Thúc đẩy tư duy doanh nghiệp cho nông dân Nghệ An

(Baonghean) - LTS: Báo Nghệ An lược trích đăng nội dung tham luận của đại biểu tham dự Hội thảo “Phát triển Nghệ An đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 26 - NQ/TW của Bộ Chính trị”. 

Trong Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, tiêu chí quan trọng, có ý nghĩa then chốt chính là tiêu chí thu nhập. Bởi nếu không có cách thức tạo ra thu nhập một cách thường xuyên thì các tiêu chí khác khó mà duy trì lâu dài được vì nó thiếu sự đảm bảo về nguồn lực. Cho nên có thể nói,  tiêu chí thu nhập phải trở thành chìa khóa cho xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để duy trì và nâng cao thu nhập của người nông dân? Để giải đáp câu hỏi này, có thể bắt đầu bằng việc phân tích kinh nghiệm của Israel. Israel chỉ rộng bằng 1/58 Việt Nam, mật độ dân số thuộc hàng đông nhất thế giới. Nhưng chỉ với 2,5% dân số làm nông nghiệp, Israel không những bảo đảm đủ nhu cầu lương thực mà còn xuất khẩu tới 3 tỷ USD nông sản. Một ha đất của Israel hiện cho 3 triệu bông hồng, hay 500 tấn cà chua/vụ; đặc biệt, 1 con bò của Israel cho tới 11 tấn sữa/năm - đây là năng suất mà không một nước nào trên thế giới có được. Khi bình luận về thành quả này, nhiều người cho rằng, bí quyết thành công của nông nghiệp Israel chính là công nghệ. Nhưng nếu phân tích kỹ đặc điểm của người Israel, sẽ thấy đấy chỉ là phần nổi.

Phần chìm, có tính quyết định, chính là truyền thống tư duy doanh nghiệp của họ. Người dân Israel giỏi thương mại nên họ luôn bắt đầu công việc bằng câu hỏi: Có thể bán ở đâu? Hay nói cách khác họ bắt đầu bằng bán hàng, bằng thị trường. Chẳng hạn, thị trường mục tiêu trong xuất khẩu sản phẩm nông sản của Israel được xác định là EU vì thu nhập của người dân EU cao, tiêu chuẩn sản phẩm khắt khe. Hai yêu cầu này lại thích hợp với năng lực cốt lõi của người dân Israel là thông minh và thông thái. Trình độ nông dân của Israel cũng rất cao, tất cả họ đều đã học xong trung học; nhiều người sau khi học xong đại học đã quay lại đồng ruộng, sau đó lại mang kinh nghiệm đồng áng của mình tới trường đại học.

Qua kinh nghiệm được đúc rút từ Israel, có thể thấy, đối với nông thôn Nghệ An, tư duy doanh nghiệp phải đi trước, làm tiền đề cho các tư duy và hành động tiếp theo. Tuy vậy, vận dụng bài học này có thành công hay không lại phụ thuộc vào cách tiếp cận đối với hoàn cảnh và đặc tính riêng có của người nông dân Nghệ An.

Theo các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, người Nghệ An có đặc tính tích cực sau đây: Chất lý tưởng cao trong tâm hồn; trung kiên, khảng khái và trung thực; thông minh; sống chắt chiu; trọng tình, trọng nghĩa. Bên cạnh các đặc tính tích cực, người Nghệ An còn có một số đặc tính tiêu cực như sau, cứng nhắc, sĩ diện cao.

Cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ tưới Khang Thịnh, đại diện Tập đoàn Netafim (Israel) tại Việt Nam kiểm tra hệ thống tưới nhỏ giọt cho bà con xã Minh Hợp (Quỳ Hợp). Ảnh: P.V
Cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ tưới Khang Thịnh, đại diện Tập đoàn Netafim (Israel) tại Việt Nam kiểm tra hệ thống tưới nhỏ giọt cho bà con xã Minh Hợp (Quỳ Hợp). Ảnh: P.V

Tuy nhiên, qua thực tế, có một đặc điểm bị ẩn giấu nhưng rất quan trọng và xuyên suốt của đại bộ phận người Nghệ An nói chung và nông dân Nghệ An nói riêng, đó là, họ thường chỉ phát huy được các phẩm chất tích cực trong những điều kiện bất lợi hoặc có sức ép. Ví dụ, theo các học giả trong và ngoài nước, thì người Nghệ An thông minh tài giỏi nhưng chỉ phát huy được khi đi ra ngoài, ở tại địa phương rất khó phát huy. Chính vì ra bên ngoài, đối diện với môi trường xa lạ, lại bị đối xử phân biệt nên trí thông minh, sáng tạo của người xứ Nghệ lại được phát huy, các điểm yếu không có môi trường để trỗi dậy. Xét từ góc độ này, thúc đẩy tư duy doanh nghiệp, thay vì hỗ trợ như vẫn thường làm, chính là cách thức để tạo ra sức ép cũng như động lực cho nông dân Nghệ An để họ phát huy sở trường cốt lõi, ngõ hầu có thể tham gia thực sự vào chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Xuất phát từ các luận cứ nêu trên, chúng tôi cho rằng, thúc đẩy tư duy doanh nghiệp cho nông dân là giải pháp chiến lược để xây dựng nông thôn Nghệ An trù phú và văn minh. Giải pháp này có tính khả thi cao bởi nó đáp ứng được 2 yêu cầu căn bản: 1) Phân bổ nguồn lực khôn ngoan; (2) Xuất phát từ năng lực cốt lõi của người Nghệ An nói chung, nông dân của tỉnh nói riêng.

