'Tiền mất tật mang' vì tin lời thầy lang chữa chó dại cắn

(Baonghean) - Chỉ riêng đầu năm đến nay, đã có 5 người ở Nghệ An tử vong vì chó dại cắn, và đang có dấu hiệu gia tăng trong thời gian tới. Trong khi đó, nhiều người dân vẫn còn tâm lý tìm đến thầy lang để cứu chữa.

Nguy hiểm rình rập

Trung tuần tháng 5, tại khu vực ngã 3 bản Xiềng Nứa, xã Yên Na (Tương Dương) xuất hiện 1 con chó nghi bị bệnh dại đuổi cắn nhiều người khiến người dân chạy tán loạn. Do còn nhỏ, không bỏ chạy kịp nên 2 em nhỏ 2 và 8 tuổi đã bị con chó này cắn. "Ngay khi phát hiện sự việc, nhiều người dân trên địa bàn đã hô hoán nhau đuổi đánh chết con chó đó. Tuy nhiên, không có ai nhận là chủ của con chó đó", ông Vi Văn Thắng – Chủ tịch UBND xã Yên Na nói.

Cũng vì con chó bị đánh chết nên hiện nay, cơ quan chức năng chưa xác định được con chó này có bị bệnh dại hay không. Nhiều hộ dân sau đó đã hốt hoảng đưa con em đi tiêm phòng. Đặc biệt, cách đây không lâu, tại bản này cũng có 1 học sinh bị chó dại cắn tử vong. Đây là vụ việc nghi bị chó dại cắn mới nhất ở Nghệ An.

Thói quen nuôi chó thả rông khiến nguy cơ bị chó dại cắn luôn rình rập.
Thói quen nuôi chó thả rông khiến nguy cơ bị chó dại cắn luôn rình rập.

Cứ 15 phút thì có 1 người chết vì bệnh dại trên thế giới. Đây là thực tế đáng buồn của tình hình bệnh dại hiện nay. Hàng năm, bệnh dại giết chết gần 60.000 người, chủ yếu là trẻ em ở các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, thống kê từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước đã có trên 170.765 người bị phơi nhiễm phải đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Trước đó, trong cả năm 2018, cả nước cũng có tới 103 người tử vong vì bệnh dại (tăng 29 trường hợp so với năm 2017).

Còn tại Nghệ An, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay đã có 5 người tử vong do chó dại cắn. Vụ việc mới nhất là bé trai 7 tuổi ở xã Mã Thành (Yên Thành). Hơn 2 tháng trước, bé trai này trong lúc nô đùa với 1 con chó lạ đã vô tình bị cắn nhẹ vào tay và chân. Nhưng vì chủ quan, gia đình đã không đưa đi tiêm phòng. Sau khi bé có một số biểu hiện bất thường, gia đình lại mang đến thầy lang cứu chữa. Khi được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi thì bệnh nhân đã vô phương cứu chữa.

Vài tháng trước, cũng tại huyện Yên Thành, 1 thầy giáo 45 tuổi tử vong vì chó dại cắn. Người nhà nạn nhân cho biết, trước Tết Nguyên đán, ông T. bị 1 con chó thả rông cắn. Tuy nhiên, do chủ quan, nghĩ vào mùa Đông chó ít bị mắc bệnh dại nên ông T. không đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại phơi nhiễm. Sau đó, ông bắt đầu có các triệu chứng bất thường nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu, điều trị. Được các bác sỹ chẩn đoán bị nhiễm virus bệnh dại ở giai đoạn nặng nên bệnh viện đã chuyển ông lên tuyến trên để điều trị. Dù đã được chuyển tuyến lên một bệnh viện ở Hà Nội để cấp cứu, điều trị nhưng ông T. đã tử vong do bệnh chuyển biến nặng.

Sau 2 vụ tử vong này, người dân mới đổ xô đi tiêm phòng dại. Tuy nhiên, ông Bùi Trọng Long - Bí thư Đảng ủy xã Mã Thành cho hay, do chi phí quá cao nên nhiều hộ vẫn gặp khó, muốn đi tiêm phòng cũng không có tiền.

