Thượng tướng Tô Lâm: Củng cố chứng cứ xử lý đối tượng bôi nhọ trên mạng

Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh việc tiếp tục thu thập, củng cố chứng cứ với các đối tượng hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước, bôi nhọ, xuyên tạc...

Sáng nay (1/11), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tiếp tục trả lời chất vấn về những giải pháp xử lý, ngăn chặn thông tin có nội dung bôi nhọ, xúc phạm cá nhân trên mạng internet.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn tại Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn tại Quốc hội.
Thượng tướng Tô Lâm cho biết, Bộ đã phối hợp với Bộ TT&TT cùng các cơ quan chức năng xử một số vụ việc và một số đối tượng nhưng cũng thừa nhận “công nghệ hiện nay chưa ngăn chặn được, còn một số khó khăn”.

Việc xử lý tính nặc danh của thông tin trên mạng, thậm chí vi phạm không chỉ ở trong nước mà còn có tính xuyên quốc gia, quốc tế nên đây là khó khăn.

Một số quy định về xử lý những vấn đề này cũng chưa được hoàn thiện, ví dụ vấn đề giám định, mỗi khi muốn xử lý những thông tin vu khống, xuyên tạc cũng phải có giám định của cơ quan chức năng hay chứng cứ phạm tội, chứng cứ số. Vấn đề này đang được hoàn thiện để xử lý.

Đề cập giải pháp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong đấu tranh xử lý những hành vi tuyên truyền, xúc phạm danh dự người khác, làm nhục, vu khống trên không gian mạng.

“Chúng tôi phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng các quy định của pháp luật, trong đó quy định các biện pháp xử lý hành vi phạm pháp trên không gian mạng” – ông Tô Lâm cho biết.

Việc phối hợp với các Bộ, ban ngành tuyên truyền, phản bác các hoạt động chống đối, bôi nhọ, xuyên tạc trên không gian mạng cũng sẽ được tăng cường.

Về công tác quản lý Nhà nước, an ninh thông tin, Bộ Công an phối hợp với Bộ TT&TT yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông internet ngăn chặn truy cập từ trong nước với khoảng gần 3.000 trang mạng có nội dung xấu; thanh tra, xử lý các vi phạm pháp luật trên không gian mạng, cung cấp thông tin xuyên tạc sai sự thật; yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài phối hợp thực hiện các yêu cầu hợp tác xử lý thông tin vi phạm pháp luật của Việt Nam.

Cùng với đó, lực lượng công an tiếp tục thu thập, củng cố chứng cứ với các đối tượng hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước, bôi nhọ, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự trên không gian mạng.

Xử lý nghiêm việc làm giả bệnh án tâm thần

Liên quan đến vấn đề làm giả bệnh án tâm thần, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết vừa qua công an có phát hiện ra 2 nhân viên phối hợp với đối tượng làm bệnh án giả tâm thần và vụ án đang được điều tra. Ngay sau đó, Bộ triệu tập đại diện hệ thống bệnh viện và trung tâm giám định pháp y tâm thần để chấn chỉnh.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhấn mạnh, quy trình chẩn đoán, phát hiện, làm bệnh án, ra viện, vào viện được ban hành, rà soát hàng năm chặt chẽ.

Giám định pháp y tâm thần chỉ diễn ra khi cơ quan điều tra, tòa án có xử lý và đối tượng muốn được chứng minh bị tâm thần thì phải giám định và có sự giám sát của công an.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế cũng lưu ý thêm rằng nếu có làm giả bệnh án tại đây thì chắc chắn công an cũng không đủ căn cứ xác định bệnh nhân bị tâm thần mà phải qua Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương. Sắp tới đây sẽ lập hệ thống Trung tâm pháp y tâm thần khu vực, qua đó giám định thì công an mới coi đó là tâm thần thực sự.

Trước vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ Công an xử lý nghiêm vụ chạy án tâm thần, phối hợp với Bộ Y tế không để tình trạng này tái diễn. Bộ Y tế cũng cần chú ý không để trong ngành có cá nhân vi phạm như vậy. Bởi dư luận rất bức xúc về việc trốn tránh trách nhiệm hình sự bằng bệnh án tâm thần giả./.

Tin mới