Tiền lẻ…

Bống – con gái tôi được tiêu tiền vào năm lớp một. Ấy là khi mẹ nhìn thấy hầu hết cô cậu lớp một đã biết xuống căn tin trường học mua li nước ngọt, bịch snack. Mẹ không muốn con ngồi thu lu một góc riêng vì không có tiền mua quà cùng các bạn hoặc phải tươi cười chờ các bạn chia sẻ bớt phần quà của mình cho con.

Hôm lên Đà Lạt, mẹ nhớ mãi đối thoại của anh Vĩnh Đăng và Bống. Anh Đăng là con của bác Lê Chi, bạn mẹ. Anh học lớp 5 nhưng khá già dặn so với độ tuổi vì đam mê nhất đời của anh là sách. Tất cả các thể loại sách, từ văn học, khoa học, lịch sử… Khi em Bống chìa ra tờ 2000 khoe anh rằng: “Em có tiền nè”, thì anh Đăng nói:

– Đấy là tiền của ai?

– Tiền của em?

– Tiền do em làm ra à?

– Không, em đang nhỏ, em không làm việc được.

– À, thế là tiền mẹ cho em à? Hay em lượm được? Tóm lại là nếu đó không phải tiền em làm ra thì em đừng khoe với người khác rằng đấy là tiền của em. Đồng tiền chỉ giá trị khi mình làm ra nó thôi, em hiểu không?

– (Em không hiểu) – Câu trả lời này là tự mẹ và anh Vĩnh Đăng suy luận ra được ngay khi nhìn vẻ mặt nghệt ra của em Bống.

Các bạn nhỏ như bạn Bống vẫn có sở thích khoe tiền của, dù việc khoe ấy chỉ cho vui. Hôm kia bạn Bống đi học, cầm theo tờ 5000 đồng, bạn của bạn là một cậu nhóc múp míp như chú heo con đang… đứng đếm tiền ở cửa phụ trường học. Kế bên cửa phụ là căng tin, có lẽ bạn ấy đang đếm lại sau khi ăn sáng. Bạn Bống hí hửng huơ huơ tờ 5000 đồng:

– Ê ê, tui có nè. Bữa nay ông có bao nhiêu đó?

Bạn kia, không trả lời, chìa ra vài tờ 1000, 2000 đồng trên tay mình. Và các bạn ấy tít mắt nhìn nhau cười như là rất vui.

Mẹ không muốn làm bạn mất vui đầu ngày nên dĩ nhiên cất lại chuyện “khoe tiền” ấy vào buổi tối, khi bạn đã về:

– Sáng nay mẹ không vui khi con khoe tiền với bạn con ở trên trường nha.

– Sao vậy mẹ, con có làm gì đâu?

– Con có nhớ lần anh Vĩnh Đăng nói không? Tiền đâu phải do mình làm ra mà khoe. Hơn nữa, khi các con khoe nhau, nhỡ kẻ xấu dòm ngó, sẽ làm gì hại mình, ăn trộm tiền của mình thì sao? Rồi những bạn không được bố mẹ cho tiền sẽ buồn thì sao? Mẹ thích các bạn khoe nhau được bao nhiêu bông hoa mặt cười hơn, ai làm toán đúng, viết đẹp hơn. Bởi vì chẳng kẻ xấu nào dòm ngó và ăn trộm được những điều ấy cả…

– Dạ mẹ, con hiểu rồi…

* * * * *

Đã dăm lần bạn Bống nhìn thấy mẹ mượn tiền người này người kia khi cần gấp. Như lần đi làm mắt kính cho bạn ấy, vì không dự tính trước nên trong túi mẹ không có nhiều tiền, thiếu hơn 100 nghìn nên phải mượn dì Út. Lại gần đây, mẹ bán bộ bàn ghế gỗ ở nhà cho gọn chỗ, khi bạn hỏi vì sao phải bán thì mẹ trả lời để có tiền đóng tiền học nên Bống phải nghe lời mẹ học ngoan nhé… Vài lần như thế gieo vào suy nghĩ của bạn rằng nhà mình đang thiếu tiền.

Hôm bạn chuẩn bị đi chơi với các bạn trong lớp, bà cho bạn 20.000 đồng để ăn kem cùng các bạn. Đó hẳn nhiên là tờ tiền có mệnh giá lớn nhất mà bạn được sở hữu. Mẹ chỉ cho bạn nhiều nhất là 10.000 đồng, đủ mua li nước giải khát và gói snack hoặc một món đồ nho nhỏ bạn thích. Trước khi đi ngủ, bạn cầm tờ tiền chần chừ vài giây rồi dứt khoát đưa mẹ.

– Con cho mẹ nè, mẹ cất đi mà chi tiêu.

– Sao vậy, của Bống để dành mai ăn kem mà.

– Không sao đâu mẹ, trên xe có nước uống, khát thì con sẽ uống nước. Con không ăn kem cũng không sao mà. Mẹ đang kẹt tiền mà.

