Thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp, nâng cao đời sống dân cư nông thôn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Năm 2022, ngành Nông nghiệp và PTNT Nghệ An đã hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được giao, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện thành công các nhiệm vụ kế hoạch của tỉnh.

Năm 2022, mặc dù chịu tác động bất thường của thời tiết, biến đổi khí hậu, diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, ảnh hưởng của dịch Covid-19..., nhưng với tinh thần đoàn kết, đồng thuận cao, được sự chỉ đạo sát sao của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả của các sở, ngành, địa phương, đơn vị và đặc biệt là sự nỗ lực của bà con nông dân, HTX, doanh nghiệp, ngành Nông nghiệp và PTNT Nghệ An đã hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được giao, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện thành công các nhiệm vụ kế hoạch của tỉnh, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống dân cư nông thôn.

Đồng chí Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành kiểm tra mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ở Nghi Quang, Nghi Lộc. Ảnh: TL
Đồng chí Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành kiểm tra mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ở Nghi Quang, Nghi Lộc. Ảnh: TL

Cơ cấu kinh tế nội ngành Nông nghiệp Nghệ An tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực với tỷ trọng đến cuối năm 2022: Nông nghiệp 77,52%, lâm nghiệp 6,18%, ngư nghiệp 16,30%. Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp ước đạt 47,94%. Cùng với đó, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ tiếp tục chuyển đổi mạnh, ứng dụng công nghệ cao gắn với thị trường tiêu thụ; công tác tổ chức chỉ đạo sản xuất nông nghiệp được triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt, thích ứng với biến đổi khí hậu... Sở đã phối hợp tốt với các ngành, địa phương, đơn vị, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong điều kiện bất thường của thời tiết; đưa nhanh các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, phù hợp với từng loại cây trồng, vật nuôi.

Tốc độ tăng trưởng (GRDP) cao nhất vùng Bắc Trung Bộ

Trên cơ sở định hướng phát triển, nhiệm vụ được Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tích cực, chủ động, phối hợp tốt với các sở, ban ngành cấp tỉnh, các huyện, thành, thị, các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện tốt chức năng tham mưu quản lý nhà nước chuyên ngành, được UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương đánh giá cao.

Các chỉ tiêu cơ bản về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn đều hoàn thành và vượt mức kế hoạch được giao, vụ đông xuân, hè thu - mùa được mùa khá toàn diện, năng suất, sản lượng nhiều loại cây trồng, vật nuôi tăng mạnh; sản lượng gỗ, thủy sản tăng khá..., nên giá trị tổng sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp (GRDP) cả năm 2022 toàn ngành đạt 20.380,33 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 4,78%/KH 4,5-5,0% (cao nhất vùng Bắc Trung Bộ), trong đó nông nghiệp tăng 4,16%; lâm nghiệp: 9,07%; ngư nghiệp: 5,22%; số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) là 10/KH 10 xã, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao 22/KH 20 xã, đạt nông thôn mới kiểu mẫu 4/KH 4 xã và 2/KH 2 huyện đạt chuẩn NTM; lũy kế đến 31/12/2022 đạt 309/411 xã NTM, đạt 75,18%, có 42 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 6 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn NTM; tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (theo Tiêu chuẩn 4826/QĐ-BNN) đạt 87/KH 87%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 58,41/KH 58,0%.

Mô hình trang trại Đồi Chồi ứng dụng công nghệ cao sản xuất hiệu quả ở Đô Lương. Ảnh: PV
Mô hình trang trại Đồi Chồi ứng dụng công nghệ cao sản xuất hiệu quả ở Đô Lương. Ảnh: PV

Trong năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao 24 nhiệm vụ; Sở đã tập trung chỉ đạo thực hiện đảm bảo thời gian và chất lượng, đến nay đã hoàn thành: 8 nghị quyết của HĐND tỉnh, 6 đề án và 6 nhiệm vụ khác (còn 4 nhiệm vụ do điều kiện khách quan và được UBND tỉnh đồng ý chuyển sang năm 2023).

