Tiếng Việt công nghệ: Cần lắng nghe để hoàn thiện chương trình

(Baonghean.vn) - Qua triển khai nhân rộng ở Nghệ An, chương trình Tiếng Việt công nghệ đã đem đến nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó, để chương trình hoàn thiện hơn thì đang cần những điều chỉnh để gần gũi với đối tượng học trò, sát với văn hóa người Việt và giảm tải áp lực.

Cô giáo Vũ Thị Kiều Dung - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quán Hành

Trao quyền tự chủ cho giáo viên trong giảng dạy

Đây là năm thứ 6, chúng tôi áp dụng chương trình ở nhà trường. Thời gian đầu việc triển khai khá khó khăn, thứ nhất là công tác bồi dưỡng giáo viên, thứ hai là áp lực phụ huynh bởi họ cho rằng, có sự khác biệt ở hai chương trình hiện hành và công nghệ.

Tuy nhiên, với vai trò của người quản lý, chúng tôi đã tư vấn và cho phụ huynh biết được những ưu điểm của chương trình. Hơn thế, chúng tôi thuyết phục được phụ huynh bằng hiệu quả của chương trình công nghệ thông qua kết quả 5 năm triển khai.

Thực tế chương trình này có nhiều ưu điểm vì sau khi học xong học sinh đọc thông viết thạo và cơ bản hoàn thiện. Học sinh nắm vững luật chính tả và cấu trúc ngữ âm của tiếng. Đặc biệt là học sinh lớp 1 được phát triển tư duy khoa học thông qua chuỗi việc làm đã được hiện hành trong bài học.

Giờ học Tiếng Việt theo chương trình công nghệ ở Trường Tiểu học Quán Hành. Ảnh: Mỹ Hà
Giờ học Tiếng Việt theo chương trình công nghệ ở Trường Tiểu học Quán Hành. Ảnh: Mỹ Hà

Tuy nhiên, ngoài ưu điểm thì chương trình Tiếng Việt công nghệ có những hạn chế: Tuy chương trình có phân hóa cho học sinh đại trà và học sinh khá nhưng vẫn có nhiều bài đọc quá dài. Ngoài ra, một số bài học rất nhiều âm và có một số từ không có nghĩa, một số thành ngữ, tục ngữ rất khó với học sinh lớp 1 khiến học sinh khó nhớ. Hơn thế, có một số bài học tính giáo dục chưa cao.

Trước thực tế này, chúng tôi yêu cầu giáo viên trước hết phải làm tốt giáo dục đại trà, đảm bảo 100% học sinh thực hiện tốt chương trình chuẩn công nghệ. Còn những học sinh phân hóa thì để các em tiếp cận với những bài khó, bài dài.

Tôi cũng thấy, qua phản hồi của phụ huynh, học sinh, giáo viên, hàng năm sách Tiếng Việt công nghệ cũng được chỉnh lý và giáo viên cũng đã được tập huấn. Với những từ chân không về nghĩa chúng tôi cũng cho phép giáo viên thay thế để tự chủ trong quá trình giảng dạy.

NGƯT. Tiến sỹ Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo:

Công nghệ giáo dục có đất sống bởi nó còn giúp cho mục tiêu của chương trình lớp 1 thành công

Những năm qua, mặc dù quan điểm của Sở là triển khai tự nguyện nhưng hàng năm số trường tham gia ngày một nhiều, năm sau cao hơn năm trước đã cho thấy tính tích cực của chương trình này. Đó là học sinh đọc thông, viết thạo “học đến đâu, biết đến đó" và viết chính tả chính xác.

Chương trình cũng đặc biệt thích hợp ở vùng miền núi cao, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sử dụng phương ngữ nhiều và không có tình trạng tái mù chữ.

Nhiều năm trước học sinh miền núi Nghệ An đã được học theo chương trình Tiếng Việt công nghệ. Ảnh: Mỹ Hà
Nhiều năm trước học sinh miền núi Nghệ An đã được học theo chương trình Tiếng Việt công nghệ. Ảnh: Mỹ Hà

Tôi cũng thấy rằng, đánh giá việc dạy Tiếng Việt lớp 1 theo chương trình công nghệ, cách phát âm là cái lõi bên ngoài, còn công nghệ giáo dục có đất sống bởi nó còn giúp cho mục tiêu của chương trình lớp 1 thành công. Đó là cách tổ chức dạy học (giúp cho học sinh tự trải nghiệm, tự học dưới sự hướng dẫn của thầy, theo phương châm “thầy thiết kế, trò thi công”).

Cũng nhờ phương pháp này nên học sinh lớp 1 học theo chương trình công nghệ có kỹ năng đọc, kỹ năng viết nhanh hơn. Thứ hai, cách tiếp cận ngôn ngữ của giáo sư Hồ Ngọc Đại đúng với quy luật hình thành kỹ năng.

Khi con người đã nghe - nói chuẩn âm vần thì viết mới chuẩn. Điều này cũng tạo ra sự khác biệt với chương trình hiện hành. Ở chương trình cũ, học sinh có thể đọc thông thạo nhưng có thể viết sai vì không nhận diện được âm vần chính xác.

Tin mới