Tích hợp giải pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất

(Baonghean.vn) - Trong giai đoạn 2021 - 2025, Nghệ An đặt ra mục tiêu tiết kiệm năng lượng từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng. Các giải pháp phát triển khoa học công nghệ và sản xuất, kinh doanh đang được nhiều doanh nghiệp triển khai trong quá trình sản xuất.
Nhiều giải pháp tiết kiệm hiệu quả
Hệ thống phát điện nhiệt khí dư là giải pháp công nghệ mới tiên tiến của châu Âu được nhiều nước ứng dụng trong các ngành công nghiệp. Công nghệ này hiện tại cũng được Tập đoàn Xi măng The Vissai ứng dụng và lắp đặt đồng bộ với quá trình xây dựng Nhà máy Xi măng Đô Lương và đã đi vào hoạt động ổn định từ năm 2016.
Hệ thống phát điện nhiệt khí dư hoạt động dựa trên nguyên lý thu nhiệt từ khí thải và khí dư của dây chuyền sản xuất clinker để lấy hơi nước chạy turbine máy phát và phát điện lên hệ thống lưới điện của nhà máy phục vụ quá trình sản xuất, góp phần làm giảm giá thành sản phẩm và bảo vệ môi trường. Khí thải và khí dư sau khi đi qua hệ thống phát điện khí dư sẽ sạch bụi và được làm nguội trước khi thải ra môi trường. Đây là giải pháp bảo vệ môi trường tốt nhất, hiện đại nhất trong công nghệ sản xuất xi măng hiện nay. Theo thống kê, mỗi năm hệ thống này sản suất được khoảng trên 100 triệu MWh cung cấp đến 40% lượng điện tiêu thụ của Nhà máy Xi măng Đô Lương. 
Là lĩnh vực tiêu tốn nhiều điện nên hầu hết các nhà máy xi măng đều ưu tiên lựa chọn công nghệ tiết kiệm điện năng. Ảnh: Thu Huyền
Là lĩnh vực tiêu tốn nhiều điện nên hầu hết các nhà máy xi măng đều ưu tiên lựa chọn công nghệ tiết kiệm điện năng. Ảnh: Thu Huyền

Cùng với hệ thống phát điện nhiệt khí dư, Nhà máy Xi măng Đô Lương có hệ thống lọc bụi tĩnh điện rất hiện đại đạt hiệu suất lọc bụi đến 98,8% nên lượng bụi thoát ra môi trường gần như là không có. Lượng bụi thu hồi từ hệ thống phát điện nhiệt khí dư và lọc bụi tĩnh điện được đưa quay trở lại trong quá trình sản xuất giúp nhà máy tiết kiệm được chi phí sản xuất. Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện năng nên mỗi năm Công ty CP Xi măng Sông Lam tiết kiệm trên 19 tỷ đồng/năm. 

Lượng điện phát ra trung bình mỗi ngày rất cao, trung bình khoảng 330Mw. Đối với hệ thống biến tần, nhờ áp dụng hệ thống quạt đã giảm được lượng điện tương đối. Chúng tôi cũng áp dụng chạy giờ thấp điểm, cao điểm phù hợp để giảm giá điện trung bình.

Ông Phan Xuân Khánh - Phó quản đốc phân xưởng, Công ty CP Xi măng Sông Lam

Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An (Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm) cũng là một trong những cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn. Để tiết kiệm năng lượng, nhà máy đã tận dụng tối đa nguồn chiếu sáng tự nhiên, chuẩn hóa quy trình sản xuất, nâng công suất máy móc thiết bị, triển khai dự án điện mặt trời mái nhà với lượng điện phát ra hơn 650.000KW. Với các giải pháp trên, lượng điện tiêu hao trên một m3 sản phẩm ngày càng giảm. Nếu như năm 2020 sản lượng điện tiêu thụ là 362,7kWh/m3 thì đến đầu năm 2021 chỉ còn 296,7kWh/m3 sản phẩm. Nhà máy phấn đấu đến hết năm 2021 tiêu hao điện về còn khoảng 280kWh/m3 sản phẩm. 

