Tiếng nói của cổ động viên SLNA cần được tôn trọng

(Baonghean.vn) - Sông Lam Nghệ An đã bết bát nhiều năm liền, niềm tin của người hâm mộ xứ Nghệ đã chạm đáy, nhưng liệu tiếng nói tâm huyết và trăn trở của họ có được lắng nghe.

Nghịch lý

Có quá nhiều nghịch lý đang xảy ra tại SLNA - biểu tượng duy nhất còn sót lại trong thời buổi bóng đá đang tiến tới sự chuyên nghiệp. Và nó trở thành những câu hỏi, nghi vấn mãi chưa thể tìm ra được lời giải. CLB SLNA có đầy đủ yếu tố để trở thành một đội bóng mạnh tại V.League, sân Vinh với tình yêu của người hâm mộ xứ Nghệ cũng xứng đáng trở thành một địa điểm đông vui, náo nhiệt vào mỗi dịp cuối tuần.

Tạm khép lại những kỳ tích, thành tích trong quá khứ, SLNA vẫn là đội bóng có một nội lực rất mạnh đến từ công tác đào tạo trẻ. Đây là một bệ phóng rất quan trọng giúp các CLB V.League duy trì sự ổn định về mặt lực lượng. Và để có được vấn đề mang tính then chốt này, đào tạo trẻ SLNA đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ và đầu tư mạnh từ tỉnh nhà cùng các bên liên quan. Hiếm có địa phương nào của các nước chi mỗi năm 20-25 tỷ đồng cho đào tạo trẻ.

Với những đội bóng khác, ngoài tuyển chọn ngoại binh, họ còn phải chiêu mộ thêm nội binh. Còn SLNA thì không, đội bóng xứ Nghệ là CLB hiếm hoi có nguồn cầu thủ dồi dào của địa phương, gần như không phải bỏ tiền chiêu mộ nội binh và 100% cầu thủ gốc Nghệ. Tuy nhiên, nghịch lý lớn nhất rằng những cầu thủ tốt nhất của SLNA lại không thể ở lại cống hiến lâu dài cho đội bóng quê hương. Khi đã đủ 25 tuổi, họ dứt áo ra đi và một đội bóng chuyên nghiệp lại hầu như không thể thu về nguồn thu nào từ những vụ chuyển nhượng đó. Đây là một nghịch lý đi ngược lại với quy luật tồn tại của bóng đá chuyên nghiệp và bóng đá thế giới.

Sân Vinh đã “nguội lạnh” trong nhiều năm trở lại đây vì niềm tin của người hâm mộ SLNA đang dần cạn kiệt. Ảnh: Đức Anh
Sân Vinh đã “nguội lạnh” trong nhiều năm trở lại đây vì niềm tin của người hâm mộ SLNA đang dần cạn kiệt. Ảnh: Đức Anh

Nghịch lý tiếp theo đến từ công tác tuyển chọn ngoại binh. Với bất kỳ CLB nào tại V.League, thành bại là ở ngoại binh. Trong 5-7 năm trở lại đây, không phải là SLNA không tìm kiếm được những ngoại binh giỏi, nhưng họ chỉ thi đấu 1 năm theo hợp đồng rồi ra đi. Chỉ duy nhất trường hợp của Michael Olaha thi đấu 3 năm, còn lại những Jeremie Lynch, Damir Memovic… đều ra đi tìm bến đỗ mới. Liệu có lời giải nào cho tồn tại này hay không?

Nếu đó là vấn đề tài chính cũng không phải hoàn toàn. Nhà tài trợ Ngân hàng Bắc Á vẫn đảm bảo sự ổn định cho CLB SLNA hoạt động. Nhìn sang câu chuyện cầu thủ Than Quảng Ninh bị nợ lương, thưởng, lót tay 8 tháng mới thấy được giá trị đồng hành hơn 10 năm của nhà tài trợ SLNA. Và nghịch lý xuất hiện ở đây là CLB SLNA hầu như không chủ động hoặc không thể tìm kiếm nguồn thu nhập tăng thêm.

