Thương gia Trung Quốc hưởng lợi từ sàn thương mại điện tử

Nhiều nhà sản xuất Trung Quốc thông qua các sàn giao dịch như Amazon hay eBay tiếp cận trực tiếp khách hàng ở nhiều nước một cách hiệu quả.

Công ty TNHH Phụ tùng kim loại HLC là một ví dụ điển hình. Thành lập năm 2004, nhà máy sản xuất HLC nằm trong khu công nghiệp nặng Đông Quan, thuộc tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc. Bước đầu hoạt động kinh doanh của công ty chủ yếu dựa vào đơn đặt hàng từ các nhà bán buôn và bán lẻ nước ngoài. Tuy nhiên, đến năm 2013 tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức 50% sụt giảm xuống chỉ còn 12%.

Ông Feng Zhaohui - Chủ tịch HLC nhận thấy công ty sẽ không thể phát triển nếu cứ tiếp tục thụ động trông chờ vào đơn hàng từ các công ty ngoại quốc. Ý tưởng bán trực tiếp cho người tiêu dùng ở nước ngoài xuất hiện khi Feng Zhaohui làm việc với Yang Meng - Giám đốc Điều hành Anker, công ty lớn chuyên bán hàng điện tử trên các trang web thương mại điện tử toàn cầu của Amazon. Ông Yang đã tư vấn về xu thế kinh doanh trực tuyến, khuyến khích Feng gia nhập các sàn giao dịch online để bán sản phẩm trực tiếp cho người mua sắm khắp thế giới.

thuong-gia-trung-quoc-tan-dung-san-thuong-mai-dien-tu

Sau quá trình nghiên cứu và phân tích thị trường, HLC bắt đầu bán trực tiếp cho người tiêu dùng thông qua các website trong năm 2014. Tuy nhiên kết quả ban đầu rất thất vọng.

"Lúc đầu thấy nhiều thương gia bán phụ kiện điện thoại di động như vỏ ốp iPhone rất chạy, tôi cũng bắt chước mua những sản phẩm tương tự với số lượng lớn lên đến vài container. Nhưng hàng liên tục nằm tồn kho và doanh số ở mức rất thấp", ông Feng Zhaohui nhớ lại.

Từ thất bại này, Chủ tịch HLC rút ra bài học không thể nóng vội và đi theo lối mòn của người khác sẽ chẳng thành công. Điều cần thiết để tránh áp lực cạnh tranh trong một thị trường rộng lớn là tìm những phân khúc ngách phù hợp với năng lực doanh nghiệp để khai phá. Từ đó ông quyết định chỉ bán những sản phẩm độc đáo do công ty chế tạo mang dấu ấn thương hiệu riêng biệt.

Với lợi thế sở hữu nhà máy sản xuất, công ty chủ động phát triển các sản phẩm sáng tạo và giới thiệu trực tiếp đến khách hàng qua mạng Internet mà không cần qua trung gian, cắt giảm được chi phí. Hiện các đơn hàng từ Amazon và eBay chiếm đến 40% doanh thu của công ty và HLC thành lập riêng bộ phận kinh doanh thương mại điện tử do 30 chuyên viên đảm trách.

Feng Zhaohui từ chối công bố doanh thu trực tuyến của công ty. Tuy nhiên ông cũng hé lộ trong năm 2015, một số quản lý các gian hàng HLC trên sàn giao dịch thương mại điện tử toàn cầu đã hưởng hoa hồng 1,3 triệu nhân dân tệ (khoảng 200.000 USD). Để hoàn tất đơn đặt hàng một cách nhanh chóng, HLC phát triển hệ thống kho hàng ở 31 tiểu bang tại Mỹ và lên kế hoạch mở nhà máy ở nước ngoài đầu tiên của mình trong năm nay.

Vị chủ tịch chia sẻ chìa khóa thành công là phải nghiên cứu những phản hồi, đánh giá trực tuyến của khách hàng, từ đó tìm ra những nhu cầu mà các nhà bán lẻ khác không đáp ứng được. Đó là lý do mà ông thường xuyên đọc những nhận xét trên Amazon, nhất là những phản ánh mang tính tiêu cực để thấu hiểu tâm lý người dùng.

"Ví dụ, gần đây tôi thấy sản phẩm bán chạy nhất là một loại tấm bạt lò xo đạt mức tiêu thụ đến 20.000 chiếc chỉ trong một ngày. Tuy nhiên khi một khách hàng đăng tải yêu cầu mua bạt lò xo di động để họ dễ dàng mang theo sử dụng khắp nơi thì không có hàng. Lập tức tôi yêu cầu các kỹ sư nghiên cứu và từ khi bán sản phẩm này ra tỷ suất lợi nhuận lên đến 300%", ông chia sẻ.

Theo thông tin từ tờ Internet Retailler, trong năm 2015 doanh số của các thương gia Trung Quốc trên những trang bán hàng Amazon toàn cầu tăng trưởng gấp đôi và khoảng 30% người bán hàng dệt may trên Amazon đến từ quốc gia đông dân nhất thế giới.

Hiện doanh nghiệp Trung Quốc có thể bán trên trang web Amazon vào thị trường nội địa và 9 quốc gia khác gồm Mỹ, Canada, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Italy, Đức, Nhật Bản và Mexico. Amazon cũng cung cấp một phiên bản tiếng Trung dành riêng cho người bán hàng Trung Quốc.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Tin mới