Công tác dự báo, phát hiện và phòng trừ sâu bệnh hại được thực hiện tốt, kết hợp với đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất... nên ngành trồng trọt đã hoàn thành tốt kế hoạch đề ra: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 349.726ha, trong đó sản xuất cây lương thực (tổng diện tích gieo trồng cả năm đạt 218.913ha và tổng sản lượng lương thực cây có hạt cả năm ước đạt 1.209.369 tấn).

Theo định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, năm 2022 cơ cấu giống lúa tiếp tục chuyển đổi mạnh và tập trung sản xuất lúa chất lượng, có giá trị cao, dễ tiêu thụ (trên 85.000ha), làm tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích các giống như: AC5, QJ1, DT52, BTE1, vật tư NA6, nếp 87, lúa thảo dược... Diện tích gieo trồng lúa đạt 173.149ha, năng suất lúa cả năm ước đạt 57,72 tạ/ha, sản lượng ước đạt 995.931/KH 991.000 tấn, tăng 0,50% so với kế hoạch. Cây ngô gieo trồng 45.764ha, năng suất cả năm ước đạt 46,64 tạ/ha, tăng 1,00% so với cùng kỳ; sản lượng đạt 213.438 tấn.

Lúa Xuân ở Yên Thành đạt năng suất cao. Ảnh: TL Hoàng Hà
Lúa Xuân ở Yên Thành đạt năng suất cao. Ảnh: TL Hoàng Hà

Đối với các loại cây công nghiệp: Lạc sản xuất trên 11.789ha, năng suất cả năm ước đạt 27,11 tạ/ha; sản lượng ước đạt 31.964 tấn; cây sắn nguyên liệu 10.000ha, năng suất đạt 385 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 385 nghìn tấn (diện tích sắn toàn tỉnh hiện có khoảng 14.000ha); cây mía có 22.560ha và năng suất đạt 720 tạ/ha, sản lượng đạt 1.625/KH 1.625 nghìn tấn. Cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả như chè, cao su, cam, dứa được người dân tập trung đầu tư công nghệ cao nên năng suất, chất lượng tốt và nâng cao được giá trị của sản phẩm.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y, Sở Nông nghiệp và PTNT tập trung chỉ đạo, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh một cách quyết liệt, nên đã khống chế kịp thời, hạn chế thiệt hại; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển chăn nuôi; công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra chất lượng giống chăn nuôi, chất lượng các loại thức ăn, thuốc thú y, các chất cấm dùng trong chăn nuôi; công tác xử lý môi trường chăn nuôi được chú trọng... Do đó, sản xuất chăn nuôi cơ bản duy trì được số lượng tổng đàn và tăng trưởng sản lượng sản phẩm; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong năm ước đạt 282/KH 282 nghìn tấn, tăng 4,44% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng sữa bò ước đạt 285/KH 250 triệu lít.

Năm 2022, sản xuất lâm nghiệp tiếp tục chuyển biến mạnh về chất, tập trung phát triển, nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, ứng dụng công nghệ cao, đầu tư chế biến sâu, giá trị sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ được nâng cao. Ngành đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, sản lượng gỗ tăng mạnh; trồng rừng nguyên liệu tăng nhanh; trong năm đã có nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án phát triển công nghệ cao trong chế biến gỗ, sản xuất giống cây lâm nghiệp: Đẩy nhanh tiến độ triển khai Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao... theo định hướng cơ cấu lại ngành; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ, lâm sản khác thông qua chế biến sâu; phát triển kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị sản phẩm. Người dân sản xuất lâm nghiệp đã có thu nhập khá, nhiều hộ đã thực sự làm giàu từ nghề rừng;… Độ che phủ của rừng đến cuối năm 2022 đạt 58,41/KH 58,0%.

Nhìn chung các lĩnh vực khác của ngành đều đạt kết quả quan trọng như: Sản xuất thủy sản, đã tập trung giải quyết khó khăn cho ngư dân, phát triển đánh bắt xa bờ, sản lượng thủy sản tăng khá; tập trung các biện pháp khắc phục thẻ vàng châu Âu (IUU); năng suất nuôi trồng thủy sản đạt khá. Tổng sản lượng thủy sản trong năm ước đạt 270.477/KH 250.000 tấn, tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng khai thác thủy sản 203.513 tấn, tăng 1,81%; sản lượng nuôi trồng đạt 66.964 tấn, tăng 6,81% so với cùng kỳ.

