Thường vụ Quốc hội phê bình các bộ chưa báo cáo về chống lãng phí

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ có báo cáo Chính phủ về những đơn vị chưa có Chương trình để kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu.

Sáng nay (12/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) năm 2017, do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tại Phiên họp 23.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, các cấp, ngành, chính quyền địa phương và nhân dân trong cả nước đã tích cực triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tăng cường THTK,CLP trong tất cả các lĩnh vực theo quy định, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển KT-XH năm 2017 Quốc hội đã đề ra.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực chậm được khắc phục đã và đang gây ra sự lãng phí không nhỏ các nguồn lực của đất nước và trong sản xuất, đời sống của nhân dân.

Thường vụ Quốc hội phê bình các bộ chưa báo cáo về chống lãng phí ảnh 1
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Sẽ báo cáo Thủ tướng về những đơn vị chưa có Chương trình hành động

Là người phát biểu đầu tiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Báo cáo cần bám theo kết cấu và phạm vi của Luật THTK,CLP để tập trung vào những nội dung lớn.

Phụ lục báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho thấy có tới 16/34 bộ, cơ quan Trung ương, 17/63 tỉnh, thành phố; 16/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước không gửi Chương trình cho Bộ Tài chính và rất nhiều cơ quan đơn vị không gửi báo cáo kết quả THTK,CLP.

Từ tình trạng trên, bà Lê Thị Nga đặt vấn đề, với số lượng lớn đơn vị chưa có báo cáo như thế thì đánh giá trong Báo cáo của Chính phủ có phản ánh đúng bản chất và nhận định có chính xác hay không?

Cho rằng “báo cáo chưa thấy biểu dương hay phê bình, đề nghị xử lý trách nhiệm bộ ngành, địa phương nào”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị làm rõ quy định của pháp luật có đi vào cuộc sống hay không, hiệu quả thế nào hay tổ chức thực hiện có vấn đề, để từ đó có “bài thuốc hữu hiệu”.

Cũng dẫn số liệu số bộ ngành, tỉnh/thành và tập đoàn, tổng công ty chưa gửi Chương trình về phòng chống lãng phí, ông Nguyễn Văn Giàu đề nghị cần xem lại nghiêm túc vấn đề này.

“Từ nhận thức quy định mới có cơ sở thực hiện, trong khi hơn một nửa đơn vị chưa có chương trình thế này thì không ổn. Thường vụ Quốc hội nên cho ý kiến về vấn đề này để Chính phủ quan tâm chỉ đạo và có hướng xử lý” - ông Nguyễn Văn Giàu nêu ý kiến.

Cho biết có nơi gửi số liệu của năm 2016, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, điều này thể hiện chưa nghiêm túc, dẫn đến báo cáo của Chính phủ không đầy đủ số liệu và chưa thể hiện được kết quả của công tác THTKP,CLP.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết ngay trong hôm nay sẽ báo cáo Thủ tướng về những đơn vị chưa có Chương trình để yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu nhằm đảm bảo kỷ luật, kỷ cương.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra; yêu cầu Chính phủ và Ủy ban Tài chính - Ngân sách điều chỉnh số liệu cho sát và đúng của năm 2017, hoàn chỉnh các báo cáo đầy đủ.

Thường vụ Quốc hội phê bình các bộ chưa báo cáo về chống lãng phí ảnh 2
Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển: Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ địa chỉ trách nhiệm

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê bình các bộ, địa phương và tập đoàn, tổng công ty chưa có báo cáo, thể hiện chưa nghiêm túc. Đây cũng là nội dung giám sát của Quốc hội về chấp hành Luật THTK,CLP” - Phó Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn cho biết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng tình hình THTK,CLP tuy còn hạn chế song công tác này trong năm 2017 có nhiều tiến bộ so với 2016; việc chấp hành nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội được thực hiện nghiêm túc hơn, có nhiều cố gắng từ quản lý sử dụng ngân sách, mua sắm trang thiết bị, khai thác sử dụng tài nguyên,... Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được tăng cường và phát hiện nhiều vi phạm để chấn chỉnh.

Mặc dù vậy, theo ông Phùng Quốc Hiển, việc THTK,CLP thực sự chưa nghiêm túc. Tình trạng lãng phí, thất thoát trong quản lý sử dụng tài sản công, tài chính công, nguồn lực còn kém hiệu quả, lãng phí diễn ra ở các góc độ khác nhau. Ý thức của một số ngành chưa cao, xử lý một số vụ việc chưa kịp thời và chưa nghiêm túc.

“Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ địa chỉ trách nhiệm để công tác THTK,CLP có bước tiến mới trong năm sau” - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đề ra; yêu cầu làm quyết liệt hơn và cần công bố công khai những hiện tượng lãng phí để dư luận theo dõi nhưng cũng kịp thời biểu dương những hành động thiết thực trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí./.

Tin mới