Thuộc quyền lợi của bà con, thì phải trả lại cho bà con

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Cách đây chưa lâu, tại buổi thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh vào kỳ họp giữa năm, một vị lãnh đạo huyện miền núi tỏ bày sự trăn trở khi nói về sinh kế, đời sống của người dân cư trú vùng rừng núi.

Vị này cho biết, đối với vấn đề phục hồi, tái tạo rừng, lâu nay các địa phương có đất rừng, đất lâm nghiệp đang thực hiện theo Thông tư số 29/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thông tư này cùng với các quy định khác liên quan đến công tác phục hồi rừng đang được các địa phương thực hiện “quá tốt”.

Theo vị lãnh đạo, những khu vực tái sinh trên đất lâm nghiệp thì gọi là rừng, và có lúc có nơi người dân vì thiếu hiểu biết đã làm nương, làm rẫy trên đất rừng, đất lâm nghiệp. Nhà nước ngăn cấm việc này là đúng rồi. Nhưng có nhiều trường hợp cơ quan chức năng cũng cấm luôn cả người dân phát nương, làm rẫy trên đất nông nghiệp của chính bà con.

Rừng lim xanh ở bản Hội 1, xã Châu Hội được đưa vào bảo tồn và phát triển cây gỗ bản địa. Ảnh tư liệu: Vân Nhi

Rừng lim xanh ở bản Hội 1, xã Châu Hội được đưa vào bảo tồn và phát triển cây gỗ bản địa. Ảnh tư liệu: Vân Nhi

Vị lãnh đạo huyện khẳng định, cơ quan chức năng vẫn còn lẫn lộn ở điểm này. Và ông tỏ ra canh cánh khi nêu thực tế: Đất dành cho sản xuất nông nghiệp của bà con miền núi vốn đã ít, nay càng bị thu hẹp hơn. Trong khi diện tích đất lâm nghiệp, đất rừng ngày càng tăng. Điều này cho thấy các cơ quan chức năng nhà nước quản lý rừng rất tốt. Độ che phủ rừng ở Nghệ An không ngừng tăng, có huyện tỷ lệ che phủ rừng lên đến 85%. Các vụ vi phạm lâm luật cũng rất hiếm xảy ra. Đây là điều mừng. Nhưng điều lo cũng xuất phát từ đó. Nghĩa là người dân cư trú, sinh sống khu vực rừng núi ngày càng bị hạn chế trong việc tìm sinh kế. Công tác quản lý rừng “quá tốt” cũng khiến cho cơ hội khai thác lâm sản phụ của người dân không còn.

Một thực tế khác cũng được vị lãnh đạo huyện miền núi nêu: Người dân làm nương rẫy trên đất lâm nghiệp thì bị cấm, bị phạt. Vậy, cơ quan nhà nước khoanh nuôi bảo vệ rừng, tái tạo rừng trên đất nông nghiệp của bà con thì giải quyết như thế nào. Có trả tiền khoanh nuôi cho dân không? Có đổi quỹ đất khác để dân sản xuất không? – vị lãnh đạo huyện nêu. Mâu thuẫn là ở chỗ người dân mất đất sản xuất nhưng tiền khoanh nuôi bảo vệ rừng trên chính diện tích đất đó lại không được nhận. Trong khi đó, việc rừng được tái tạo, phục hồi nhanh là nhờ vào vai trò của người dân.

Người dân xã Tiến Thành, huyện Yên Thành khai thác keo. Ảnh tư liệu: Văn Trường.
Người dân xã Tiến Thành, huyện Yên Thành khai thác keo. Ảnh tư liệu: Văn Trường.

Những trăn trở nêu trên vẫn chưa có câu trả lời xác đáng, và cũng qua câu chuyện này cho thấy, đã đến lúc các cơ quan quản lý, bảo vệ rừng, các đơn vị chủ rừng cần khảo sát, đánh giá lại công tác quy hoạch. Cái gì thuộc về quyền lợi chính đáng của người dân thì phải trả lại cho bà con.