Thuế chưa về 0%, ôtô Thái Lan đã ồ ạt vào Việt Nam

Thái Lan đang là quán quân xuất khẩu ôtô vào Việt Nam dù đến năm 2018, thuế nhập khẩu xe ASEAN mới chính thức về 0%.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng xe nhập khẩu sau 4 tháng đầu năm đạt khoảng 29.000 chiếc, tương đương giá trị khoảng 733 triệu USD. So với cùng kỳ, lượng xe nhập khẩu giảm 16,7% về lượng và 16,4% về giá trị. Tuy vậy, riêng xe nhập khẩu từ thị trường Thái Lan lại có dấu hiệu tăng mạnh, bất chấp đà suy giảm chung của thị trường cũng như các đối tác nhập khẩu lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc.

Cụ thể như trong tháng 4, Việt Nam đã nhập 2.355 xe nguyên chiếc Thái Lan, đưa tổng số từ đầu năm lên 10.155 chiếc, tương đương gần 183 triệu USD và tăng gần gấp rưỡi cùng kỳ. Doanh nghiệp trong nước cũng chi 191 triệu USD nhập các loại linh kiện, phụ tùng ôtô từ thị trường này. Với kim ngạch này, Thái Lan đã trở thành nhà xuất khẩu xe số một vào Việt Nam, sau khi chỉ xếp thứ 4 khi kết thúc năm 2015 (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ).

thue-chua-ve-0-oto-thai-lan-da-o-at-vao-viet-nam

Xe nguyên chiếc nhập khẩu từ Thái Lan tăng mạnh trong khi Hàn Quốc, Trung Quốc có xu hướng giảm.

Một nhà nhập khẩu xe ôtô nguyên chiếc cho biết, Thái Lan đang có lợi thế lớn trong các dòng xe bán tải. "Hiện nay các dòng xe bán tải của Thái Lan được nhập ồ ạt vào Việt Nam và đang chiếm ưu thế do thuế nhập khẩu chỉ 5%. Các loại thuế phí khác cũng rất thấp như thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ 15% trong khi các dòng khác sắp tới áp mức 40-130%, phí trước bạ là 2% trong khi mức chung là 10-12%. Tuy nhiên, với đặc thù về hình dáng, dòng xe này khá kén khách hàng", vị này cho biết.

Theo đó, các mẫu xe bán tải bán chạy nhất của Thái là Ford Ranger, Toyota Hilux, Mazda BT-50, Isuzu D-Max, Nissan NP300 Navara, Mitsubishi Triton, Chevrolet Colorado…

thue-chua-ve-0-oto-thai-lan-da-o-at-vao-viet-nam-1

Dòng xe bán tải Ford Ranger bán chạy tại Việt Nam.

Theo lộ trình thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA), thuế nhập khẩu ôtô từ khu vực ASEAN đã giảm từ 50% về 40%, năm 2017 giảm về 30% và đến năm 2018 về 0%.

Các Hiệp định khác như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do với EU, Hàn Quốc… đều cam kết xoá bỏ thuế quan đối với ôtô, nhưng trong lộ trình hơn 10-15 năm. Các quốc gia có ngành công nghiệp ôtô phát triển như Thái Lan, Indonesia đang trực tiếp được hưởng lợi nhờ thuế nhập khẩu bắt đầu giảm.

Theo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt mới, các dòng xe có dung tích dưới 1,5 lít từ 1/7 sẽ giảm từ 45% xuống 40% và xuống 35% trong năm 2017. Dòng xe có dung tích từ 1,5 đến 2 lít giảm về 40%. Cùng với thuế nhập khẩu được xoá bỏ, thuế tiêu thụ đặc biệt giảm đã tạo ra lợi thế lớn cho các nhà xuất khẩu xe của Thái Lan. Dự báo, năm 2018, Việt Nam được nhận định sẽ trở thành thị trường lớn của các dòng ôtô giá rẻ từ Thái Lan với giá trung bình giảm tối đa 40%.

Tính đến cuối năm 2015, Việt Nam có khoảng hơn 2,5 triệu xe, tỷ lệ sở hữu vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, cả nước sẽ có khoảng 3,2-3,5 triệu xe. Do đó, Việt Nam được xem là thị trường hấp dẫn cho các đại gia ngoại.

Theo Vnexpress

TIN LIÊN QUAN

Tin mới