Thực hư mực biển làm bằng nhựa, đốt cháy như cao su

Thông tin về loại mực khô được làm giả từ cao su được trà trộn, bày bán trên thị trường khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang, lo lắng.

» 'Công nghệ chế' mực khô biển Quỳnh

 » Gần 700kg cánh, đùi gà, mực bốc mùi hôi thối 'suýt' vào quán nhậu

Theo đó, anh Nguyễn Hoàng Minh (Hà Đông, Hà Nội) bức xúc cho biết, tháng 5/2017 khi đi du lịch ở Thanh Hóa anh có mua khoảng 3kg mực khô với giá 200.000 đồng của một quán ven đường về làm quà biếu. Tuy nhiên, khi quan sát kỹ loại mực này có hình dáng khác lạ, thân mỏng, phần thịt trong đục như nhựa trong khi đó phần đuôi dễ dàng bóc tách do được dính bằng keo.

Khi anh này đem nướng, mực không có mùi thơm mà tanh, vị đắng và rất dai. Nghi ngờ mực làm giả, anh Minh đã đổ bỏ toàn bộ số mực trên. “Loại mực này thoạt nhìn không khác loại mực tự nhiên là bao nhưng quan sát kỹ thì thấy nhiều điểm khác lạ, đặc biệt hương vị không thơm ngọt như bình thường. Phần đầu, râu mực dán bằng keo, khi ngâm nước, chuyển màu nhợt nhạt và xé ra thì co giãn, đàn hồi như cao su.”, anh Minh nói.

thuc hu muc gia lam bang nhua, dot chay nhu cao su hinh anh 1
Trên nhiều diễn đàn thông tin về mực giả nghi làm từ cao su khiến nhiều người hoang mang, lo lắng.

Tương tự, chị Hải (Định Công, Hà Nội) cũng phản ánh, một lần đi chợ, chị chọn mua mực xé sẵn cũng thấy nhiều biểu hiện lạ. Mực có mùi thơm nhưng nhiều miếng dài bất thường, đặc biệt khi dùng tay kéo căng, các miếng mực này có sự đàn hồi giống dây chun cao su.

Quan sát kỹ, các miếng mực xé sẵn không có gân giữa các sống lưng như mực thông thường, khi đốt mực có mùi khét lẹt như nhựa. Bằng kinh nghiệm của mình, chị Hải cho rằng, đây là loại mực giả đã được trà trộn bán cho người tiêu dùng. “Tôi mua về nhưng không dám ăn mà đổ bỏ, từ trước đến giờ đây là lần đầu tiên tôi mua phải loại mực giả kém chất lượng như thế này”, chị Hải nói.

Trước đó, thông tin về loại mực khô nghi làm giả cũng gây xôn xao và hoang mang cho người tiêu dùng. Thậm chí, trên nhiều diễn đàn, nhiều người còn truyền tay nhau các bài viết chia sẻ kinh nghiệm về cách phân biệt mực khô giả và mực thật.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Dân trí, PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội) khẳng định, hiện nay chưa có một căn cứ khoa học nào khẳng định xuất hiện loại mực giả làm từ cao su được bày bán trên thị trường.

“Nếu chỉ căn cứ theo mô tả cảm quan như mực có hình dáng khác lạ, đốt cháy bốc mùi khét lẹt hoặc kéo giãn như cao su mà kết luận đây là mực giả thì chưa thuyết phục. Tôi khẳng định không có chuyện mực bị làm giả bởi lẽ công nghệ để sản xuất loại mực giống y như thật từ mùi vị đến hình dáng thì chi phí giá thành còn “đội” lên cao gấp nhiều lần mực loại mực tự nhiên. ”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.

thuc hu muc gia lam bang nhua, dot chay nhu cao su hinh anh 2

Con mực xà (trái) trắng nhìn bắt mắt sau khi lột lớp lụa bên ngoài màu đen (con bên phải). Ảnh: Doãn Công

Lý giải về hiện tượng đàn hồi, hình dáng khác lạ của mực, vị chuyên gia này cho biết, có thể loại mực này khi chế biến đã là loại kém chất lượng, nên người bán phải dùng hóa chất để xử lý và để được lâu. Chính vì thế, khi ăn mực không ngọt mà tanh, dai hơn bình thường còn loại mực nào khi đốt quá tay cũng đều có vị khét, nhất là khi thân mực đã xuất hiện các vết mốc xanh đỏ.

Ông Nguyễn Tử Cương (Nguyên cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản – Bộ NN&PTNN) cũng khẳng định không thể có chuyện mực khô nguyên con được làm giả bằng nhựa hoặc cao su như thông tin đồn thổi trong thời gian vừa qua.

Với kinh nghiệm lâu năm làm trong lĩnh vực thủy hải sản, ông Cương cho biết, một số loại mực nghi làm giả thực chất gọi là mực xà hay còn gọi là mực ma. Loại mực này khi phơi khô có màu đen, vị đắng, khó nhai và không thơm ngọt như mực thông thường nên mọi người thường nghi là mực giả. So với các loại mực khác, mực xà có giá thành khá rẻ, chỉ bằng 1/3 thậm chí 1/5 so với các loại mực khác.

Cũng chính vì thế trước đây ít người đánh bắt loại mực này mà chủ yếu dùng làm thức ăn chăn nuôi. Hiện nay, vì lợi nhuận một số cơ sở còn dùng thuốc tẩy phần râu mực xà và lột lớp da màu đen sậm bên ngoài cho giống loại mực ống khô.

“Tôi chưa gặp trường hợp mực làm giả từ cao su bao giờ. Nhiều người cũng mang các mẫu mực nghi làm giả đến gặp tôi tuy nhiên đây chỉ là loại mực kém chất lượng được bảo quản không tốt dẫn đến hình dáng, hương vị không thơm ngon như bình thường”, ông Cương nói.

Vị chuyên gia này cũng cho biết, mực khô tươi ngon là loại mực có màu hồng nhạt tự nhiên, sờ không dính tay và mùi thơm đặc trưng của mực. Đặc biệt trên thân mực không xuất hiện các vết mốc xanh và đỏ.

“Khi mua mực về có mấy lưu ý, nếu chúng ta cảm thấy mực chưa được khô thì nên đem phơi nắng. Sau đó, bọc mực trong giấy báo để trong túi bóng nilon và bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh. Tốt nhất mực khô sau khi mua về chỉ nên dùng trong thời gian khoảng 2 tháng để giữ được hương vị thơm ngon của mực”.

Ông Cương cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn những cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng để tránh mua phải hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Theo Dantri

TIN LIÊN QUAN

Tin mới