Thực phẩm an toàn - bước chuyển từ nhận thức đến hành động

(Baonghean) - Việc triển khai Nghị quyết 01 của BCH Hội nông dân tỉnh về "Tuyên truyền vận động nông dân tổ chức sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ thực phẩm an toàn" đã tạo chuyển biến lớn trong nhận thức và hành động của nông dân trong sản xuất, tiêu thụ thực phẩm.

Bứt phá từ khâu sản xuất...

Xã Hưng Đông là vựa rau truyền thống của thành phố Vinh, toàn xã có hơn 40 ha diện tích trồng rau. Với nhận thức, để có được sản phẩm rau an toàn phải bắt đầu từ khâu sản xuất, Hội Nông dân xã Hưng Đông đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền để Nghị quyết 01 thấm sâu vào cuộc sống, phát triển phong trào trồng rau sạch theo mô hình trồng rau nhà lưới ở địa phương. 

Các hình ảnh tại mô hình chế biến thủy sản sạch của ông Lê Minh Châu ở xóm Quyết Tiến, xã Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai).
Chế biến nước mắm tại cơ sở của ông Lê Minh Châu ở xóm Quyết Tiến, xã Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai).

Đơn cử, mô hình trồng rau sạch của gia đình chị Nguyễn Thị Xuân (xóm Mỹ Long, Hưng Đông) là một ví dụ. Gia đình chị Xuân có 2 sào đất vườn, gia đình đã đầu tư gần 20 triệu đồng làm nhà lưới bằng khung tre mét và lắp đặt máy bơm phục vụ nước tưới để trồng rau sạch.  

Chị Xuân cho biết: "Để có được sản phẩm rau sạch trước hết, chúng tôi những người tham gia khâu đầu tiên trong quy trình tiêu thụ phải đảm bảo được độ an toàn trong chu kỳ sinh trưởng của rau. Muốn vậy người nông dân trước hết phải tuân thủ “4 đúng” và “4 đủ” trong quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật".

Chế biến các loại hải sản.
Chế biến các loại hải sản.

Còn ở xã Diễn Trung (Diễn Châu), địa phương có Hiệp hội chăn nuôi gà  quy mô lớn theo quy trình VietGAP từ năm 2013. Hiện xã có 180 hộ chăn nuôi gà có quy mô từ 500 đến 15.000 con/lứa. Mỗi ngày cho khoảng 70.000 - 80.000 quả trứng. Nghị quyết  01 của BCH Hội Nông dân tỉnh ra đời đã đáp ứng nguyện vọng của người nông dân chăn nuôi gà sạch ở Diễn Trung. Bởi, mặc dù nông dân Diễn Trung chăn nuôi theo quy trình sạch, nhưng sản phẩm trên thị trường trôi nổi, khó quản lý, ảnh hưởng lớn đến đầu ra sản phẩm của bà con nơi đây. 

Đồng chí Võ Hoàng Thạch - Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Vinh cho biết: "Hội xác định, muốn vận động nhân dân sản xuất, kinh doanh an toàn phải có địa chỉ cụ thể, không theo kiểu vận động hình thức chung chung, tránh tình trạng "nóng" lên một thời gian đầu rồi lại vào đấy. Để làm được điều đó, Hội Nông dân thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng khảo sát những hội viên sản xuất, kinh doanh đầu mối để tăng cường công tác quản lý nhà nước về VSATTP”.

Vì vậy, khi được Hội Nông dân xã tuyên truyền, vận động thực hiện Nghị quyết 01 của BCH Hội Nông dân tỉnh, tất cả các hộ chăn nuôi gà ở xã Diễn Trung đều thống nhất, đồng tình cao và ký cam kết thực hiện đúng quy trình chăn nuôi sạch từ xây dựng vệ sinh chuồng trại, sử dụng con giống, thức ăn có nguồn gốc, sử dụng thuốc kháng sinh theo đúng quy trình... đồng thời các hộ tăng cường giám sát việc thực hiện quy chế. 

