Tiến độ thu hồi đất nông, lâm trường để giao cho người dân còn chậm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Tại buổi thảo luận tổ 4, các đại biểu HĐND tỉnh tại các huyện miền núi đặc biệt quan tâm đến công tác thu hồi đất nông, lâm trường để giao cho người dân sản xuất. Mặc dù chính sách này đã triển khai nhiều năm nhưng đến nay vẫn còn chậm. 

Chiều 12/7, trong chương trình Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khoá XVIII, các đại biểu tại các đơn vị bầu cử các huyện: Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn tiến hành thảo luận tổ. Ông Vương Quang Minh - Bí thư Huyện uỷ Quỳ Châu điều hành thảo luận tổ 4.

Toàn cảnh phần thảo luận tổ 4. Ảnh: Phạm Bằng

Toàn cảnh phần thảo luận tổ 4. Ảnh: Phạm Bằng

Tham gia thảo luận tổ có các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Trọng Hoàng - Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ; lãnh đạo các sở, ngành.

Người dân miền núi thiếu đất rừng sản xuất

Mở đầu phần thảo luận tổ, đại biểu Lục Thị Liên (đơn vị Con Cuông) đánh giá cao sự lãnh đạo, điều hành của UBND tỉnh trong 6 tháng đầu năm. Đồng thời đề nghị trong thời gian tới, UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương tưới tiêu cho vùng miền núi; đẩy nhanh việc thu hồi đất của các nông, lâm trường để bàn giao cho người dân, vì hiện nay tiến độ vẫn còn chậm; có chính sách đặc thù hỗ trợ xi măng cho các địa phương miền núi trong xây dựng nông thôn mới.

Đại biểu Lục Thị Liên (đơn vị Con Cuông) nêu ý kiến tại phần thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Bằng

Đại biểu Lục Thị Liên (đơn vị Con Cuông) nêu ý kiến tại phần thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Bằng

Đề cập đến vấn đề đất sản xuất cho đồng bào miền núi, đại biểu Quế Thị Trâm Ngọc (đơn vị Quỳ Châu) nhấn mạnh, hiện một bộ phận lớn người dân miền núi sống phụ thuộc vào rừng nhưng lại thiếu đất rừng sản xuất, trong khi đất trồng lúa cực kỳ ít. Việc thu hồi đất của các nông, lâm trường để bàn giao cho người dân đã thực hiện nhiều năm nay nhưng vẫn đang còn nhiều người dân chưa có đất rừng sản xuất.

Bên cạnh đó, đại biểu Ngọc cũng đề nghị cần sớm có hướng dẫn cụ thể việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để các địa phương triển khai có hiệu quả. Trong công tác đầu tư công, vẫn còn tình trạng việc cấp vốn chậm, gây khó khăn cho các chủ đầu tư. Vì vậy, cần đẩy nhanh công tác này, không để địa phương vì áp lực trong giải ngân vốn đầu tư công mà triển khai vội vã, ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Trăn trở với những khó khăn của người dân miền núi, đại biểu Nguyễn Văn Hải (đơn vị Tương Dương), việc tạo sinh kế cho người dân miền núi rất khó khăn, còn tình trạng "đầu vào cao nhưng đầu ra giảm". Giá dịch vụ bảo vệ môi trường, khoanh nuôi bảo vệ rừng rừng thấp nên thu nhập của người dân từ rừng không cao. Việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp chặt chẽ nhưng đang tạo ra sự mâu thuẫn giữa đất lâm nghiệp và nông nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Văn Hải (đơn vị Tương Dương) nêu ý kiến tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Bằng

Đại biểu Nguyễn Văn Hải (đơn vị Tương Dương) nêu ý kiến tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Bằng

Đại biểu Hải còn nêu lên tình trạng thừa, thiếu cán bộ cục bộ giữa xã và huyện; thời gian sát hạch quá lâu đã kéo theo việc khó hoàn thiện bộ máy, cần tháo gỡ quy định đưa cán bộ xã về huyện. Tình trạng thiếu, thừa giáo viên cục bộ kéo dài chưa được giải quyết, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đào tạo; cần có những biện pháp tháo gỡ kịp thời qua đợt giám sát các dự án treo, dự án chậm tiến độ, sử dụng đất không đúng mục đích, những dự án không có khả năng thực hiện thì kiên quyết chấm dứt, tránh lãng phí đất đai.

Đại biểu Vi Văn Quý (đơn vị huyện Quỳ Hợp) đề nghị UBND tỉnh quan tâm xác định địa giới hành chính xã Yên Hợp (Quỳ Hợp) với xã Châu Bính (Quỳ Châu) và xã Châu Lý (Quỳ Hợp) với xã Giai Xuân (Tân Kỳ); Chỉ đạo quyết liệt việc xử lý tình trạng xe quá khổ, quá tải trên địa bàn tỉnh nói chung và các địa phương có khai thác khoáng sản nói riêng; tiếp tục quan tâm nâng cấp đường Tỉnh lộ 532 trên địa bàn huyện Quỳ Hợp.

