Tiếp tục ‘nóng’ nhiều vấn đề 'hậu' các dự án thủy điện Nghệ An

(Baonghean.vn) - Mặc dù UBND tỉnh, các sở, ngành và các địa phương của tỉnh Nghệ An đã vào cuộc tích cực; song nhiều vấn đề tồn tại hậu các dự án thủy điện chậm khắc phục và tiếp tục “nóng” tại phiên giải trình.

 Chậm giải quyết các tồn tại

Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Ảnh: Mai Hoa
Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên giải trình. Ảnh: Mai Hoa

Sáng 25/4, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình liên quan đến kết quả thực hiện kết luận tại phiên chất vấn của HĐND tỉnh và phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh liên quan đến giải quyết các tồn tại từ các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh.

Tại phiên giải trình, ông Hoàng Văn Tám - Giám đốc Sở Công Thương khẳng định, triển khai các nội dung kết luận phiên chất vấn của HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh tổ chức vào tháng 7/2018 và kết luận phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh tổ chức vào tháng 4/2017; UBND tỉnh và các sở, ngành, các địa phương và các chủ đầu tư đã vào cuộc giải quyết từng bước các yêu cầu đặt ra.

Thành công nhất là một số kiến nghị của tỉnh liên quan đến dự án thủy điện đã được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo cụ thể tại Thông báo số 143/TB-VPCP, ngày 13/4/2019.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường  Ảnh: Mai Hoa
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương rà soát, kiểm điểm các hộ dân vùng hạ du có nguy cơ ảnh hưởng từ các dự án thủy điện để chủ động có phương án đảm bảo an toàn. Ảnh: Mai Hoa
Tuy nhiên vẫn còn nhiều nội dung còn chậm tiến độ, vướng mắc. Chẳng hạn, 8 tồn tại của dự án thủy điện Bản Vẽ, đến thời điểm này đều chưa hoàn thành, mặc dù có một số nội dung yêu cầu giải quyết dứt điểm vào quý IV/2018.
Hay dự án thủy điện Hủa Na mới chỉ có 1/6 nội dung hoàn thành; dự án thủy điện Khe Bố có 3 nội dung đều đang triển khai.

Nguyên nhân chậm, theo Giám đốc Sở Công Thương do vướng mắc về cơ chế chính sách pháp luật, phải xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương - đơn vị chủ quản của 3 dự án thủy điện nêu trên liên quan đến chính sách đền bù trên cốt ngập cho người dân bị ảnh hưởng; nguồn vốn đầu tư bổ sung một số công trình, hạng mục phát sinh…

Khu tái định cư dụ án thủy điện Bản Vẽ tại Tương Dương chưa tạo được sự đồng thuận của người dân. Ảnh Mai Hoa
Khu tái định cư dự án thủy điện Bản Vẽ tại Tương Dương chưa tạo được sự đồng thuận của người dân. Ảnh: Mai Hoa

Về phía các chủ đầu tư cũng chưa tích cực phối hợp với các địa phương trong việc giải quyết các tồn tại về thực hiện các chính sách hỗ trợ tái định cư. Về trách nhiệm của các địa phương liên quan đến bồi thường, hỗ trợ cho người dân do Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng của huyện thay đổi nhân sự nên ảnh hưởng đến công tác này.

Nghiên cứu phương án quy trình vận hành liên hồ chứa

Trên cơ sở giải trình của Giám đốc Sở Công Thương, đại diện một số sở, ngành cấp tỉnh, các địa phương và chủ đầu tư cho rằng, vấn đề khó khăn, vướng mắc cần giải quyết hiện nay là đẩy nhanh việc hoàn thành việc giao đất lúa, đất lâm nghiệp, đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân.

Thủy điện bản Vẽ xã lũ. Ảnh tư liệu
Thủy điện Bản Vẽ xã lũ. Ảnh tư liệu
Ngoài việc tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế “hậu” dự án thủy điện, nhiều ý kiến nhấn mạnh, vấn đề các chủ đầu tư cần chú trọng là đảm bảo ổn định đời sống và an toàn tính mạng cho người dân thông qua nghiên cứu, sửa đổi quy trình vận hành liên hồ chứa; có chủ trương nạo vét các lòng hồ thủy điện, đồng thời chủ động nắm bắt tình hình mưa lũ đầu thượng nguồn để chủ động đón lũ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng tiếp thu các nội dung được HĐND tỉnh chỉ ra. Ảnh: Mai Hoa
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng nhấn mạnh trách nhiệm của các chủ đầu tư trong việc phối hợp các địa phương giải quyết các tồn tại một cách dứt điểm. Ảnh: Mai Hoa

Kết luận tại phiên giải trình, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn đánh giá cao sự vào cuộc của UBND tỉnh, các sở, ngành, các địa phương và chủ đầu tư trong việc giải quyết các tồn tại “hậu” tái định cư thủy điện và hậu quả lũ lụt trong tháng 8/2018 vừa qua.

Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh yêu cầu, UBND tỉnh, các ngành, các địa phương, các chủ đầu tư cần có trách nhiệm cao hơn, cụ thể hơn trước dân để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các tồn tại, hạn chế, nhất là đất sản xuất cho người dân và thực hiện tái định cư cho 65 hộ dân ở Tương Dương, gia cố các công trình hạ tầng vùng xung yếu.

Gắn với đó, UBND tỉnh cần chỉ đạo xem xét lại quy định vận hành hồ chứa các dự án thủy điện phát huy hiệu quả trong thực tế; đồng thời nghiên cứu, phê duyệt quy trình vận hành liên hồ chứa chặt chẽ và chủ động các phương án ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, đảm bảo không có sự cố xảy ra.

Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn giải trình một số kiến nghị, phản ánh của cử tri. Ảnh: Mai Hoa
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn kết luận tại phiên giải trình. Ảnh: Mai Hoa

Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh tập trung triển khai Kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc giải quyết các tồn tại, vướng mắc “hậu” tái định cư các dự án thủy điện tại Thông báo số 143/TB-VPCP, ngày 13/4/2019.

Đối với các chủ đầu tư, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu phải có trách nhiệm và nỗ lực cao hơn và xác định rõ thời gian cụ thể, thái độ quyết liệt, tránh tình trạng nói xong để đó. Mặt khác, bên cạnh đẩy mạnh sản xuất thì cần chăm lo đời sống dân sinh của người dân trên địa bàn.

Chủ tịch HĐND tỉnh cũng cho ý kiến về công tác quy hoạch thủy điện phải đảm bảo khoa học và thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Tin mới