Theo bác sỹ Hoàng Ngọc Đàn – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An thì chi phí cao cũng là một nguyên nhân khiến người dân chủ quan, không đi tiêm phòng dù bị chó cắn. Chi phí để tiêm vắc-xin phòng bệnh dại là 1,5 triệu đồng/người, chưa kể tiêm huyết thanh với số tiền hơn 1 triệu đồng cho 1 người lớn và khoảng 500.000 đồng cho trẻ em. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có gần 5.000 người được tiêm phòng.

Tuyệt đối không tin lời thầy lang

Cũng theo bác sỹ Đàn, bệnh dại thường gia tăng vào mùa Hè. Thời gian ủ bệnh kéo dài, sớm nhất là nửa tháng, đa số vài ba tháng, có người đến vài năm. Thời gian phát bệnh phụ thuộc vào vị trí bị chó cắn. Nơi bị chó cắn càng gần thần kinh trung ương thì nạn nhân càng phát bệnh nhanh. Vì thế, những người bị chó cắn ở vùng đầu, mặt, cổ thì cần tiêm huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt trong vòng 12 giờ sau khi bị cắn.

Trường hợp biết chính xác con chó bị dại, ốm hoặc chó cắn xong 1 ngày thì chết, người bị cắn thuộc nhóm nguy cơ cao cần tiêm huyết thanh trước, sau đó tiêm vắc-xin phòng dại. Trường hợp vết cắn nhẹ, xảy ra ở chân, xa thần kinh trung ương và tại thời điểm cắn người con vật vẫn bình thường, cần theo dõi chó trong vòng 10-15 ngày.

Trong thời gian theo dõi, nếu chó bỏ ăn, chết, mất tích... thì phải tiêm vắc-xin phòng dại ngay. Tuy nhiên, nếu đến cơ sở y tế muộn sau khi chó cắn thì việc tiêm huyết thanh kháng dại sẽ không còn tác dụng. Tốt hơn hết nên tiêm vắc-xin ngay sau bị chó cắn. Phải tiêm phòng đủ liều theo quy định, liều lượng, kỹ thuật và tiêm đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm theo hướng dẫn.

Đầu năm đến nay, ở Nghệ An đã có 5 người thiệt mạng do chó dại cắn.
Từ đầu năm đến nay, ở Nghệ An đã có 5 người thiệt mạng do chó dại cắn.

Kể về trường hợp tử vong mới nhất ở Nghệ An, bác sỹ Hoàng Ngọc Đàn cho hay, sau khi bệnh viện trả về, người nhà lại tiếp tục mang bé đến cứu chữa ở thầy lang. Tuy nhiên, sau khi uống thuốc của thầy lang được ít giờ, cháu đã tử vong. “Hiện nay, người dân rất tin tưởng vào thầy lang. Cứ chó dại cắn là không mang đi tiêm phòng mà lại mang đến thầy lang. Rất là nguy hiểm”, bác sỹ Đàn nói và cho hay, nhiều trường hợp sau khi bị chó cắn mang đến thầy lang chữa sau đó khỏi. Nhưng trên thực tế, con chó cắn người đó không hề bị dại.

Bác sỹ Đàn cho hay, khi bị chó dại cắn, không phải 100% số người bị cắn phát bệnh dại mà có người bị, có người không. Nguy cơ bệnh nhiễm bệnh dại tùy thuộc lượng virus trong nước bọt chó nhiều hay ít, vết thương sâu hay không làm rách da. Tuy nhiên, không thể dự đoán được người nào có thể bị phát dại hay không, và khi đã phát bệnh dại nói chung sẽ tử vong nên tất cả những người bị chó dại cắn đều phải được tiêm vắc-xin phòng bệnh dại.

Hàng năm ở nước ta vẫn có hàng chục bệnh nhân chết oan vì tin lời thầy lang thăm khám rồi cho thuốc chữa và bỏ không đi tiêm vắc-xin.

Để chủ động phòng, chống bệnh dại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An khuyến cáo người dân khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.

Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc povidone, iodine; hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đến ngay trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Và đặc biệt, tuyệt đối không được tin lời thầy lang.

Tin mới