Tích cực tiêm vắc-xin cho trâu, bò để phòng bệnh viêm da nổi cục

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Với sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn, các ổ dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xảy ra trên địa bàn Nghệ An trong thời gian qua đã được khống chế kịp thời trong diện hẹp. Tuy nhiên dự báo có khả năng dịch bệnh sẽ xuất hiện trên đàn trâu, bò trong thời gian tới, vì vậy người chăn nuôi cần chủ động tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi.

Không để ổ dịch phát tán

Theo cáo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, năm 2021 trên địa bàn tỉnh xảy ra 353 ổ dịch và những tháng đầu năm 2022 xảy ra 3 ổ dịch viêm da nổi cục trâu, bò, đã làm nhiều con trâu, bò bị chết. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự vào cuộc đồng bộ từ cơ quan chuyên môn đến các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh nên các ổ dịch đã được khống chế trong diện hẹp.

Ông Đặng Văn Minh - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng, chăn nuôi trâu, bò bằng hình thức nhỏ lẻ, thả rông là chủ yếu, nhất là các huyện miền núi, nên việc giám sát dịch bệnh và công tác triển khai tiêm phòng gặp nhiều bất lợi. Đặc biệt, năm 2020 - 2021 không còn chức danh thú y xã, nhiều huyện, nhiều xã không hợp đồng, không bố trí được thú y, nên triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cơ quan chuyên môn đã chủ động bao vây, khống chế các ổ dịch.

Tập quán thả rông trâu, bò trên núi của người dân vùng cao gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục. Ảnh: Xuân Hoàng
Tập quán thả rông trâu, bò trên núi của người dân vùng cao gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục. Ảnh: Xuân Hoàng

Với phương châm tiêm phòng vắc-xin là giải pháp hiệu quả, tiết kiệm nhất trong công tác phòng, chống dịch, năm 2021, toàn tỉnh đã tổ chức tiêm phòng được 249.210 liều vắc-xin viêm da nổi cục, nhờ đó, hiện nay, các ổ dịch đã được khống chế, không phát sinh và lây lan. Công tác tuyên truyền về phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên các kênh thông tin được duy trì thường xuyên; tổ chức nhiều cuộc tập huấn cho UBND các huyện, thành, thị, các ngành có liên quan về công tác tiêm phòng, phòng, chống dịch bệnh.

Qua công tác kiểm tra tại các địa phương cho thấy, hầu hết các huyện đã chủ động tham mưu, ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc; tuyên truyền về triệu chứng bệnh, cách phòng, chống; thực hiện tiêm phòng, khử trùng, tiêu độc theo kế hoạch của tỉnh; có tủ lạnh bảo quản vắc-xin; thực hiện quyết toán nguồn vắc-xin, hóa chất được cấp đúng theo hướng dẫn của ngành chuyên môn; chủ động giám sát dịch bệnh, khống chế dịch kịp thời; thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các xã.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò, ngày 30/12/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 5197/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trâu, bò trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2022-2030. Đến nay, có 21/21 huyện, thành phố, thị xã đã xây dựng và ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh giai đoạn 2022-2030. Cùng đó, các huyện được hỗ trợ vắc-xin phòng, chống dịch đã triển khai tiêm phòng đầy đủ, đảm bảo đúng hướng dẫn, bên cạnh đó, các huyện, xã trích ngân sách, hộ chăn nuôi tự bỏ kinh phí để mua vắc-xin tiêm phòng nên dịch bệnh đến nay cơ bản đã được khống chế.

Trong công tác tuyên truyền, hầu hết các huyện thực hiện tuyên truyền bằng hình thức trên sóng truyền hình huyện, phát thanh huyện, xã, lồng ghép các lớp tập huấn xuống tận người dân, một số huyện thực hiện phóng sự, chuyên đề. Các đơn vị thực hiện công tác tuyên truyền tốt, như TP. Vinh, Anh Sơn, Yên Thành, Diễn Châu, Nam Đàn, Thanh Chương, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu,...

Tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh

Để thực hiện tốt Kế hoạch phòng, chống bệnh viêm da nổi cục năm 2022, trước hết Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tham mưu, chỉ đạo, thực hiện tốt các nhiệm vụ: Tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí mua vắc-xin tiêm phòng để chống dịch khẩn cấp cho đàn trâu, bò khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh. Phối hợp các địa phương chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh theo kế hoạch hàng năm. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn chuyên môn về phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục, an toàn dịch bệnh. Tập trung chỉ đạo công tác tiêm phòng cho đàn trâu, bò đạt tỷ lệ ≥80% tổng đàn thuộc diện phải tiêm. Lấy mẫu xác định lưu hành bệnh viêm da nổi cục để dự báo sớm về dịch bệnh.

Giải pháp phòng dịch bệnh viêm da nổi cục hiệu quả nhất là người chăn nuôi tiêm vắc-xin cho đàn trâu, bò. Ảnh tư liệu: Quang An
Giải pháp phòng dịch bệnh viêm da nổi cục hiệu quả nhất là người chăn nuôi tiêm vắc-xin cho đàn trâu, bò. Ảnh tư liệu: Quang An

Cơ quan chuyên môn khuyến cáo, bệnh viêm da nổi cục hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; do vậy, người chăn nuôi cần tiêm phòng vắc-xin cho đàn trâu, bò là biện pháp chủ động, hữu hiệu nhất để phòng bệnh; cùng đó là vệ sinh chuồng trại, tiêu diệt ve, mòng, ruồi, muỗi. Khi phát hiện trâu, bò mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh cần nuôi nhốt, cách ly điều trị để tránh lây lan, đồng thời, báo với chính quyền địa phương biết để phối hợp với ngành chuyên môn kịp thời phòng, chống dịch.

Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nhận định: Với tổng đàn trâu, bò lớn nhất nước 772.000 con, lưu lượng buôn bán, vận chuyển đi qua địa bàn tỉnh rất lớn. Do đó, dịch bệnh viêm da nổi cục có khả năng xảy ra trên đàn trâu, bò bất cứ lúc nào, nhất là vào những tháng thời tiết ẩm ướt, tạo điều kiện cho côn trùng (ruồi, muỗi, ve, mòng,…) sinh sôi, phát triển. Vì vậy, ngành chuyên môn tiếp tục tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ thú y về phòng, chống dịch bệnh; xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh. Cùng đó, UBND tỉnh cần bố trí kinh phí kịp thời để triển khai chương trình, nhất là kinh phí mua vắc-xin để xử lý khi có dịch khẩn cấp đúng theo kế hoạch của UBND tỉnh đã ban hành.

Đối với UBND các huyện, thành, thị, cần bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch. Đặc biệt là tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân biết và phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Khuyến khích các trang trại chăn nuôi trâu, bò: Xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh viêm da nổi cục. Cùng đó, các địa phương chỉ đạo người chăn nuôi mua vắc-xin để tiêm phòng cho đàn trâu, bò; đồng thời, căn cứ Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND, khẩn trương chỉ đạo UBND cấp xã bố trí người hoạt động không chuyên trách đảm nhiệm chức danh thú y cấp xã để tổ chức tốt công tác tiêm phòng, phòng, chống dịch bệnh năm 2022.

Bệnh viêm da nổi cục dễ nhận thấy trên thân con bò. Ảnh tư liệu
Bệnh viêm da nổi cục dễ nhận thấy trên thân con bò. Ảnh tư liệu

Trâu, bò khi mắc bệnh viêm da nổi cục có biểu hiện sốt cao, có thể trên 41°C, bỏ ăn, suy nhược và gầy yếu, giảm tiết sữa ở gia súc đang cho con bú; viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt; sưng các hạch bạch huyết bề mặt (hạch trước vai, hạch sau đùi). Một số trường hợp sưng các khớp chân; cơ thể xuất hiện các nốt sần có đường kính từ 1 - 5 cm.

Tin mới