Sau khi các hộ chăn nuôi ký cam kết, định kỳ Hội Nông dân xã phối  hợp với Đảng ủy, chính quyền địa phương một tháng kiểm tra một lần từ việc vệ sinh chuồng trại, sổ ghi chép về nguồn gốc con giống, hàng ngày sử dụng thức ăn như thế nào... Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là sản phẩm thật - giả lẫn lộn trên thị trường. 

...Đến hoạt động bảo quản, tiêu thụ

Đồng chí Trần Văn Hường - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh cho biết: Vai trò của Hội nông dân các cấp là tuyên truyền, vận động hội viên không sản xuất, tiêu thụ thực phẩm bẩn, đồng thời ngăn chặn, phát hiện, báo cáo với cấp chính quyền khi phát hiện các cá nhân sản xuất, kinh doanh thực  phẩm bẩn. Tỉnh, hội quán triệt trong đội ngũ cán bộ tỉnh, huyện có trách nhiệm triển khai xuống tận các chi hội. Mặt khác, phối hợp với Sở Công Thương, Sở KH&CN hướng dẫn nông dân sản xuất, chăn nuôi theo mô hình VietGap, liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ thực phẩm sạch cho nông dân.

Triển khai Nghị quyết 01 về "Tuyên truyền vận động nông dân tổ chức sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ thực phẩm an toàn" vào cuộc sống, Hội Nông dân thành phố Vinh chọn phường Vinh Tân là địa bàn đầu mối về tiêu thụ thực phẩm làm điểm "khởi động" để vận động người dân sản xuất và tiêu thụ thực phẩm sạch. Cách làm của Hội nông dân thành phố là phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức hội nghị tuyên truyền với sự tham gia của các chuyên gia, những người làm khoa học thuộc các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, truyền đạt cho bà con về tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng các loại hóa chất, chất bảo quản thực phẩm, hoa quả, cách nhận biết các loại chất cấm, quy trình sản xuất sao cho an toàn. Thông qua đó để người dân nhất là các tiểu thương có nhận thức và hành động đúng đắn.

Là người buôn bán hoa quả đã nhiều năm, chị Nguyễn Thị Phương, khối Phúc Lộc (phường Vinh Tân) cho biết: Lâu nay người kinh doanh chúng tôi vẫn nặng về lợi nhuận, nên có lúc vẫn không tuân thủ các nguyên tắc an toàn trong bảo quản. Thế nhưng, khi được các cấp, ngành tuyên truyền, tôi rất đồng tình và  đã thực hiện ký cam kết, đồng thời vận động các hộ khác cùng thực  hiện”.

Xưởng chế biến
Bảo quản hải sản.

Thực tế cho thấy, đại đa số bà con nông dân hiện đang sản xuất, chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ nên nhận thức về sản xuất an toàn còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, tổ chức cho bà con nông dân tham quan những mô hình mẫu là cách mà các cấp hội nông dân trong tỉnh đang thực hiện. Từ cách làm hiệu quả, nên chỉ sau một thời gian ngắn triển khai đã có hàng nghìn hộ nông dân cam kết thực hiện, việc giám sát cộng đồng cũng được bà con tiến hành nghiêm túc và có chất lượng hơn. 

Phải khẳng định rằng, Nghị quyết 01 của BCH Hội Nông dân tỉnh ra đời đã đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Mặc dù mới bước đầu triển khai, nhưng nghị quyết có tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, để từng bước chuyển biến thành hành động tự giác của từng hội viên.

Đến nay, hàng nghìn hộ nông dân tại 21/21 huyện, thành, thị trong tỉnh đã ký cam kết thực hiện “3 không, 3 có” của Hội Nông dân, gồm:

+ 3 không: Không sử dụng chất cấm trong trồng trọt, không sử dụng chất cấm trong bảo quản và chế biến thực phẩm, không kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm bẩn; 

+ 3 có: Có ý thức tự giác chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, có hiểu biết về quy trình kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và chế biến thực phẩm an toàn, có trách nhiệm phát giác và ngăn ngừa thực phẩm không an toàn.

Bài, ảnh: Thanh Lê

TIN LIÊN QUAN

Tin mới