Đưa cơ giới hóa vào thu hoạch lúa. Ảnh: TL
Đưa cơ giới hóa vào thu hoạch lúa. Ảnh: TL

Công tác thủy lợi được đảm bảo, phục vụ tốt yêu cầu sản xuất và dân sinh, tích cực, chủ động công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, giảm thiểu thiệt hại cho người dân; Chương trình nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn được xã hội hóa mạnh mẽ.

Phát triển chế biến nông, lâm, thủy sản, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, tăng giá trị nông sản, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu, chế biến, tiêu thụ nông sản có sự tăng trưởng cao trong tình hình mới hậu dịch Covid-19, đạt nhiều kết quả, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Xây dựng nông thôn mới và các chương trình phát triển nông thôn khác tiếp tục được triển khai hiệu quả…

Khai thác hải sản ở Quỳnh Lưu. Ảnh: TL
Khai thác hải sản ở Quỳnh Lưu. Ảnh: TL

Công tác thu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả tốt, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, phục vụ ngày càng tốt hơn sản xuất và dân sinh.

Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới

Mặc dù trong quá trình thực hiện NTM ở Nghệ An gặp khó khăn do địa bàn rộng, phức tạp, nguồn vốn chậm, nhưng Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh nhà đã thực hiện đồng bộ các giải pháp và vào cuộc rất tích cực nên hoàn thành kế hoạch. Trong quá trình chỉ đạo, thực hiện, Sở chú trọng công tác tuyên truyền, vận động và duy trì thường xuyên, sâu rộng, luôn đổi mới nội dung và hình thức; tích cực chỉ đạo các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người dân. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm thường xuyên, mở rộng, phát triển các làng nghề, tạo việc làm cho hàng vạn lao động nông thôn.

Toàn tỉnh tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Trong năm 2022 đã xây dựng thêm trên 350km đường giao thông nông thôn, lũy kế được trên 10.400km, trong đó, theo chương trình hỗ trợ xi măng của tỉnh đã làm được trên 4.600km; xây dựng trên 120km kênh mương, lũy kế là 3.680km kênh mương; xây dựng nâng cấp 600km đường điện, lũy kế là 6.250km đường điện; dự kiến đến cuối năm 2022 có 1.095/1.452 trường học đạt chuẩn; 780 nhà văn hóa, 330 chợ nông thôn, 410 trạm y tế xã đạt chuẩn...

Mô hình trồng dưa lưới ở Nghi Lộc. Ảnh: TL
Mô hình trồng dưa lưới ở Nghi Lộc. Ảnh: TL

Tập trung phát triển sản xuất, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, mở rộng liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ nông sản; quan tâm phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, đảm bảo trật tự an ninh nông thôn... theo yêu cầu của các nội dung tiêu chí về nông thôn mới.

Tổng nguồn vốn huy động, lồng ghép thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của Nghệ An năm 2022 là 11.852.618 triệu đồng, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp 1.104.667 triệu đồng, chiếm 9,32% (vốn ngân sách Trung ương 589.120 triệu đồng; ngân sách tỉnh 161.537 triệu đồng; ngân sách huyện, xã 660.667 triệu đồng); Vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án 1.066.739 triệu đồng, chiếm 9%; Vốn tín dụng 8.495.984 triệu đồng, chiếm 71,68%; Vốn doanh nghiệp 509.664 triệu đồng, chiếm 4,3%; Vốn nhân dân đóng góp 675.564 triệu đồng, chiếm 5,7%.

Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 10/KH 10 xã đạt chuẩn NTM; 22/KH 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 4/KH 4 xã đạt NTM kiểu mẫu; 2/KH 2 huyện (Diễn Châu và Đô Lương) đạt chuẩn NTM, có thêm 39 thôn, bản đạt chuẩn NTM, 166 vườn chuẩn NTM; lũy kế có 309/411 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 75,18%; có 42 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm 14,23%; có 6 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; Số tiêu chí bình quân các xã đạt 16,95 tiêu chí/xã. Có 9 đơn vị cấp huyện: TP. Vinh, TX. Thái Hòa, TX. Hoàng Mai, các huyện Nam Đàn, Yên Thành, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Đô Lương và Diễn Châu hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn NTM; có 223 thôn, bản đạt chuẩn NTM.