Lúc này lại là lúc mẹ lặng đi vài giây, cay cay mắt vì vui mừng. Đó là lần đầu cô bạn 6 tuổi biết chia sẻ với mẹ chuyện tiền bạc khi khó khăn.

* * * * *

Ở tuổi của Bống, tôi cũng như hầu hết bè bạn không được bố mẹ cho tiêu tiền. Vào những năm 80, tiền để lo đủ ăn, mặc, học hành cho con đã khó, làm gì mà có chuyện được cho thêm. Có lần, trên đường đi học về, mê một gói bánh ống (loại bánh bằng bột gạo, rẻ tiền, tôi và cô bạn đi học về cùng đã lén lấy trộm từ một hàng quán vắng chủ. Cảm giác thon thót tim khi lấy bịch bánh ấy có lần trở về trong một giấc mơ, khi tôi ngoài 30 tuổi. Dù “phi vụ” ấy chẳng ai biết và đã trôi qua rất lâu.

Lại có lần, vào mùa hè năm lớp một, khi tôi đã được mẹ tin cậy giao chìa khóa nhà (chứ không nhốt trong nhà mỗi khi đi đâu đó. Một cô bạn mẹ ghé nhà chơi. Sau vài câu hỏi han thân tình, cô cho 200 đồng nói ra quán mua giúp cô mấy quả ổi, và mua bỏng ngô hay thứ gì đó tôi thích về ăn. Đó là lần đầu tiên tôi được cầm một món tiền lớn trong tay (chắc tầm bằng 20.000 đồng bây giờ), đủ để mua túi bỏng ngô lớn và vài quả ổi. Nhưng khi về đến nhà, “cô bạn mẹ” đã đi mất. Vài ba cái nồi, cái ấm nước và mấy bộ quần áo của mẹ và con cũng theo cô đi cùng. Thậm chí, đến cả chăn màn cũng mất nốt.

Mẹ về, hỏi những người hàng xóm, họ chỉ biết đó là người lạ nhưng thấy tôi cười nói cùng lại tưởng anh em ở quê lên nên cũng không chặn lại. Hỏi đến tôi, tôi chỉ nói, con tưởng đó là bạn mẹ vì cô nói cô là bạn mẹ Thu, làm ở “Bốn Bảy Chín” (479).  Mẹ không trách tôi tiếng nào nhưng tôi nhớ mãi khuôn mặt thất thần của bà. Gương mặt thất thần của một người nghèo đến cái chăn bị sờn, cái ấm bị han gỉ, móp méo tứ bề cũng bị mất. Hàng xóm xung quanh phải mang đồ đến cho hai mẹ con dùng tạm… Sau này tôi lớn, mẹ hay trêu, đó là “phi vụ” bán sỉ đầu tiên của tôi. Đổi tất cả đồ đạc trong nhà lấy túi bỏng ngô và ba quả ổi.

Tuổi thơ Bống, chắc chắn chẳng bao giờ gặp những điều tương tự khi con được dạy những kỹ năng cơ bản từ sớm, trong đó, tập cách tiêu tiền, mua đồ… phải bằng chính đồng tiền của mình. Bạn Bống 6 tuổi đã có thể giúp mẹ vào siêu thị tiện lợi mua đồ, biết đứng xếp hàng chờ đến lượt, biết cảm ơn khi mua hàng xong, biết chắt chiu để dành ống heo (tiền có được là từ tiền mừng tuổi, được mẹ thưởng khi làm việc nhà…) để có tiền đi du lịch cùng mẹ… Hết thảy những kỹ năng nho nhỏ ấy con cũng như nhiều bè bạn bằng tuổi khác đã được bố, mẹ dạy cho trong trường đời.

* * * * *

Đến giờ thì ý kiến cho việc có nên để trẻ tiêu tiền sớm không/ Có nên cho trẻ tiền sớm không vẫn khiến không ít bố mẹ lâm vào cảnh… cãi nhau. Dù, thật ra dạy hay không dạy thì trẻ cũng có thể tự biết tiêu tiền. Tiêu sao cho đúng mới là điều cần dạy. Mà việc tiêu sao cho đúng thì đến giờ mẹ Bống, ngoài 30 vẫn còn cần phải học và điều chỉnh.

Nếu không có cơ hội cầm những đồng tiền lẻ trong tay, bé con của mẹ sẽ không có cơ hội học được những bài học nhỏ thú vị như bài học từ anh Vĩnh Đăng, mẹ không có cơ hội để trò chuyện với con khi con có những hành vi chưa đúng mực về tiêu tiền. Và mẹ cũng không có cảm giác cay mắt vì hạnh phúc khi được một cô nhỏ chia sẻ cho 20.000 đồng – là số tiền lớn nhất mà cô ấy có.

Và vì thế, trong một chừng mực nào đó, cho con một ít tiền lẻ để tập cho con cách chi tiêu vẫn là điều nên làm.

Ảnh minh họa: Internet