Thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản đứng đầu bảng về vi phạm pháp luật

Việc đưa thực tập sinh sang Nhật Bản đang gặp phải vướng mắc lớn nhất khi tỷ lệ bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp của lao động Việt Nam đang rất cao.
Việt Nam và Nhật Bản đã ký Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện, trong đó có nội dung triển khai các khóa đào tạo thực tập sinh điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc.

Đến nay, Việt Nam đã tổ chức 5 khóa đào tạo điều dưỡng viên, hộ lý sang Nhật Bản với số lượng xuất cảnh hơn 800 người. Các điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam được phía Nhật Bản đánh giá cao, vì số lượng thi lấy chứng chỉ quốc gia trong lĩnh vực điều dưỡng đều đạt trên 80% - 90%, cao hơn so với Philippines và Indonesia, thường chỉ đỗ khoảng 30% - 40%.

Thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản đứng đầu bảng về vi phạm pháp luật ảnh 1

Mặc dù kết quả tương đối khả quan, tuy nhiên xung quanh vấn đề hợp tác đưa thực tập sinh sang Nhật Bản cũng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp, vướng mắc lớn nhất trong việc đưa thực tập sinh sang Nhật Bản là tỷ lệ bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp khá cao, thậm chí cao nhất trong số các nước cử thực tập sinh sang Nhật Bản.

"Tỷ lệ thực tập sinh phạm tội, trong đó có ăn cắp cũng là cao nhất, cao hơn Trung Quốc, Hàn Quốc. Số lượng người đi theo chương trình này rất nhiều, nhưng tình trạng vi phạm pháp luật, cư trú bất hợp pháp cũng gia tăng. Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu phía Việt Nam rà soát, chấn chỉnh để đưa những thực tập sinh tốt nhất, không vi phạm luật pháp sang Nhật Bản", Thứ trưởng Diệp cho biết.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, trong số hơn 800 người sang Nhật Bản theo chương trình phái cử lao động ngành hộ lý điều dưỡng, có khoảng hơn 69 người xin thôi việc sau thời gian làm việc tại Nhật Bản và trở về nước.

Đánh giá về chương trình này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho hay, cả phía Việt Nam và Nhật Bản đều thừa nhận công việc thực tập sinh điều dưỡng không hấp dẫn. Công việc làm trong các trại dưỡng lão, các bệnh viện, công việc không hẳn là sạch sẽ, vì thế, nguy cơ các thực tập sinh hộ lý, điều dưỡng chấm dứt hợp đồng rất cao.

"Indonesia, Philippines cũng là những quốc gia đã được Nhật Bản cấp phép phái cử thực tập sinh ngành hộ lý. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có nước nào mặn mà, triển khai chương trình này. Điều đó cho thấy, không chỉ người lao động Việt Nam mà lao động các nước khác cũng thấy ngành này thiếu hấp dẫn", Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.

Lương của lao động Việt Nam phải cao hơn cả người bản xứ

Nhằm khắc phục tình trạng này, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết: Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB-XH đang yêu cầu Cục Quản lý Lao động ngoài nước đàm phán, trao đổi với phía Nhật Bản các vấn đề cụ thể, ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp Việt Nam, các nghiệp đoàn phía Nhật Bản muốn tiếp nhận các thực tập sinh điều dưỡng, hộ lý của Việt Nam hỗ trợ toàn bộ chi phí đào tạo, hỗ trợ giáo viên dạy tiếng Nhật...

Từ đó đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho thực tập sinh như tiền lương cho thực tập sinh điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam phải bằng hoặc cao hơn so với người bản xứ làm cùng công việc.

Hơn nữa, lĩnh vực này chỉ giới hạn trong khuôn khổ các trung tâm điều dưỡng, bệnh viện, viện dưỡng lão nên thực tập sinh ít có cơ hội tiếp xúc với những đối tượng khác để có thể trau dồi nâng cao khả năng ngôn ngữ.

Phía Nhật Bản quy định trước khi xuất cảnh sang Nhật, thực tập sinh phải có trình độ tiếng Nhật N4, trong một năm phải có trình độ N3, như vậy nguy cơ bị trả về là rất lớn, chính vì vậy chương trình thực tập sinh điều dưỡng viên, hộ lý không thể triển khai ở mức độ lớn. Đây cũng là vấn đề cần được tháo gỡ trong thời gian tới./.

 

Tin mới