Tiến sỹ Maria Van Kerkhove: Thân phận 'giữa đôi dòng nước' ở WHO

(Baonghean) - Một nhân vật đang nổi lên tại WHO, xuất hiện nhiều nhất trong các cuộc họp báo và cung cấp hướng dẫn cho các chính phủ trên toàn thế giới, đó là người Mỹ: Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, người tự nhận phải cân bằng giữa “lòng yêu nước” và “công việc chuyên môn” để thực thi nhiệm vụ.

Tiếng nói “người trong cuộc”

Ngày 14/1/2020 là một ngày đáng nhớ với Tiến sĩ Maria Van Kerkhov sau hơn 3 năm làm việc tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đó là ngày đầu tiên bà xuất hiện trong một cuộc họp báo trước đông đảo phóng viên quốc tế trong cương vị bà mới được bổ nhiệm: Chuyên gia phụ trách kỹ thuật trong chiến dịch ứng phó dịch Covid-19 của WHO – trụ cột quan trọng nhất trong việc đưa ra các hướng dẫn kỹ thuật cho chính phủ các quốc gia trên toàn thế giới.

Đó cũng là ngày bà Maria Van Kerkhov trở thành chuyên gia y tế cao cấp nhất thế giới chính thức tuyên bố một cách công khai rằng virus Sars-CoV-2 có thể lây truyền từ người sang người - khác hẳn với thông tin mà WHO đăng tải trên Twitter cũng trong ngày hôm đó, rằng “các cuộc điều tra sơ bộ do chính quyền Trung Quốc thực hiện đã không tìm thấy bằng chứng rõ ràng nào về việc virus Sars-CoV-2 lây truyền từ người sang người”.

Tiến sĩ Maria Van Kerkhove là nhân vật xuất hiện nhiều nhất trong các cuộc họp báo của WHO.Ảnh: AFP
Tiến sĩ Maria Van Kerkhove. Ảnh: AFP

Kể từ thời điểm đó, bà đã trở thành nhân vật nổi tiếng trong giới y tế cộng đồng trên toàn cầu, thậm chí cả với những người không hoạt động trong lĩnh vực y tế, bởi họ luôn chờ đợi những hướng dẫn thiết thực nhất từ một chuyên gia kỹ thuật hàng đầu của WHO. Một quan chức cấp cao của WHO sau này có tiết lộ với báo giới rằng, dòng trạng thái đăng tải trên Twitter của tổ chức này nhằm giữ cho những tuyên bố của bà Maria Van Kerkhov không đi quá xa so với báo cáo chính thức mà tổ chức này nhận được từ chính phủ Trung Quốc.

Theo quan điểm của Maria Van Kerkhov, khi nhắc đến một nhóm bệnh gây viêm phổi hoặc bất cứ một bệnh về đường hô hấp nào khác, điều đầu tiên phải nghĩ đến là khả năng lây truyền từ người sang người. Trên thực tế, trong các tài liệu hướng dẫn từ ngày 10/1/2020, WHO đã nhắc đến các biện pháp phòng ngừa nhằm tránh sự lây lan của virus Sars-CoV-2 qua giọt bắn trong không khí. Nhưng bà Maria Van Kerkhov cũng thừa nhận rằng, ngay từ những ngày đầu dịch bệnh bùng phát, khó có thể xác định một cách nhanh chóng và rõ ràng rằng liệu loại virus này có khả năng lây nhiễm cao hay không, liệu sẽ giống như virus gây dịch bệnh SARS, MERS hay là hạn chế hơn.

Theo bà Maria Van Kerkhov, những nghiên cứu và phản ứng nội bộ của WHO luôn mang nhiều sắc thái hơn so với những gì được công bố công khai. Dù các chuyên gia của WHO luôn cố gắng thu thập dữ liệu nhiều nhất có thể, song cuối cùng vẫn phải dựa vào thông tin do chính phủ các quốc gia thành viên cung cấp.

Tiến sĩ Maria Van Kerkhove là nhân vật xuất hiện nhiều nhất trong các cuộc họp báo của WHO.
Tiến sĩ Maria Van Kerkhove là nhân vật xuất hiện nhiều nhất trong các cuộc họp báo của WHO.

Bởi vậy, dù vẫn có những khúc mắc liên quan đến thời điểm WHO chính thức tuyên bố virus Sars-CoV-2 có thể lây truyền từ người sang người, song bà Maria Van Kerkhov vẫn bảo vệ cách thức phản ứng của WHO trong ứng phó với dịch Covid-19 trong những ngày đầu bùng phát dịch bệnh. Đó là việc WHO đã nhanh chóng thành lập Ủy ban Y tế khẩn cấp, bất chấp một số chuyên gia nhận định rằng nguy cơ về đại dịch đã bị thổi phồng. Đó là việc chỉ 3 ngày sau khi Trung Quốc công bố về các trường hợp nhiễm bệnh viêm phổi lạ, chuỗi RNA đầu tiên của virus mới đã được cung cấp cho các phòng thí nghiệm y tế công cộng trên toàn cầu. Đó là việc 4 ngày sau khi phân lập được chuỗi RNA của virus, WHO đã cung cấp được các bộ xét nghiệm cho các quốc gia thành viên.

