Tiêm kích Su-30 đọ tài không chiến với F-16 trên bầu trời Indonesia

Cuộc không chiến mô phỏng được không quân Indonesia tổ chức giữa biên đội tiêm kích Su-30 do Nga sản xuất và F-16 mua từ Mỹ.

Màn cận chiến mô phỏng của tiêm kích Su-30 và F-16 Indonesia.

Không quân Indonesia ngày 31/7 đăng trên YouTube đoạn video ghi lại trận không chiến mô phỏng giữa tiêm kích hạng nặng Su-30MK2 và chiến đấu cơ F-16, theo Antara News.

Theo các chuyên gia, video này nhiều khả năng ghi lại trận không chiến mô phỏng được thực hiện nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập không quân Indonesia 9/4 trên bầu trời thủ đô Jakarta.

Biên đội Su-30 và F-16 xuất phát từ sân bay quốc tế Husein Sastranegara và Atang Sendjaja, trước khi hội quân trên bầu trời Jakarta để bắt đầu trận không chiến. Các tiêm kích tham gia theo hình thức một đấu một và hai đấu hai. Hai phía liên tục thực hiện các động tác phức tạp để khóa mục tiêu và cắt đuôi đối phương, kết hợp với thả mồi bẫy nhiệt có tác dụng đánh lừa tên lửa tầm nhiệt.

Chuyên gia quân sự David Cenciotti cho rằng theo lý thuyết, F-16 dễ dàng chiếm lợi thế trong cận chiến nhờ khối lượng chiến đấu nhỏ và tốc độ tối đa cao hơn Su-30MK2. Tuy nhiên, Su-30MK2 lại sở hữu khả năng cơ động linh hoạt nhờ thiết kế tiên tiến và động cơ phản lực có sức đẩy lớn.

Trong video, khả năng cơ động của hai loại chiến đấu cơ này được phi công tận dụng tối đa, nhưng lợi thế dường như nghiêng về phía những chiếc Su-30 khi thực hiện thành công các pha cắt đuôi và truy đuổi đối phương.

Giới phân tích Indonesia nhận định Su-30MK2 có thể đánh bại F-16 trong không chiến nếu trình độ phi công ngang nhau, bất chấp việc tiêm kích do Nga sản xuất có kích thước lớn gấp đôi đối thủ.

tiem-kich-su-30-do-tai-khong-chien-voi-f-16-tren-bau-troi-indonesia

Các máy bay Su-30MK2, Su-27SKM và F-16 trong biên chế Indonesia. Ảnh: Aviationist.

Su-30MK2 là tiêm kích hạng nặng do Nga sản xuất, có chiều dài 21,9 m, cao 6,4 m, sải cánh rộng 14,7 m, khối lượng cất cánh tối đa 34,5 tấn. Mỗi chiếc được trang bị hai động cơ turbine phản lực Saturn AL-31F với tổng sức đẩy 25.085 kgf, đạt tốc độ tối đa 2.120 km/h. Phi đội 11 chiếc Su-30MK2 là các tiêm kích chủ lực của Indonesia hiện nay.

Trước khi đặt mua máy bay Su-27 và Su-30MK2, không quân Indonesia sở hữu 24 tiêm kích hạng nhẹ F-16 nhập khẩu từ Mỹ. Phi cơ này dài 15,1 m, cao 5,1 m và có sải cánh 9,45 m. F-16 có khối lượng cất cánh tối đa 19,2 tấn, trang bị một động cơ turbine phản lực General Electric F110-GE-100 với sức đẩy tối đa 12.950 kgf, cho phép F-16 đạt tốc độ 2.470 km/h.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Tin mới