Nỗi lòng người hâm mộ

Sau trận thua 0-2 bạc nhược và xấu hổ trước HL Hà Tĩnh, diễn đàn Hội CĐV SLNA đã nói lên tiếng nói của mình. Dù rằng, đây không phải là lần đầu tiên họ lên tiếng. Nếu một đội bóng chỉ thua 1 vài trận, đó là chuyện hết sức bình thường trong bóng đá. Và HLV trưởng có thể chịu trách nhiệm cho những trận thua đó, nhưng kết quả bết bát nhiều năm liền từ năm 2016 đến nay của SLNA thì đó hoàn toàn là một câu chuyện nằm ngoài chuyên môn, mà là định hướng phát triển.

Cụ thể, quản trị diễn đàn Hội CĐV SLNA đã viết một bài viết dài về tâm tư, nỗi lòng của họ với SLNA lúc này. Bài viết được mở đầu bằng những từ như “về phía”, họ đứng về phía cầu thủ để hiểu rằng, cầu thủ vì một lý do nào đó mà năng lực, phong độ, tinh thần, tâm lý của họ chưa được phát huy một cách tối đa. Họ đứng về phía BHL SLNA để thấu hiểu những khó khăn, áp lực của những nhà chuyên môn đang đứng mũi chịu sào như HLV Ngô Quang Trường.

Người hâm mộ xứ Nghệ đã thất vọng vì đội bóng trong một khoảng thời gian dài. Ảnh: TK
Người hâm mộ xứ Nghệ đã thất vọng vì đội bóng trong một khoảng thời gian dài. Ảnh: TK

Người hâm mộ xứ Nghệ cũng đứng về phía nhà tài trợ để trân trọng và biết ơn nỗ lực của doanh nghiệp trong hoàn cảnh bóng đá không thể mang lại nguồn thu. Và CĐV SLNA cũng dành một sự tôn trọng, ghi nhận với đội ngũ lãnh đạo CLB SLNA vì những gì họ đã làm được cho bóng đá xứ Nghệ và những khó khăn riêng.

Tuy nhiên, điểm nhấn của bài viết đó chính là việc đặt ra vấn đề, lãnh đạo CLB SLNA cần tin tưởng vào thế hệ trẻ kế cận. Ở thời buổi kinh tế, xã hội phát triển, một câu lạc bộ, một doanh nghiệp như SLNA đang hoạt động một cách vật vờ nếu không muốn nói là tụt hậu.

Bóng đá không có khán giả bóng đá sẽ chết. Tiếng nói của người hâm mộ cần được tôn trọng và cần được lắng nghe, giống như cách Hội CĐV Hải Phòng yêu cầu làm mới bộ máy lãnh đạo để mong bóng đá đất Cảng phát triển. Một sự không lòng vòng đã mang lại những kết quả tích cực ban đầu, CLB Hải Phòng có chủ tịch mới và nhiều kế hoạch cụ thể được đặt ra một cách rõ ràng, bài bản.

Bóng đá Việt Nam và V.League đang vui chưa từng thấy với những chảo lửa khắp cả nước, thật đáng tiếc sân Vinh và người hâm mộ SLNA đang bị lãng quên. Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA luôn có một thông điệp, đó là “Respect” – tạm dịch là sự tộn trọng.

Sông Lam Nghệ An: 'Yêu nhau đừng để bằng mười phụ nhau'

Sông Lam Nghệ An: 'Yêu nhau đừng để bằng mười phụ nhau'

(Baonghean.vn) - Không biết tất nhiên hay ngẫu nhiên, ở hai trận thua liên tiếp ở vòng 6 và vòng 7 V. League GĐ1, SLNA đều để thua sát nút từ tình huống cố định và đều do trung vệ đội khách đánh đầu ghi bàn (Tiến Dũng của Viettel và Anh Quang của D. Nam Định).

Tin mới