Tiền đề để Việt Nam “khải hoàn viết tiếp bài ca” trong năm mới

Niềm mong mỏi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước - “khải hoàn ta viết tiếp bài ca” trong năm 2019 - không chỉ là lời chúc Tết đơn thuần mà dựa trên những tiền đề vững chắc.
(Nguồn: TTXVN)
(Nguồn: TTXVN)
Đất nước đã bước sang Xuân Kỷ Hợi 2019 vào ngày 5/2 với vần thơ chúc Tết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng:
“Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua
Thắng lợi tin vui khắp nước nhà
Cả nước hân hoan mừng Xuân mới
Khải hoàn ta viết tiếp bài ca”
Trước đó, vào dịp kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2019), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đã có bài viết nêu lên những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong năm 2018, đánh giá ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và chỉ ra một số nhiệm vụ quan trọng trong năm 2019.
Thực tế cuộc sống cho thấy niềm mong mỏi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước - “khải hoàn ta viết tiếp bài ca” trong năm 2019 - không chỉ là lời chúc Tết đơn thuần mà dựa trên những tiền đề vững chắc là những kết quả nổi bật đã đạt được trong năm 2018.
Trong năm vừa qua, nước ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu kinh tế-xã hội do Quốc hội đề ra. Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn và đây là một trong 10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2018 do TTXVN bình chọn.
Trước hết, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm trước đạt 7,08%, là mức cao nhất trong 10 năm qua. Giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 238 tỷ USD với xuất siêu ở mức kỷ lục là 7,2 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối nhà nước ở mức hơn 60 tỷ USD, cũng là một con số kỷ lục. Nền kinh tế năm 2018 ở quy mô ước đạt hơn 5,5 triệu tỷ đồng (khoảng hơn 240 tỷ USD), tăng gấp hơn 1,3 lần so với năm 2015. GDP trên đầu người 2.580 USD, chưa thật cao nhưng đã tăng gần 200 USD so với năm trước.
Để cảm nhận rõ hơn sự nỗ lực của Việt Nam nhằm đạt mức tăng trưởng GDP 7,08% thì chúng ta phải nhìn sang các quốc gia khác trong khu vực. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2018, GDP của Nhật Bản được dự báo tăng 1,9%, Hàn Quốc là 2,8%, Thái Lan là 4,1%, Malaysia là 4,8%, Indonesia là 5,2% và Trung Quốc là 6,3%.
Không chỉ đạt được mức cao về tăng trưởng GDP, Việt Nam cũng đã tiến bộ trong lĩnh vực chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong năm 2018 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm tỷ trọng 14,6% GDP, khu vực công nghiệp và xây dựng giữ 34,3%, khu vực dịch vụ đóng góp 41,2%...
Bên cạnh đó, để tiến bước thì Việt Nam cũng phải gạt bỏ những vật cản trên con đường đi lên phía trước. Một trong số những vật cản đó là tệ nạn tham nhũng mà theo lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, chúng ta phải “chiến đấu không khoan nhượng” và “không có vùng cấm".
Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực đã được đẩy lên mức quyết liệt trong năm 2018. Các vụ án tham nhũng, các vụ án kinh tế nghiêm trọng đã được xử lý rất nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Từ sau Đại hội XII của Đảng (tháng 1/2016) đến cuối năm 2018, nghĩa là chưa đầy ba năm, hơn 60 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có 5 Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm và ba trong số đó đã bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương, một Ủy viên Bộ Chính trị đã bị khai trừ ra khỏi Đảng và lĩnh án 30 năm tù...
Về lĩnh vực kinh tế đối ngoại, Việt Nam trong năm 2018 đã tạo ra tiền đề quan trọng để mở đường cho những bước tiến mới trong năm 2019. Đó là ngày 12/11, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan đã được Quốc hội Khóa XIV phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6. Hiệp định này sẽ giúp Việt Nam trong năm 2019 và những năm tiếp theo mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, cải cách chính sách theo hướng minh bạch và thông thoáng hơn.