Vậy thúc đẩy tư duy doanh nghiệp cho nông dân Nghệ An như thế nào?

Sau sự phát hiện là phải tìm ra các giải pháp có tính khả thi và đem lại hiệu quả rõ ràng. Để tìm kiếm các biện pháp thực thi phù hợp với hoàn cảnh thực tế, một số cuộc khảo sát thực tế đã được tiến hành tại một số các địa phương - nơi người nông dân có tư duy doanh nghiệp khá rõ nét: các xã vùng bãi ngang của huyện Quỳnh Lưu; các xã Diễn Kỷ, Diễn Hồng, Diễn Tháp (Diễn Châu)… Đặc điểm chung của các xã này là kinh tế phát triển, thu nhập của người dân rất cao, từ lãnh đạo xã đến từng người dân đều có suy nghĩ và hành động kiểu doanh nghiệp. Qua các cuộc khảo sát nói trên, kết luận được rút ra là, các vùng nông thôn của tỉnh nên triển khai đề án nghiên cứu những đòn bẩy để thúc đẩy tư duy doanh nghiệp cho nông dân, sau đó tiến hành các dự án thí điểm để triển khai và nhân rộng. Nếu không sử dụng đòn bẩy mà vẫn tiếp cận phương pháp truyền thống thì khó có thể thành công và có thể sẽ hao tốn rất nhiều nguồn lực. Chẳng hạn, một số biện pháp đòn bẩy có thể mang lại tác dụng lâu dài như: 

Thứ nhất, thu hút các doanh nghiệp có thương hiệu, có tinh thần doanh nghiệp đích thực đầu tư vào hoạt động nông nghiệp. Chính các doanh nghiệp này sẽ là hạt nhân để tạo ra cơ hội cho nông dân tham gia vào chuỗi giá trị, từ đó họ sẽ có động lực để học hỏi và thích ứng với các yêu cầu của doanh nghiệp. Trường hợp Dalat Hasfarm là một điển hình cho biện pháp này. Hiện liên minh hoa cắt cành Dalat Hasfarm đã có 150 nông hộ và 40 nhà cung cấp địa phương tham gia. Mỗi năm liên minh này cung cấp cho công ty 22 triệu cành hoa các loại để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Thứ hai, dùng chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi cho những người nông dân có năng lực kinh doanh hoặc đã được đào tạo về kinh doanh. Theo biện pháp này, người nông dân sau khi được đào tạo về kinh doanh mới được hỗ trợ vốn vay cũng như các ưu đãi khác. Ở các nước phát triển, nông dân chỉ được vay vốn và hỗ trợ khi có chứng chỉ đào tạo nghề nông nghiệp.

Thứ ba, bổ nhiệm hoặc tuyển chọn lãnh đạo thôn, xã từ những người làm ăn hiệu quả, đối với những người đang giữ chức vụ thì tổ chức đào tạo chuyên sâu về tư duy doanh nghiệp và bồi dưỡng năng lực quản trị kinh doanh. Để xây dựng nông thôn mới trù phú và văn minh thì vai trò của người nông dân là quyết định, họ phải có tinh thần doanh nghiệp trong tư duy và hành động, nhưng để làm được điều này, trước hết các nhà hoạch định chính sách và tổ chức triển khai chính sách phải có được tinh thần doanh nghiệp, thể hiện qua nội dung chính sách, hành động thực tế.

Thứ tư, tạo không gian sinh hoạt tinh thần hướng vào sự thịnh vượng và giàu có của thôn, xã. Người Nghệ An xưa nay nổi tiếng trong bảo vệ Tổ quốc và là chỗ dựa cho các triều đại và chế độ, không chịu khuất phục trước bất kỳ kẻ thù nào trong lịch sử dựng nước và giữ nước là nhờ truyền thống không chịu nhục và chống cường quyền, được hun đúc thông qua không gian sinh hoạt tín ngưỡng dân gian rất phong phú và sáng tạo. Bài học kinh nghiệm này nên được chuyển sang vận dụng cho xây dựng nông thôn trù phú và văn minh của tỉnh.

Thứ năm, phá vỡ tính khép kín của nông thôn thông qua các dự án công nghệ thông tin. Thông tin đóng vai trò quan trọng trong giải phóng tư duy, đặc biệt đối với người nông dân, do đặc tính sinh hoạt làng xã và hạ tầng giao thông chưa thuận tiện như đô thị thì cung cấp thông tin qua mạng xã hội là con đường ngắn nhất để tạo dựng các năng lực kinh doanh.

Tóm lại, thúc đẩy tư duy và cách làm của doanh nghiệp cho nông dân cho phép tỉnh Nghệ An có thể làm cho nông dân phát huy được năng lực nội sinh, tự tạo ra thu nhập có tính ổn định, từ đó tạo ra tiền đề để xây dựng và đảm bảo đạt được hai giá trị cốt lõi là trù phú và văn minh, không bị phụ thuộc nhiều vào các nguồn lực bên ngoài. Giải pháp này nên được xem như là một đột phá chiến lược trong tái cấu trúc ngành Nông nghiệp cũng như xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An trong giai đoạn hiện nay. 

PGS.TS. Hoàng Văn Hải
(Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội)

TIN LIÊN QUAN