Thượng đỉnh Trump - Kim đưa Việt Nam trở thành tâm điểm địa chính trị

Truyền thông quốc tế nhận định Việt Nam, quốc gia có quan hệ hữu nghị với tất cả các bên, sẽ trở thành tâm điểm chú ý khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai vào cuối tháng này.

Trong thông điệp liên bang công bố hôm 5/2, Tổng thống Donald Trump cho biết, Việt Nam sẽ là nơi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai. Một tuần sau đó, ông chủ Nhà Trắng tiếp tục thông báo trên Twitter rằng, cuộc gặp giữa ông và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 27-28/2.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters
Trong bài viết với tiêu đề "Hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim lần hai đưa Việt Nam trở thành tâm điểm địa chính trị", nhà báo Ben Gittleson của hãng tin ABC News nhận định mọi sự chú ý đã tập trung vào Việt Nam - quốc gia Đông Nam Á có quan hệ hữu nghị với tất cả các bên liên quan tới cuộc gặp cấp cao Mỹ - Triều.

Quan hệ nồng ấm giữa Việt Nam với các nước

Mỹ và Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ từ năm 1995, nhiều thập kỷ sau khi chiến tranh kết thúc. Hơn 1/4 thế kỷ tiếp theo, quan hệ kinh tế và thương mại Mỹ - Việt đã tăng trưởng ngày càng mạnh mẽ hơn. Theo số liệu từ Bộ Ngoại giao Mỹ, từ năm 1995-2016, thương mại song phương tăng từ 451 triệu USD lên gần 52 tỷ USD.

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thăm Việt Nam vào năm 2016. Sau đó, Tổng thống Donald Trump cũng tới Việt Nam dự hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào năm 2017. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tới thăm Nhà Trắng trong năm 2017.

Hàn Quốc và Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ từ năm 1992. Tương tự với Mỹ, Hàn Quốc và Việt Nam cũng xây dựng mối quan hệ chặt chẽ dựa trên kim ngạch thương mại lớn. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc năm 2017.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AP
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AP
Trong khi đó, Triều Tiên và Việt Nam duy trì quan hệ song phương lâu đời hơn, từ năm 1950. Hai nước cũng có những điểm tương đồng về hệ thống chính trị và từng vận hành nền kinh tế tập trung. Tuy nhiên, Việt Nam đã nhanh chóng mở cửa thị trường và phát triển kinh tế trong nhiều năm qua.

Lợi thế của Việt Nam

Theo nhà báo Ben Gittleson, việc được chọn làm địa điểm tổ chức một sự kiện ngoại giao tầm cỡ như hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đã trao cho Việt Nam cơ hội thể hiện các thành tựu kinh tế cũng như tầm quan trọng về địa chính trị của mình.

Ngoài mối quan hệ với Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ, Việt Nam cũng tự hào về quan hệ đối tác với Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác. Việt Nam cũng từng đăng cai nhiều sự kiện cấp cao quốc tế trước đây, bao gồm Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Hà Nội hồi tháng 9/2018 và hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng vào năm 2017 - sự kiện có sự tham gia của nhiều lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Donald Trump.

"Ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là đảm bảo rằng công tác hậu cần và an ninh của hội nghị thượng đỉnh (Mỹ-Triều) lần hai diễn ra suôn sẻ", Carlyle Thayer, chuyên gia về chính trị Đông Nam Á, nói với ABC News.

Theo chuyên gia Thayer, với tư cách là nước chủ nhà, Việt Nam "sẽ nỗ lực rất lớn" để đảm bảo cho sự thành công của cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ -Triều. Hồi tháng trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg rằng, nếu được chọn là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim, Việt Nam sẽ "làm tốt nhất có thể" cho sự kiện này.

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters
Theo nhà báo Ben Gittleson, Việt Nam thường được ca ngợi là hình mẫu phát triển kinh tế thành công mà Triều Tiên có thể học hỏi. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng từng đề cập tới câu chuyện này trong chuyến thăm tới Hà Nội hồi tháng 6 năm ngoái. Ông Pompeo cũng nhấn mạnh tới mối quan hệ ngày càng tiến triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ khi hai nước từ cựu thù trở thành đối tác.

Lý do chọn Hà Nội

Trên VTCNews lược dịch từ bài viết của ông Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales, Canberra cho biết: Trước hết, cả 2 bên đều muốn chọn nơi tổ chức sự kiện đặc biệt quan trọng này tại thủ đô của nước giữ chức Chủ tịch ASEAN. Đó là lý do Singapore được chọn mặt gửi vàng hồi tháng 6/2018. Thái Lan, hiện đảm nhận vị trí chủ tịch ASEAN 2019 cũng từng được cân nhắc như một trong những ứng viên tiềm năng hàng đầu.

