Thước đo tín nhiệm

Thỉnh thoảng vẫn có người nhầm lẫn giữa chức vụ và quyền lực. Tất nhiên đây là hai khái niệm không cùng nội hàm. Chức vụ là thứ bậc được xác lập trong một bộ máy, còn quyền lực lại là khả năng điều khiển cũng như mức độ ảnh hưởng của một ai đó đối với những người khác. Nếu người có chức vụ mà lại cộng thêm cả quyền lực thì sự tuyệt vời gần như là chạm ngưỡng tuyệt đối. Còn người có chức vụ mà lại không có quyền lực thì sự hiện diện của họ không mang đến sự đàm tiếu cho cộng đồng thì cũng chỉ là trang trí cho xã hội.

Có những người không hề giữ chức vụ nhưng lại đầy quyền lực (người ta hay gọi đó là quyền lực mềm). Ngược lại cũng có những vị “sao gạch” đầy mình nhưng lại nói chả ai nghe. Tức là quyền lực mang giá trị bằng 0. Cái gì đã tạo nên sự khác biệt ấy? Đó chính là sự tín nhiệm! Khi có tín nhiệm cao, tức là khi đã trọn đủ lòng tin của cộng đồng thì mọi lời nói đều mang theo giá trị điều khiển hay diễn đạt, nói cách khác là mọi đề nghị của họ chứa nhất định một hàm lượng mệnh lệnh trong đó. Người có tín nhiệm cao tất nhiên là người được cộng đồng chấp thuận một cách toàn vẹn và tự giác nhất. Suy cho cùng thì chính sự tín nhiệm tạo nên quyền lực. Trong trường hợp một cá nhân hội tụ cả 3 thành tố cả chức vụ, quyền lực và sự tín nhiệm thì đó chính là hồng phúc muôn năm của cộng đồng.

Khổng Tử nói: “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã”, người không chữ tín thì không thể làm được việc gì. Quả thực trong cuộc sống sự tín nhiệm không chỉ quét qua mà ở mức độ và cách thức khác nhau nó hiện diện trong mọi mối quan hệ giữa con người với con người. Tín nhiệm là thước đo danh dự nhưng không chỉ là danh dự. Tín nhiệm được xác lập thông qua hành động nhưng không chỉ là hành động. Vượt lên trên hết tín nhiệm là sự hội tụ của cả danh dự, sự tin cậy, lòng trung thành, tính chung thủy, là khí chất và cả phẩm giá của con người. Trong Nho giáo thì “tín” hiện diện trong ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Danh ngôn có câu “Mất tiền bạc là mất ít, mất danh dự là mất nhiều, mất lòng tin là mất tất cả”. Tín nhiệm tối thiểu cũng phải tương thích với phạm vi quyền lực bởi nó là sự cộng hưởng tốt nhất. Tín nhiệm càng cao thì khả năng thực thi quyền lực càng hiệu quả. Người có tín nhiệm không nhất thiết phải có chức vụ, nhưng người có chức vụ thì nên phải có tín nhiệm.

Tranh cổ động bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.
Tranh cổ động bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