Nghệ An thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Ảnh: TL HV

Nghệ An thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Ảnh: TL HV

Cùng với chương trình NTM, dự án phát triển nông thôn khác (Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình bố trí dân cư, về phát triển ngành nghề nông thôn, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)...) được thực hiện giúp người dân tích cực thoát nghèo bền vững.

Đặc biệt, các hình thức tổ chức sản xuất được đổi mới và phát triển, hiệu quả sản xuất, kinh doanh được nâng cao, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương, của tỉnh. Công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, an toàn vệ sinh thực phẩm được quan tâm chỉ đạo, tạo sự chuyển biến tích cực. Hoạt động khoa học kỹ thuật, công nghệ, công tác khuyến nông và đào tạo nguồn nhân lực được triển khai tích cực, đạt nhiều kết quả, phục vụ tốt mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Hoạt động hợp tác quốc tế được tăng cường, có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực...

Tạo đà cho tăng trưởng những năm tới

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025... và theo dự báo, ngành Nông nghiệp và PTNT sẽ gặp nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, ngành Nông nghiệp và PTNT luôn được sự chỉ đạo sát sao của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả của các sở, ngành, các địa phương, đơn vị và đặc biệt là sự nỗ lực của bà con nông dân, HTX, doanh nghiệp, ngành Nông nghiệp và PTNT Nghệ An sẽ đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực vươn lên hoàn thành nhiệm vụ được giao, tạo đà tăng trưởng cho những năm tới.

Nhiệm vụ kế hoạch năm 2023

Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh về giao chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2023 (thuộc lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT), cụ thể:

Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp hiện đại, xanh, sạch, sinh thái, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc ứng dụng các quy trình, công nghệ mới, thông minh, sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên.

Tại nhiều địa phương trong tỉnh đã xây dựng Nhà máy sản xuất nước sạch đáp nhu cầu của người dân và chương trình Nông thôn mới. Ảnh: HV
Tại nhiều địa phương trong tỉnh đã xây dựng Nhà máy sản xuất nước sạch đáp nhu cầu của người dân và chương trình Nông thôn mới. Ảnh: HV

Một số chỉ tiêu chủ yếu kế hoạch năm 2023

- Giá trị tổng sản phẩm (GRDP) nông, lâm, ngư nghiệp 21.300 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng (GRDP) 4,5 - 5,0% trong đó: Nông nghiệp 3,60%; lâm nghiệp 6,40%; ngư nghiệp 7,97%. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp 41.667 tỷ đồng.

- Tổng sản lượng

lương thực cây có hạt: 1.200.000 tấn.

- Sản lượng lạc: 34.800 tấn.

- Sản lượng mía: 1.625.000 tấn.

- Cam quả: 70.000 tấn.

- Chè búp tươi: 91.500 tấn.

- Cao su mủ khô: 8.610 tấn.

- Tổng đàn trâu: 268.000 con.

- Tổng đàn bò: 525.000 con.

- Tổng đàn lợn: 1.150.000 con.

- Tổng đàn gia cầm: 34.000 nghìn con.

- Tổng sản lượng

thịt hơi xuất chuồng: 285.000 tấn.

- Sản lượng sữa tươi: 260 triệu lít.

- Bảo vệ rừng: 964.660 ha.

- Khoanh nuôi rừng: 76.000 ha.

- Trồng mới rừng tập trung: 18.500 ha.

- Khai thác gỗ (rừng trồng): 1.505.000m3.

- Tỷ lệ che phủ của rừng ổn định: 58,0%.

- Sản lượng thủy sản: 255.000 tấn.

- Diện tích nuôi trồng thủy sản: 22.000 ha.

- Diện tích tưới chung: 262.500 ha.

- Tỷ lệ dân cư nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo Tiêu chuẩn 4826/QĐ-BNN đạt 88,0%.

- Số xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới: 10 xã đạt chuẩn NTM, 20 xã NTM nâng cao, 5 xã NTM kiểu mẫu và 1 huyện đạt chuẩn NTM.

Tin mới