thanh Đức (Thanh Chương) . Ảnh: Mai Hoa
Vườn cam hữu cơ của gia đình anh Trần Điển Vi, xóm Sướn, xã Thanh Đức (Thanh Chương) . Ảnh: Mai Hoa

Anh Trần Điển Vi cho biết: 5 ha cam nay bước vào năm thứ 2 thu hoạch. Vào mỗi kỳ thu hoạch, sản phẩm cam trang trại anh đều gửi vào thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra các dư lượng và cho kết quả an toàn, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính Châu Âu, Nhật Bản. Cùng với tạo ra sản phẩm chất lượng cộng với làm tốt khâu kết nối cung – cầu, nên sản phẩm cam của gia đình chủ yếu bán qua hơn 40 đại lý ở Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh. Về giá thì thường cao hơn 15 – 20 giá so với thị trường. Như vụ cam năm nay, giá bán tại vườn là 38 nghìn đồng/kg và khi cam đến thành phố Vinh và các tỉnh, thành phố trong cả nước là 50 – 55 nghìn đồng/kg.

Cùng xã Thanh Đức, 5 ha cam áp dụng quy trình VietGAP của gia đình chị Nguyễn Thị Hường ở xóm Khe Trảy được chuyển sang làm hữu cơ trong năm 2021 này. Chị Nguyễn Thị Hường, cho biết: Cam chín sớm của gia đình được xuất bán vào tháng 10 và 11 vừa qua; thời điểm nhiều nhà vườn ở các địa phương khác chỉ bán trên dưới 10 nghìn đồng/kg thì cam hữu cơ trang trại chị vẫn có giá tại vườn theo đầu tấn là 25 – 28 nghìn đồng/kg, còn bán lẻ là 30 – 35 nghìn đồng/kg. Cam trang trại của gia đình chị hiện đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành, từ Hải Phòng vào tận Vũng Tàu.

Huyện Thanh Chương đang tiếp tục đẩy mạnh áp dụng quy trình sản xuất VietGAP và hữu cơ đối với cam; Cam hữu cơ, phủ màn tại trang trại cam Ngọc Hường đem lại hiệu quả kinh tế cao; Sản phẩm cam hữu cơ Thanh Chương đang khẳng định giá trị trên thị trường. Ảnh: Mai Hoa
Huyện Thanh Chương đang tiếp tục đẩy mạnh áp dụng quy trình sản xuất VietGAP và hữu cơ đối với cam; Cam hữu cơ, phủ màn tại trang trại cam Ngọc Hường đem lại hiệu quả kinh tế cao; Sản phẩm cam hữu cơ Thanh Chương đang khẳng định giá trị trên thị trường. Ảnh: Mai Hoa

Ở xã Thanh Đức, theo ông Phạm Bá Nga – Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thanh Đức, hiện 100% thành viên trồng cam của hợp tác xã với tổng hơn 100 ha đều thực hiện quy trình sản xuất VietGAP và hữu cơ. Thực hiện sản xuất theo hình thức này vừa đảm bảo cây cam phát triển tốt, tạo ra sản phẩm quả chất lượng, tuổi thọ cây cam cũng tốt hơn. Đặc biệt là bảo vệ sức khỏe cho chính người sản xuất và tiêu dùng, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người trồng cam. Đây là vấn đề được các thành viên trong hợp tác nói riêng và nhiều nông dân Thanh Đức nói chung nhận thức rất rõ để triển khai rộng hơn về diện tích và trên một số sản phẩm nông nghiệp như chè, gà, lợn, dê…

Ở huyện Thanh Chương sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn và bền vững đang là định hướng tập trung của địa phương. Như quả trám đen, từ một cây trồng bản địa, sau khi có sự phối hợp giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân để tạo ra sản phẩm trám muối, trám khô đã làm thay đổi hoàn “số phận” quả trám đen. Liên tục 3 mùa lại đây, giá trám đen tươi tiếp tục tăng từ 35 nghìn đồng lên 100 và hơn 100 nghìn đồng/kg.

Quả trám đen đã trở thành đặc sản nổi tiếng ở Thanh Chương. Ảnh: Lâm Tùng
Quả trám đen đã trở thành đặc sản nổi tiếng ở Thanh Chương. Ảnh: Lâm Tùng

Hay như bưởi VietGAP Thanh Mỹ; bí xanh hữu cơ Thanh Chương được mở rộng nhiều xã Thanh Lĩnh, Thanh Liên, Thanh Hoà, Xuân Tường, Đại Đồng, Thanh Khai, Thanh Chi… và có mặt tại Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương… Một số sản phẩm dưa lưới, dưa chuột, cà chua, rau màu trong nhà màng, nhà ở xã Thanh Khê, Thanh Liên, Thanh Tiên, Thanh Lĩnh, Thanh Dương, Võ Liệt.

Đối với lúa, ngô, lạc được nông dân đưa các loại giống kháng sâu bệnh vào sản xuất nhằm giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ví như trong vụ Xuân, nông dân Thanh Chương đưa các giống lúa vừa có năng suất, chất lượng gạo tốt, vừa ít bị bệnh đạo ôn vào sản xuất. Mà theo ông Trần Phi Hùng – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, khi đưa các giống lúa ít bệnh đạo ôn vào sản xuất thì bình quân mỗi sào lúa sẽ giảm được 3 túi thuốc bảo vệ thực vật và mỗi héc ta sẽ giảm 50 – 60 túi thuốc,  vừa giảm chi phí đầu vào, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm thiểu độc hại cho người sản xuất và tiêu dùng.