Nhưng việc Bangkok đang chuẩn bị bước vào cuộc tổng tuyển cử đầu tiên kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014 cùng tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm hoạt động chính trị giữa tháng 12/2018 cũng như sự kiện Thái tử Maha Vajiralongkorn kế vị ngai vàng của cha là vị quốc vương quá cố Bhumibol Adulyadej khiến các chuyên gia an ninh lo ngại về các nguy cơ bất ổn chính trị tại xứ sở chùa vàng. Thêm vào đó, vấn đề ô nhiễm không khí trầm trọng ở Thái Lan và các cuộc biểu tình trên đường phố cũng gây ra những mối quan ngại không nhỏ.

Thái Lan vì vậy mà bị loại bỏ khỏi danh sách. Từ đó, Việt Nam với tư cách quốc gia tiếp quản chiếc ghế Chủ tịch ASEAN năm 2020 trở thành cái tên được chọn.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hy vọng vào thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 ở Việt Nam. Ảnh: AP
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hy vọng vào thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 ở Việt Nam. Ảnh: AP

Theo ông Thayer, trên thực tế Mỹ và Triều Tiên không quá quan trọng việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần 2 ở Hà Nội hay Đà Nẵng mà chỉ cần nó diễn ra ở Việt Nam, quốc gia được các bên liên quan như Trung Quốc và Hàn Quốc nhìn nhận là một nước trung lập.

Họ cũng tin tưởng rằng Việt Nam có khả năng đảm bảo an ninh, cung cấp địa điểm ăn ở, đi lại lý tưởng cho cả 2 phái đoàn, những điều từng được chứng minh trong sự kiện quốc tế mà Việt Nam đăng cai tổ chức trong quá khứ.

Một điểm cộng nữa của Hà Nội là nơi đặt đại sứ quán Triều Tiên. Ông Kim được cho là muốn ở lại nơi đặt sứ quán của nước mình cũng như không muốn di chuyển tới thành phố thứ 2 để gặp Tổng thống Trump sau khi kết thúc chuyến thăm chính thức Hà Nội. Khoảng cách từ sân bay ở Bình Nhưỡng tới Hà Nội cũng nằm trong tầm bay chuyên cơ Ilyushin-62M của ông. Ngoài ra, Triều Tiên cũng tin tưởng rằng, nhà lãnh đạo của họ được đảm bảo an ninh tối đa ở Hà Nội hay bất cứ địa điểm nào ở Việt Nam.

Việt Nam từ lâu đã duy trì mối quan hệ bang giao, hữu hảo với Triều Tiên. Việt Nam từng ủng hộ Triều Tiên trở thành thành viên tại Diễn đàn Khu vực ASEAN. Triều Tiên nhiều năm qua đã liên tục gửi sinh viên và các phái đoàn tới Việt Nam để nghiên cứu mô hình đổi mới và mở cửa.

Uy tín của Việt Nam được nâng tầm

 Ông Thayer cho rằng cũng giống như Singapore, khi Hà Nội đón tiếp 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên, thủ đô của Việt Nam sẽ trở thành tâm điểm của thế giới từ giờ cho tới sau khi hội nghị kết thúc. Việt Nam sẽ liên tục được nhắc đến là nơi diễn ra cuộc họp thảo luận về một trong những vấn đề an ninh quan trọng hàng đầu thế giới hiện nay là không phổ biến hạt nhân và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Bên cạnh đó, uy tín trên trường quốc tế của Việt Nam sau sự kiện được cả thế giới mong đợi này chắc chắn sẽ được nâng cao. Việt Nam cũng sẽ được nhìn nhận là có đóng góp không nhỏ trong các vấn đề khu vực và an ninh toàn cầu. Quan trọng hơn, Việt Nam chứng minh được rằng việc các nước thuộc Nhóm Châu Á-Thái Bình Dương nhất trí thông qua đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của nhóm vào vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ dành cho Nhóm nhiệm kỳ 2020-2021 là hoàn toàn đúng đắn.

Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 sẽ tái khẳng định sự đúng đắn của mình trong chính sách ngoại giao đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế và cho thấy Việt Nam là một người bạn đáng tin cậy với tất cả.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và nhiều nhà bình luận từng đề cập tới quá trình đổi mới ở Việt Nam, đồng thời khuyến khích Triều Tiên học tập theo mô hình kinh tế của Việt Nam. Điều này càng khiến các bên liên quan tin rằng Việt Nam đứng ở một vị thế trung lập trong cuộc đối thoại Mỹ-Triều.

Tin mới