Uy tín chính trị, năng lực tổ chức những sự kiện quốc tế lớn từ phía Việt Nam trong cách nhìn nhận của thế giới càng được củng cố sau khi nước ta đăng cai Hội nghị khu vực của Diễn đàn Kinh tế Thế giới với chủ đề: “ASEAN 4.0 : Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4". Sự kiện diễn ra từ ngày 11 đến 13/9/2018 tại Hà Nội được đánh giá là “thành công nhất trong số 27 hội nghị về khu vực ASEAN của Diễn đàn Kinh tế Thế giới” theo lời của ông Borge Brende, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Một số tổ chức kinh tế-tài chính quốc tế có uy tín, báo chí, chuyên gia nước ngoài đã có những lời đánh giá khách quan về Việt Nam tương đồng với tinh thần lạc quan đối với vận hội nước nhà mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện trong bài viết nhân dịp kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại phiên bế mạc WEF ASEAN 2018. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại phiên bế mạc WEF ASEAN 2018. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Trên trang web của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chuyên gia Peter Vanham đã có bài viết mang tựa đề “Câu chuyện về điều thần kỳ của kinh tế Việt Nam". Ông nhận xét: “Việt Nam hiện tại là một trong những ngôi sao trong thiên hà các nền kinh tế mới nổi… Những nỗ lực của Việt Nam đã được thế giới ghi nhận.
Trong Báo cáo về tính cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam từ thứ hạng 77 năm 2006, tăng lên thứ hạng 55 vào năm 2017. Bảng xếp hạng Mức độ dễ dàng để kinh doanh của Ngân hàng Thế giới đặt Việt Nam ở vị trí 68 vào năm 2017, tăng 36 bậc từ vị trí 104 năm 2007. Ngân hàng Thế giới nhận xét Việt Nam tiến bộ trên mọi lĩnh vực từ thực hiện hợp đồng, tăng cường tiếp cận tín dụng, trả thuế và thương mại dọc biên giới.."..
Tạp chí lớn chuyên về tài chính, thương mại của Anh - Economist - đánh giá “Việt Nam là tấm gương cho các quốc gia muốn phát triển".
Tạp chí này viết: “Quốc gia châu Á nào đã tăng trưởng suốt hàng chục năm qua, giúp hàng triệu người thoát nghèo? Nền kinh tế châu Á nào, dù tỷ lệ người dân nông thôn còn cao, sẽ là động cơ tăng trưởng tiếp theo của châu lục? Phần lớn mọi người sẽ trả lời là Trung Quốc cho câu hỏi đầu tiên, và Ấn Độ cho câu tiếp theo. Thế tức là họ đều bỏ qua một đất nước nổi bật cả về thành công trong quá khứ và tiềm năng trong tương lai. Đó chính là Việt Nam. Với dân số hơn 90 triệu người, tính từ năm 1990, Việt Nam đã trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng trên đầu người cao nhất nhì thế giới. Nếu có thể duy trì tốc độ 7% này trong thập kỷ tới, Việt Nam sẽ đi theo đúng quỹ đạo như các con hổ châu Á khác là Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc). Đây là một thành tựu lớn với một quốc gia phải trải qua hàng thập kỷ chiến tranh, thậm chí có lúc nghèo như Ethiopia".
Tạp chí về kinh doanh nổi tiếng của Mỹ - Forbes - nhận định rằng Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư nóng nhất châu Á.
Theo Forbes, trong năm 2018 Việt Nam nhận được 17 tỷ USD cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), con số rất lớn đối với một thị trường mới nổi và so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 250 tỷ USD.
Forbes cho biết có nhiều lý do để có cái nhìn tích cực về dài hạn đối với triển vọng kinh tế Việt Nam.
Ông Eugenia Victorino, chuyên gia tại ngân hàng Australia & New Zealand Banking ở Singapore, nhận xét trên trang tin Bloomberg (Mỹ): “Việt Nam là tấm gương trong việc chuyển động lực kinh tế từ nông nghiệp sang xuất khẩu. Chúng ta đã thấy Myanmar, Lào và Campuchia cố gắng học tập mô hình của Việt Nam trong thu hút FDI để vực dậy xuất khẩu”…
Những đánh giá tích cực từ thế giới nhìn vào, tinh thần phấn khởi, lạc quan từ góc nhìn trong cuộc khiến cho mảng màu tươi sáng trở thành tông chủ đạo trong bức tranh kinh tế-xã hội toàn cảnh của Việt Nam hiện nay.
Như lời khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, hạn chế, nhưng thế và lực của nước ta đã được tăng cường, đất nước đang khởi sắc, vận nước đang lên.
“Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay!”./.

Tin mới