Từ nay đến ngày 23 tháng 5 năm 2021 (Ngày bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp) chỉ còn hơn một tháng nữa thôi. Những ứng cử viên đáng kính của chúng ta cũng bắt đầu vào giai đoạn “nước rút” để “về đích” trong lòng quần chúng. Trong một bài báo cách đây chưa lâu, tôi cũng đã từng viết rằng, chúng ta còn một công cụ “nội soi” vô cùng chuẩn xác là tai mắt của Nhân dân. Ai giàu chính đáng, ai nghèo thanh bạch, ai tốt ai xấu, ai ác hai hiền, ai giả ai thật… làm sao qua được Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân chúng rất khôn khéo”. Thiết nghĩ uy tín cá nhân xứng đáng là một trong những chỉ số tin cậy nhất cho những ai thiết tha và thực lòng với nó. Tuy nhiên, uy tín cá nhân không chỉ là bộ lọc đặc chủng dành riêng cho chốn quan trường. Nó chính là thước đo khoảng trống mà chúng ta để lại khi từ giã thế giới yêu thương và xinh đẹp này. Một vị công bộc, một bậc tu hành, một cô lao công hay cầu thủ bóng đá, tôi và cả bạn, tất cả chúng ta sẽ hoàn toàn vô nghĩa nếu giá trị uy tín bị quần chúng chấm cho điểm 0. Tín nhiệm không tự nhiên mà có, nó là kết tinh tài đức, là sự tích lũy lòng tin vững bền thông qua lăng kính khắt khe và tinh tường của quần chúng.  Trên đời này có bao nhiêu trái tim đang thổn thức thì có bấy nhiêu cách sống đang tồn tại. Mỗi thân phận dù khác nhau đến mấy thì rồi cũng gặp nhau ở một mẫu số chung cuối cùng, đó là sự ghi nhận của xã hội đối với họ. Sống không đơn giản là đặt sinh mệnh của mình vào cái ngổn ngang của cuộc đời rồi bỏ mặc nó. Nếu mỗi con người xứng đáng là một tấm gương thì người nắm giữ chức vụ muốn có thực quyền nhất thiết họ phải là tấm gương lớn hơn, trong sáng hơn…

Bạn có thể là cử tri, hơn thế bạn có thể là ứng cử viên, thậm chí kể cả bạn chưa “đủ tuổi” để trở thành một trong hai ngôi vị vinh dự và quan trọng ấy. Nhưng dù bạn là ai, bạn đang đứng ở đâu trên cái “bản đồ tín nhiệm” này thì bạn vẫn hoàn toàn có quyền thừa hưởng thành quả của một sự lựa chọn sáng suốt từ những lá phiếu mà chỉ hơn 1 tháng nữa thôi nó sẽ thực thi sứ mệnh làm thước đo. Hôm nay, nếu bạn ra đường thì chắc không quá khó để tìm một câu khẩu hiệu với những nội dung như: “Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân” hoặc có thể: “Sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân…”.

Có lẽ đã rõ ràng, nó là quyền, là nghĩa vụ, là giá trị thiêng liêng mà phải mất bao năm tháng, bao nhiêu mồ hôi công sức thậm chí là cả máu chúng ta mới dành được. Chính quyền của Nhân dân, Nhân dân có bổn phận thực thi quyền làm chủ thông qua lá phiếu đầy trách nhiệm của chính mình. Mỗi lá phiếu là cả một sự chưng cất kỹ càng của cả quá trình dài theo dõi, quan sát và nhìn nhận. Mỗi lá phiếu là sự gửi gắm tận cùng niềm tin và hy vọng. Mỗi lá phiếu là một sự ủy thác trọn vẹn và thiêng liêng cho người đủ đức đủ tài.

Trách nhiệm chia đều cho cả hai phía. Những ứng cử viên có bổn phận gánh vác trọng trách trước quần chúng Nhân dân, còn cử tri có bổn phận “sáng suốt lựa chọn”. Kết quả cuối cùng của bầu cử cũng chỉ là chứng chỉ đầu tiên của hành trình. Ai trúng, ai chưa, ai cao, ai thấp là một trong những thước đo nhất thời của sự tín nhiệm. Nó tất nhiên không mang tính vĩnh cửu. Người trúng số phiếu cao không nên tự mãn, ai chưa trúng cử xin đừng thất vọng tự ti. Hành trình của sự tín nhiệm là một chặng đường dài, rất dài, nó tất nhiên không là ngắn hạn, cũng không là “trung hạn” và đặc biệt nó không thể là nhất thời. Mỗi loại thước đo có một cách thể hiện khác nhau. Riêng thước đo tín nhiệm thì không đơn giản chỉ là những con số!