Đại biểu Vi Văn Quý (đơn vị Quỳ Hợp) nêu ý kiến tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Bằng

Đại biểu Vi Văn Quý (đơn vị Quỳ Hợp) nêu ý kiến tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Bằng

Các đại biểu còn nêu ý kiến về tình trạng xe quá khổ, quá tải diễn ra phức tạp tại các huyện miền núi, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông; chất lượng nước sạch ở miền núi chưa được quan tâm tương xứng; tình trạng tảo hôn, sinh con thứ 3 vẫn còn diễn biến phức tạp; việc dạy học ngoại ngữ cho học sinh khu vực miền núi so với miền xuôi vẫn còn thiếu thốn, thiệt thòi.

Tại phần thảo luận tổ, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc tỉnh, Sở Y tế, Sở Tài chính... đã trao đổi, làm rõ hơn ý kiến của các đại biểu.

Ông Hoàng Quốc Việt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, liên quan đến công tác thu hồi đất nông lâm trường, vừa rồi UBND tỉnh cũng đã có quyết định thu hồi hơn 10.000 ha của 11 công ty nông, lâm trường để giao cho địa phương quản lý.

Ông Hoàng Quốc Việt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giải đáp các ý kiến của đại biểu. Ảnh: Phạm Bằng

Ông Hoàng Quốc Việt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giải đáp các ý kiến của đại biểu. Ảnh: Phạm Bằng

"Hiện Sở đang tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để tiến hành đo đạc đất nông, lâm trường. Vì vậy, mong các địa phương phối hợp với các sở, ngành tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý đất nông, lâm trường. Quan điểm của tỉnh là nếu các nông, lâm trường sử dụng đất không hiệu quả thì yêu cầu phải bàn giao lại đất cho nhân dân sản xuất", ông Việt nói.

Đối với ý kiến của đại biểu về tận thu khoáng sản để thực hiện các công trình dân sinh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, thời gian qua, nhiều địa phương đề xuất uỷ quyền cho cấp huyện cấp phép khai thác khoáng sản theo kiểu tận thu. Tuy nhiên, theo quy định thì thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản là của Trung ương và của tỉnh, không uỷ quyền cho cấp huyện. Hiện Sở đã báo cáo với Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, đưa vào dự thảo sửa đổi Luật Khoáng sản.

Còn nhiều vướng mắc trong giao đất rừng cho người dân

Phát biểu tại phần thảo luận tổ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, bức tranh kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh có nhiều gam màu sáng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế như nợ thuế còn cao, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, năng suất cây trồng giảm... Ngoài nguyên nhân khách quan, thì nguyên nhân chủ quan là sự chỉ đạo, điều hành có nơi chưa quyết liệt, chưa linh hoạt.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Bằng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Bằng

Đi sâu vào các ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, hiện nay hạ tầng kinh tế - xã hội của miền núi còn hạn chế, khó khăn và cần được đầu tư. Vấn đề hiện nay là các địa phương cần triển khai hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 theo tinh thần lựa chọn danh mục công trình đầu tư có hiệu quả, không dàn trải.

Để các địa phương triển khai hiệu quả các chương trình này, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành 6 Nghị quyết về mức chi nguồn lực, phân chia định mức... Và sắp tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương để đưa ra danh mục công trình cụ thể để triển khai các bước nhanh nhất.

Liên quan đến vấn đề đất sản xuất cho người dân miền núi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu cho rằng, vấn đề này đã được đưa ra thảo luận, giải quyết qua nhiều kỳ họp HĐND tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa đạt được hiệu quả cao.

Tuy nhiên theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh thì vấn đề này cần nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện. Bởi từ khi có Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị, Nghị định 118 của Chính phủ, đến nay UBND tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi gần 24.000 ha đất của các các nông, lâm trường, giao về cho chính quyền địa phương. Đến nay, các địa phương đã giao cho người dân gần 14.000 ha; hiện còn 10.000 ha đang được chính quyền địa phương quản lý.

Công tác thu hồi đất nông, lâm trường và giao cho người dân nhận được sự quan tâm của các đại biểu. Ảnh tư liệu

Công tác thu hồi đất nông, lâm trường và giao cho người dân nhận được sự quan tâm của các đại biểu. Ảnh tư liệu

"Việc giao đất cho người dân đang vướng 2 lý do. Thứ nhất là thiếu nguồn lực để trích đo, sau đó chia cho hộ dân thiếu đất. Thứ hai là việc xử lý tài sản trên đất đang còn vướng, mà nguyên nhân sâu xa cũng là thiếu nguồn lực. Sắp tới, tỉnh sẽ cố gắng bố trí kinh phí để thực hiện công tác này", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu nói và cho biết, tỉnh cũng đang tích cực giao rừng cho các địa phương để giao cho người dân quản lý, giúp người dân có sinh kế bền vững.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh về tiền bảo vệ rừng thấp, song ông Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, mỗi năm tỉnh bổ sung cho nguồn này khoảng 110 tỷ đồng và hiện tỉnh đang xin trung ương cấp bù kinh phí này. Đối với việc tận thu khoáng sản để xây dựng các công trình dân sinh tại các huyện miền núi thì phải làm theo quy định và chờ sự thay đổi về Luật để thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu cũng đã thay mặt UBND tỉnh tiếp thu một số ý kiến của các đại biểu và khẳng định sẽ tập trung chỉ đạo các sở, ngành giải quyết theo đúng quy định, đạt hiệu quả cao trong thực tiễn./.

Tin mới