Thụy Điển ‘không còn chắc chắn’ sẽ gia nhập NATO vào tháng 7

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Dù nộp đơn vào NATO cùng lúc và đã đề cập đến kế hoạch gia nhập liên minh này cùng nhau, Phần Lan và Thuỵ Điển lại đang đứng ở những ngã rẽ khác nhau. Trong khi nỗ lực của Phần Lan đã nhận được sự chấp thuận hoàn toàn, thì Thuỵ Điển vẫn đang vướng phải một số vấn đề.
Ngoại trưởng Thuỵ Điển Tobias Billstrom. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Thuỵ Điển Tobias Billstrom. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Thuỵ Điển Tobias Billstrom mới đây nói rằng, ông không còn dám chắc rằng đất nước của ông sẽ có thể gia nhập NATO vào tháng 7 tới, sau những phản đối gần đây từ Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ.

Chia sẻ với truyền thông Thuỵ Điển, ông Billstrom phát biểu: “Tôi đã lưu ý những thứ được nói ra trong vài ngày gần đây, nhất là từ phía Hungary, và điều đó có nghĩa là chúng ta luôn có lý do để thay đổi lời nói của mình. Tôi nghĩ trong bối cảnh hiện nay dùng từ ‘hy vọng’ thì tốt hơn”.

Chỉ mới tuần trước thôi, chính ông Billstrom khẳng định “không cần phải bàn” rằng Thuỵ Điển sẽ trở thành thành viên NATO vào thời điểm diễn ra thượng đỉnh của liên minh này tại Vilnius, Litva vào tháng 7.

Trước đó nữa, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố việc bảo đảm sự gia nhập của Thuỵ Điển vào khối nước này là “mục tiêu” của ông.

Thuỵ Điển đã nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự trên cùng với láng giềng Phần Lan vào tháng 5/2022, viện dẫn những thay đổi trong bối cảnh an ninh châu Âu sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Tuy nhiên, Thuỵ Điển đã vấp phải sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ, bên cáo buộc Stockholm chứa chấp các thành viên của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức mà Ankara và các đồng minh phương Tây coi là một băng nhóm khủng bố.

Các quan hệ thậm chí còn xấu đi vào đầu năm 2023, do một loạt hành động khiêu khích xung quanh Thụy Điển. Chính phủ thiểu số Thụy Điển, do Đảng ôn hòa bảo thủ tự do lãnh đạo, bảo đảm rằng họ coi trọng các cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng nói thêm rằng có một số yêu cầu mà họ không thể đáp ứng.

Đến lượt mình, Chính phủ Hungary đã bày tỏ sự bất bình trước những chỉ trích trước đây của Stockholm đối với Thủ tướng Viktor Orban, hoạt động chính trị của đảng Fidesz cầm quyền và tình trạng dân chủ nói chung ở Hungary. Budapest cho biết, họ coi những lời chỉ trích này là vô lý và kêu gọi Stockholm kiềm chế "những lời xúc phạm".

Theo Sputnik, khi nỗ lực của Thuỵ Điển rõ ràng thất bại, 2 láng giềng đành chia đôi ngả bất chấp ý định ban đầu của họ là “cùng nhau bước trên con đường NATO”. Trái ngược với tình cảnh của Thuỵ Điển, Phần Lan đã nhận được sự chấp nhận hoàn toàn của 30 quốc gia thành viên NATO, dẫu ban đầu Thổ Nhĩ Kỳ phản đối và Hungary trì hoãn cho ý kiến.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto nói rằng, quốc gia này đã sẵn sàng gia nhập NATO và trông chờ được hoan nghênh Thuỵ Điển có kết quả tương tự “càng sớm càng tốt”.

Tin mới