Dây chuyền sản xuất tại nhà máy gỗ MDF Nghĩa Đàn. Ảnh: Thu Huyền
Dây chuyền sản xuất tại nhà máy gỗ MDF Nghĩa Đàn. Ảnh: Thu Huyền
Còn ở Công ty nhựa Tiền Phong Miền Trung (KCN Nam Cấm) có công suất lên tới 20.000 tấn/năm. Để sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, công ty đầu tư xây dựng nhà xưởng cao, thoáng gió, lắp đặt tấm chắn, làm mát, hệ thống tản nhiệt và liên tục cải tiến trong các khâu trộn, tạo sản phẩm, xử lý nguyên liệu quay vòng. Công ty đã áp dụng triệt để các giải pháp kỹ thuật như: lựa chọn đầu tư các máy móc, thiết bị sản xuất tiên tiến hiện đại tiêu hao ít năng lượng điện; thay thế và cải tiến các dây chuyền máy móc thiết bị cũ, lạc hậu năng suất thấp tiêu tốn nhiều năng lượng. Hệ thống lưới điện, phân tải phù hợp luôn đảm bảo phụ tải gần nguồn nhất, đường dây được tính toán có tiết diện đảm bảo truyền tải tổn thất điện năng ít nhất.
Công ty còn lắp đặt hệ thống hàng loạt các biến tần cho các động cơ xoay chiều có công suất lớn, hệ thống máy ép phun. Ngoài ra, thực hiện việc tẩy rửa thường xuyên đúng định kỳ các bình trao đổi nhiệt cho máy lạnh, máy trộn, máy đùn và khuôn mẫu để nâng cao năng suất và hiệu suất làm việc của thiết bị… Nhờ vậy, chi phí sử dụng điện của công ty hiện là 0,337kWh/kg sản phẩm, giảm 0,04% so với quy chuẩn cho ngành sản xuất ống nhựa.

Mục tiêu tiết kiệm 5-7% tổng sản lượng tiêu thụ

Thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và các văn bản hướng dẫn, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 32 phê duyệt kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, chú trọng ứng dụng công nghệ mới, tích hợp các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong các cơ sở sản xuất công nghiệp, các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn. Theo thống kê, lĩnh vực công nghiệp chiếm tới hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng. 
Nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng đang được các nhà máy sản xuất xi măng ứng dụng hiệu quả. Ảnh: Thu Huyền
Nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng đang được các nhà máy sản xuất xi măng ứng dụng hiệu quả. Ảnh: Thu Huyền

Trong khi đó, tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể đạt từ 20-40%. Vì thế, dư địa cho tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp đang khá rộng. Hiện nay, để tiết kiệm chi phí sản xuất, nhiều nhà máy, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất xi măng đang áp dụng nhiều giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả giúp giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, tăng cạnh tranh trên thị trường. 

Theo Công ty Điện lực Nghệ An, 8 tháng đầu năm 2021, lượng điện tiêu thụ toàn tỉnh đạt 2.767,57 triệu kWh, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, lĩnh vực công nghiệp xây dựng tiêu thụ 1.346 triệu kWh. Như vậy, sản lượng điện tiêu thụ cho mục đích sản xuất trên địa bàn Nghệ An chiếm tỷ trọng 48,6%. Mức độ tiêu thụ hàng năm của sản điện công nghiệp xây dựng tăng 12-14%. Hiện có khoảng 124 doanh nghiệp có mức tiêu thụ điện từ 1 triệu KW trở lên. 

7 tháng đầu năm, lượng tiêu thụ tiết kiệm điện năng của sản xuất công nghiệp xây dựng đạt 15 triệu kWh/tổng lượng điện năng tiết kiệm của các thành phần tiêu thụ trên toàn tỉnh là 44 triệu kWh. Tiết kiệm năng lượng không chỉ mang lại lợi ích, hiệu quả trong sản xuất của doanh nghiệp mà còn góp phần làm giảm quá tải đường dây, trạm biến áp, giảm tình trạng thiếu hụt nguồn điện cục bộ trên toàn hệ thống điện.

Ông Nguyễn Xuân Lợi - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An

Thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 140/NQ-CP về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Nghệ An đã ban hành chương trình, kế hoạch nhằm tiết kiệm năng lượng có hiệu quả. Trong đó, tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp được chú trọng và nhận được sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp.
Nghệ An đang đặt ra muc tiêu tiết kiệm từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm. Ảnh: Thu Huyền
Nghệ An đang đặt ra muc tiêu tiết kiệm từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm. Ảnh: Thu Huyền

Có thể khẳng định, chương trình sử dụng tiết kiệm năng lượng có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và vấn đề an toàn năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay số doanh nghiệp tham gia chương trình còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp đã đăng ký nhưng vẫn chưa có giải pháp. Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Việc thực hiện tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp đã tiết giảm chi phí và nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hoạt động này còn góp phần quan trọng hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng của quốc gia, chống biến đổi khí hậu một cách hiệu quả.

Trước nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, diễn biến thời tiết thất thường, Sở Công Thương khuyến khích doanh nghiệp tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện, phát triển điện mặt trời áp mái giúp giảm áp lực lên hệ thống trong giờ cao điểm vào an ninh năng lượng quốc gia; đặc biệt, việc đẩy mạnh áp dụng chương trình tiết kiệm năng lượng trong khối doanh nghiệp là một yêu cầu cấp thiết.

Tin mới