Ngoài ra, từ khi có thông tin về các trường hợp viêm phổi lạ ở Vũ Hán vào ngày 31/12, WHO đã huy động mạng lưới chuyên gia trên khắp thế giới để thu thập thông tin rất nhanh, tập trung vào các chủng virus tương tự đã gây nên dịch bệnh SARS và MERS để đưa ra bản hướng dẫn đầu tiên cho các hệ thống y tế trên toàn cầu về Covid-19 vào ngày 10/1/2020.

Sự lựa chọn bằng trái tim

Phản ứng của WHO trong giai đoạn đầu dịch Covid-19 đã vấp phải chỉ trích dữ dội của Tổng thống Mỹ Donald Trump, và cũng là nguyên nhân khiến Mỹ quyết định dừng tài trợ kinh phí cho tổ chức này. Nhưng Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nói rằng, sẽ đến lúc WHO phải xem lại toàn bộ quy trình phản ứng trước dịch Covid-19, xem lại trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Nhưng đó là công việc sau này, khi dịch bệnh đã qua đi, còn giờ là lúc cả thế giới phải đoàn kết để cùng chung tay đối phó với đại dịch.

Chỉ trích của Tổng thống Donald Trump với WHO không ảnh hưởng tới sự cống hiến của các chuyên gia y tế Mỹ đang làm việc tại WHO. Ảnh: Financial Times
Chỉ trích của Tổng thống Donald Trump với WHO không ảnh hưởng tới sự cống hiến của các chuyên gia y tế Mỹ đang làm việc tại WHO. Ảnh: Financial Times

Quên đi những tranh cãi chính trị, tập trung vào công tác phòng chống dịch - đó cũng là nhiệm vụ trước mắt của Tiến sĩ Maria Van Kerkhove và gần 30 chuyên gia y tế hàng đầu của Mỹ đang làm việc tại WHO. Maria Van Kerkhove chia sẻ rằng bà là một “người yêu nước”. Nhưng yêu nước theo quan điểm của bà là mong muốn đất nước đóng góp nhiều hơn, thể hiện vai trò rõ hơn trong nỗ lực chung của toàn cầu trước đại dịch. Bởi vậy, bà thấy buồn khi WHO không còn nhận được nguồn tài trợ từ quê hương mình.

Khi mắc kẹt giữa những tranh cãi mang màu sắc chính trị, và vẫn lựa chọn thực hiện trách nhiệm của một chuyên gia y tế công cộng hàng đầu thế giới, từ đó đưa ra những tư vấn hữu ích nhất cho chính quyền trong nước thông qua mối quan hệ hợp tác chặt chẽ đã được thiết lập trong nhiều thập kỷ giữa WHO và 2 tổ chức y tế hàng đầu của Mỹ là Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) và Viện Sức khỏe quốc gia (NIH).

Khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, mỗi ngày mới của Maria Van Kerkhove bắt đầu bằng một cuộc họp trực tuyến về quản lý dịch Covid-19 với trưởng các nhóm làm việc của WHO ở khắp nơi trên thế giới. Một giờ tiếp theo sẽ là xem xét diễn biến các dịch bệnh khác như Ebola, sốt vàng da, sốt rét, dịch tả… Từ 10 giờ sáng trở đi sẽ là phiên làm việc với đội ngũ chuyên gia nghiên cứu về dịch Covid-19 để nắm bắt những tiến bộ trong nghiên cứu vaccine hay thuốc điều trị, họp với lãnh đạo cao cấp về y tế của các quốc gia…

Tiến sĩ Maria Van Kerkhove chịu trách nhiệm ban hành hướng dẫn kỹ thuật cho các chính phủ trong ứng phó Covid-19, Ảnh: Global Times
Tiến sĩ Maria Van Kerkhove chịu trách nhiệm ban hành hướng dẫn kỹ thuật cho các chính phủ trong ứng phó dịch Covid-19, Ảnh: Global Times

Sau đó, đội ngũ chuyên gia kỹ thuật của WHO dưới sự điều hành của Maria Van Kerkhove sẽ phải phân tích, tổng hợp toàn bộ những thông tin mang tính chuyên ngành và chuyển thành những hướng dẫn một cách cụ thể nhất, dễ hiểu nhất cho các hệ thống y tế từ cấp quốc tế, quốc gia tới các địa phương. Những hướng dẫn này sẽ được Tiến sĩ Maria Van Kerkhove đại diện WHO công bố một cách công khai trong 3 buổi họp báo mỗi tuần. Giống như nhiều đồng nghiệp khác đang làm việc tại WHO, mỗi ngày làm việc của Maria Van Kerkhove ít khi kết thúc trước 10 giờ tối.

Maria Van Kerkhove thừa nhận, đối mặt và xử lý các cuộc khủng hoảng liên quan đến chính trị không phải là thế mạnh của bà. Nhưng khi cả thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất từ Chiến tranh Thế giới 2, dù mang quốc tịch Mỹ hay bất cứ quốc tịch nào khác, mục tiêu hàng đầu của các chuyên gia y tế tại WHO như Maria Van Kerkhove là cứu nhiều người nhất có thể. Và Maria Van Kerkhove tin rằng, dịch Covid-19 rồi sẽ được kiểm soát, với sự tin tưởng và hợp tác giữa các chính phủ với giới chuyên gia y tế trên phạm vi toàn cầu.

Tin mới