Ông Trình Văn Nhã – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương khẳng định: Kinh tế Thanh Chương trọng tâm vẫn đang là nông nghiệp. Phát triển kinh tế dựa vào nông nghiệp chính là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hàng hoá; nông nghiệp sản xuất những gì thị trường cần, chứ không sản xuất những cái ta có, mang tính truyền thống lạc hậu. Mà thị trường cần là nông nghiệp sạch, an toàn, phục vụ người tiêu dùng ở “phân khúc” đẳng cấp cao hơn trong thị trường nội địa và phục vụ xuất khẩu – đây sẽ là một nền nông nghiệp bền vững. Theo đó, trên cơ sở các cây, con chủ lực đã được xác định, huyện tập trung chuyển đổi phương pháp canh tác theo quy trình VietGAP, hữu cơ; ứng dụng KHCN; tăng cường liên kết thông qua thành lập các hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp… Đây là những yếu tố cốt lõi để nâng cao chất lượng nông sản và đầu ra ổn định hơn.

Mô hình nhà lưới; Mô hình sâm Thổ Hào đang khẳng định hiệu quả; Mô hình bí trồng xen bưởi ở xã Thanh Liên. Ảnh: Mai Hoa - Thanh Phúc
Mô hình nhà lưới; Mô hình sâm Thổ Hào đang khẳng định hiệu quả; Mô hình bí trồng xen bưởi ở xã Thanh Liên. Ảnh: Mai Hoa - Thanh Phúc

Để hiện thực hóa hướng đi nêu trên, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho rằng: Yếu tố con người đóng vai trò quyết định, trong đó nông dân là chủ thể  chủ động thay đổi tư duy canh tác sử dụng phương tiện máy móc, áp dụng khoa học kỹ thuật, giải phóng sức lao động của con người, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa. Đội ngũ cán bộ các cấp đóng vai trò cung cấp kiến thức khoa học kỹ thuật cùng với định hướng cây, con chủ lực theo quy hoạch vùng, vệt; hỗ trợ làm tốt khâu truyền thông, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hàng hóa…

Cùng với đổi mới tư duy làm nông nghiệp theo nhu cầu thị trường, hiện cấp ủy, chính quyền và nông dân ở Thanh Chương đổi mới tư duy trong đầu tư thâm canh, từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự cung, tự cấp sang sản xuất có quy mô lớn hơn thông qua quy hoạch liền vùng, liền thửa cùng trồng cây ăn quả, cùng trồng chè công nghiệp, cây nguyên liệu, nuôi trồng thuỷ sản, trồng rau màu, chăn nuôi trâu bò, gà…

Một số địa phương mạnh dạn chuyển đổi, tập trung ruộng đất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Như xã Thanh Ngọc, Ngọc Sơn, Thanh Liên, Thanh Tiên, Thanh Lĩnh… dồn đất 5% về một vùng tập trung và thay vì cho nhiều hộ thuê sản xuất, nay chỉ cho ít hộ nhận thầu để đầu tư thâm canh. Một số xã thực hiện việc chuyển đổi, dồn diện tích sản xuất kém hiệu quả hoặc người dân không có nhu cầu sản xuất về một vùng và chính quyền xã đứng ra làm “trọng tài” để người có nhu cầu thuê lại sản xuất.

Chuyển đổi, tích tụ ruộng đất để thực hiện mô hình trồng sen, thả cá ở xã Thanh Liên; Đưa giống lúa kháng bệnh vào sản xuất là giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững; Cây chè được mở rộng diện tích áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, hữu cơ. Ảnh: Mai Hoa
Chuyển đổi, tích tụ ruộng đất để thực hiện mô hình trồng sen, thả cá ở xã Thanh Liên; Đưa giống lúa kháng bệnh vào sản xuất là giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững; Cây chè được mở rộng diện tích áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, hữu cơ. Ảnh: Mai Hoa

Với hình thức này, hiện tại ở xã Thanh Tiên đã chuyển hơn 11 ha đất sâu trũng của 31 hộ dân sang cho một người làm mô hình nuôi cá kết hợp trồng sen; chuyển hơn 10 ha đất bãi được chia theo Nghị định 64 của 43 hộ dân sang cho doanh nghiệp thuê trồng cây dược liệu bạc hà. Hay ở xã Hạnh Lâm, từ đất chia theo Nghị định 64 của hơn 160 hộ dân dồn cho 16 hộ làm mô hình bưởi xen ổi. Ở xã Thanh Liên dồn diện tích của các hộ dân không có nhu cầu sản xuất trong một xóm về một vùng để cho 1 người thuê sản xuất theo định hướng cây, con của xã. Ở các xã Đồng Văn, Đại Đồng, Thanh Thịnh… cũng có những mô hình tương tự.

Theo ông Trần Phi Hùng – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thanh Chương, với cách làm nêu trên, bên cạnh khắc phục sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thì người sản xuất có điều kiện đầu tư thâm canh, đưa cơ giới hóa và ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng đủ sức cạnh tranh trên thị trường, đồng nghĩa là sẽ giải quyết tốt hơn bài toán đầu ra của sản phẩm nông nghiệp. Cùng đẩy mạnh thay đổi phương thức canh tác, khuyến khích các mô hình tập trung đất đai, huyện cũng đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng hàng hóa, có giá trị kinh tế, với mục tiêu cả giai đoạn 2021 – 2025 là 1.000 ha.

Với quyết tâm đổi mới tư duy và cách tiếp cận mới, nền nông nghiệp Thanh Chương sẽ tạo ra bước bức phá, trở thành trụ cột kinh tế quan trọng của huyện.

Cam được trồng với phương thức sản xuất an toàn sinh học ở xã Thanh Đức. Ảnh: Lê Quang Dũng
Cam được trồng với phương thức sản xuất an toàn sinh học ở xã Thanh Đức. Ảnh: Lê Quang Dũng